TP.HCM tìm giải pháp xây dựng khu đô thị sáng tạo có tính tương tác cao
Khu đô thị Trường Thọ dự kiến sẽ được tích hợp công nghệ tiên tiến vào cuộc sống hàng ngày, có hệ thống hạ tầng bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái.
Ngày 14/7/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tọa đàm “Xây dựng các chính sách phát triển và thu hút hoạt động các ngành kinh tế tại Khu đô thị Trường Thọ”.
Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện hữu, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học những chính sách hợp tác R&D, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu đãi về nhân lực và tài chính… cho Khu đô thị Trường Thọ.
Theo định hướng phát triển, Khu đô thị Trường Thọ sẽ là một khu đô thị sáng tạo và có tính tương tác cao, phát triển kinh tế số và công nghiệp tài chính nhằm thúc đẩy ứng dụng chia sẻ kết nối công nghệ và kết quả nghiên cứu. Khu đô thị này dự kiến sẽ được tích hợp công nghệ tiên tiến vào cuộc sống hàng ngày, có hệ thống hạ tầng bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái.
PGS. TS. Huỳnh Thanh Công (Phó trưởng Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG TP.HCM) đặt vấn đề Khu đô thị Trường Thọ sẽ được quy hoạch tổng thể và xây dựng hạ tầng cơ sở để phục vụ các điều kiện sinh hoạt của nhà đầu tư, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc như thế nào. Một vấn đề nữa là Khu đô thị Trường Thọ có được hỗ trợ để hấp thụ - triển khai công nghệ (cả trong và ngoài nước) hay không.
Bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao (Tp. Thủ Đức) cho thấy, việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ mới (như về điện, nước… phục vụ mở rộng sản xuất) khiến công tác quy hoạch và nghiệm thu công trình xây dựng đang bị ách tắc, rất bất cập. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc được định hướng xã hội hóa sẽ không tiến hành quy hoạch chi tiết để tránh xung đột, không phù hợp với dự án của nhà đầu tư. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phải phù hợp thực tế, hỗ trợ cho số hóa dữ liệu và chuyển đổi số.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các Sở ngành ứng dụng mô hình living lab – “phòng thí nghiệm đô thị”. Mô hình này sẽ giúp triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, như là phép thử sai, để tìm lời đáp cho hoạt động quản lý nhà nước về công nghệ, do xã hội hiện nay chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Theo TS. Nguyễn Kiều Lan Phương (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn), việc triển khai mô hình living lab có nhiều bước như thể chế, tài chính, môi trường… Từ việc chọn giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống (như ngập lụt, kẹt xe, rác thải…), nhà quản lý sẽ xem xét những giải pháp công nghệ để giải quyết là gì, mang lại những lợi ích gì. Sau đó, sẽ tìm các nhà đầu tư và chuyên gia công nghệ phù hợp. Mô hình living lab cũng sẽ hỗ trợ tốt cho các hoạt động áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn.
Theo các chuyên gia, mô hình living lab sẽ giúp kiến tạo Trường Thọ thành khu đô thị linh hoạt và sôi động. Khu đô thị Trường Thọ cũng sẽ tận dụng được lợi thế về vị trí địa lý (ngay sông Sài Gòn, ga metro số 10, xa lộ Hà Nội, sát đại lộ Phạm Văn Đồng và vành đai 2) trong việc xây dựng môi trường ven sông thành hệ thống không gian mở với nhiều chức năng đa dạng, kết nối 3 loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, metro).
Hoàng Kim (CESTI)