Phát triển đô thị sáng tạo gắn liền hoạt động khoa học và công nghệ

Việc xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết.

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang gắn với phát triển đô thị và kinh tế tri thức trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số. Trong đó, nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất rất được ưu tiên nhằm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao.

Vì vậy, TP.HCM đang tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học những chính sách hợp tác R&D, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu đãi về nhân lực và tài chính… cho Khu đô thị Trường Thọ. Đó cũng là nội dung chính trong tọa đàm “Xây dựng các chính sách phát triển và thu hút hoạt động các ngành kinh tế tại Khu đô thị Trường Thọ” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Theo định hướng phát triển, Khu đô thị Trường Thọ sẽ là một khu đô thị sáng tạo và có tính tương tác cao, phát triển kinh tế số và công nghiệp tài chính nhằm thúc đẩy ứng dụng chia sẻ kết nối công nghệ và kết quả nghiên cứu. Khu đô thị này dự kiến sẽ được tích hợp công nghệ tiên tiến vào cuộc sống hàng ngày, có hệ thống hạ tầng bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái, hỗ trợ tốt cho các hoạt động áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn.

Buổi tọa đàm “Xây dựng các chính sách phát triển và thu hút hoạt động các ngành kinh tế tại Khu đô thị Trường Thọ”.

Hiện nay, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những nhân tố đột phá trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn tới. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết.

Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đang triển khai các chương trình, kế hoạch như: Nâng cao năng suất và chất lượng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025; Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM (Đề án 100) cùng Chiến lược sở hữu trí tuệ và Phát triển Tài sản trí tuệ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.

Bên cạnh đó, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực công luôn được quan tâm đẩy mạnh. Nhiệm vụ “Xây dựng công cụ quản lý chợ” đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu và bàn giao cho Phòng Kinh tế Quận Bình Thạnh và Quận Phú Nhuận. Kết quả nhiệm vụ sẽ hỗ trợ các Phòng kinh tế và Ban Quản lý chợ quản lý, giám sát tình hình hoạt động chợ, điều hành công việc và xử lý các vấn đề được kịp thời, minh bạch theo ngày/tuần/tháng hoặc theo một khoảng thời gian cụ thể. Sở cũng đang hỗ trợ triển khai 2 nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, gồm (1) Xây dựng mô hình sản xuất lan kiếm và lan giả hạc giai đoạn vườn sản xuất; (2) Xây dựng và chuyển giao mô hình nuôi thâm canh lươn đồng (Monopterus albus) không bùn ứng dụng công nghệ lọc tuần hoàn (RAS) tại TP.HCM.

Từ nay đến cuối năm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục tổ chức Kế hoạch triển khai Đề án 672, đảm bảo đạt mục tiêu năm 2022 hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 600 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tăng cường xây dựng các bài toán đặt hàng phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số của Thành phố trong lĩnh vực y tế, giáo dục, quản trị công, cho cộng đồng theo đúng các Chương trình, Đề án của Thành phố; tổ chức các hoạt động nhằm kết nối các thành phần để hình thành hệ sinh thái hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công nghiệp và nâng cao tiềm lực KH&CN. Cùng với đó là hoạt động truyền thông các chính sách của Thành phố về hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và Giải thưởng I-Star 2022 (tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 31/8/2022).

Hoàng Kim (CESTI)