Quỹ đầu tư dồn dập “xuống tiền” với start-up công nghệ bất động sản

Ngoài tốc độ tăng trưởng chung, quỹ đầu tư chỉ quan tâm đến các dự án start-up lĩnh vực proptech có thể đem lại những lợi nhuận “đột biến"

RETI – star-tup phân phối bất động sản ứng dụng công nghệ (proptech) vừa ký kết thỏa thuận đầu tư vòng hạt giống (seed round) với 2 quỹ đầu tư tại Việt Nam là CyberAgent Capital và VIC Partners. Dòng vốn mới sẽ giúp cho start-up tìm ra giải pháp số hóa quy trình mua bán bất động sản minh bạch và hiệu quả, phù hợp với thị trường Việt Nam.

Đây là đơn vị phát triển ứng dụng RETIZY, tạo nền tảng kết nối và giúp người dùng có thể trở thành môi giới chuyên nghiệp. Với ứng dụng này, người dùng có thể chia sẻ cơ hội và ủy thác khách hàng, truy cập giỏ hàng, theo dõi hiêu quả bán hàng. Môi giới sẽ được nhận hoa hồng khi khách hàng giao dịch thành công.

Nguyễn Anh Ngọc, CEO và Co-founder của RETI kỳ vọng tạo ra nền tảng từ online đến offline (O2O) để hỗ trợ môi giới và khách mua, bán bất động sản giao dịch, đầu tư một cách hiệu quả và tiện lợi.

RETI ra mắt thị trường cuối hơn 4 năm trước. Năm 2021, RETI đạt mức tăng trưởng gấp 10 lần so với 2020 và mở rộng chuỗi sàn giao dịch bất động sản - RETI Hub ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Phú Quốc và TP. HCM. Trong năm nay, RETI sẽ mở rộng sang các đại phương khác như Hải Dương, Hoà Bình, Hà Nam, Đà Nẵng.

Đầu năm nay, nền tảng công nghệ bất động sản Proptech Aplus (thuộc Beta Group) được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư Asia Business Builders nhận đầu tư 2 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống đợt đầu. Nhiều quỹ đầu tư khác như Ventek, Crossfund, Sketchnote Partners, Ikarus Ventures cùng một số nhà đầu tư thiên thần khác.

Sau khi gọi vốn, trong năm 2022, Aplus sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư tập trung phát triển nền tảng công nghệ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm cư dân cũng như hệ thống vận hành căn hộ (PMS) giúp chủ đầu tư quản lý và tăng trưởng doanh thu thuê phòng. Đồng thời, Aplus sẽ mở rộng mạng lưới thông qua hình thức nhượng quyền.

Aplus home là chuỗi căn hộ dịch vụ xây dựng không gian sống tối ưu dành cho giới trẻ với giá chỉ từ 5,5 triệu đồng/tháng.

Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) của Mekong Capital đã hoàn tất khoản đầu tư 10,2 triệu USD vào Rever, một công ty công nghệ trong lĩnh vực môi giới bất động sản (proptech) tại Việt Nam.

Trước đó, Rever đã nhận được khoản đầu tư 2,3 triệu USD từ GEC-KIP Technology and Innovation Fund (GEC - KIP Fund) vào tháng 9/2019. Công ty khởi nghiệp proptech này cũng được quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam VinaCapital Ventures đầu tư 4 triệu USD.

Tuy nhiên, các start-up proptech trong nước cũng phải cạnh tranh rất quyết liệt với các tên tuổi trong khu vực đang có động thái thâm nhập thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn khi các quỹ đầu tư cũng đứng sau “hậu thuẫn” vốn khủng.

Cuối năm 2021, PropTech Homebase cũng huy động thành công 30 triệu USD từ hàng loạt nhà đầu tư mạo hiểm.

Startup này thành lập tại Singapore bởi các cựu thành viên của McKinsey, Goldman Sachs, VIG, Grab, Harvard, Stanford, và MIT.

Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đã góp mặt trong thương vụ này như Y Combinator – “vườn ươm start-up” từng đầu tư vào Airbnb, Stripe, Dropbox, Coinbase… với danh mục hơn 40 công ty trở thành kỳ lân. Goodwater Capital – quỹ đầu tư dẫn dắt MoMo trong vòng vốn series D gọi 100 triệu USD đầu năm nay. Partech Partners – quỹ đầu tư đang quản lý tổng tài sản 2 tỉ USD…

Những cá nhân và quỹ đã đầu tư chiến lược trước đó như VinaCapital Ventures; Brian Ma – đồng sáng lập và cựu CEO của Divvy Homes; Troy Steckenrider III – cựu COO của ZeroDown và Darius Cheung – nhà sáng lập và CEO của 99.co, cổng thông tin bất động sản tại Singapore và Indonesia.

Khác với các proptech khác đang hoạt động trên thị trường, Homebase chuyên vào giải pháp cho vay mua bất động sản, cung cấp các kế hoạch tài chính được cá nhân hóa cho người mua nhà.

Homebase đang thiết lập thêm quan hệ đối tác với chủ đầu tư và môi giới. Trong đó, chủ đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, các nhà môi giới bất động sản. Năm 2019, startup này mở văn phòng tại TPHCM và đặt mục tiêu khoảng 100.000 gia đình tại Đông Nam Á có thể sở hữu nhà thông qua giải pháp tài chính do công ty cung cấp.

Hiện đơn vị xây dựng, kinh doanh bán hàng, chủ đầu tư, tư vấn, thẩm định giá… vẫn đang rất thiếu công nghệ bất động sản. Hoặc họ đầu tư chưa tới bến. Nên đây là thị trường đại dương xanh để các tên tuổi công nghệ, startup bung phá thị.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, start-up cần phải làm rõ mô hình kinh doanh và tỷ lệ lợi nhuận trong tương lai như thế nào. Bởi nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng mà dự án đó sẽ đem lại những lợi nhuận “đột biến” ra sao.

Ngoài ra, start-up cần phải cho nhà đầu tư thấy được bức tranh tài chính tổng thể và tình trạng phát triển cho giai đoạn ngắn hạn.

Start-up cũng mở rộng mối quan hệ với các quỹ đầu tư khác nhau để tìm được nhà đầu tư phù hợp nhất. Đặc biệt, đối với các start-up đang trong giai đoạn sơ khai, chưa nên tìm đến hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

ANH HOA

(Báo Đầu tư)