TP.HCM thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và chuyển đổi số
Thành phố đặt mục tiêu hỗ trợ hình thành và phát triển các trung tâm đổi mới công nghệ, trung tâm chuyển đổi số nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện cải tiến, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số.
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 552/KH-UBND phát triển các trung tâm đổi mới công nghệ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025.
Thành phố đặt mục tiêu hỗ trợ hình thành và phát triển các trung tâm đổi mới công nghệ, trung tâm chuyển đổi số, trung tâm chuyển giao công nghệ (gọi chung là trung tâm đổi mới công nghệ) nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện cải tiến, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số; hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ chuyển đổi số góp phần thúc đẩy triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025; hỗ trợ hình thành và phát triển ít nhất 2 trung tâm đổi mới công nghệ để phục vụ quá trình chuyển đổi số.
UBND Thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì, tổ chức triển khai Kế hoạch; hướng dẫn tổ chức đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các chính sách hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chịu trách nhiệm hỗ trợ thành lập Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số TP.HCM để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, góp phần đưa chương trình chuyển đổi số của Thành phố đi vào thực tiễn.
Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở đang xúc tiến các hoạt động khảo sát, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, sở ngành, trường viện, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để triển khai các nội dung như hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức, trung tâm, doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, hình thành mạng lưới hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, quảng bá sản phẩm, kết nối cung - cầu công nghệ.
Cụ thể là hỗ trợ xây dựng quy trình, tiêu chuẩn trong hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; huấn luyện nhân lực cho đội ngũ nhân lực tại các doanh nghiệp, trường viện, tổ chức KH&CN về nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, quản trị tài sản trí tuệ, các công cụ quản trị năng suất chất lượng - đổi mới sáng tạo ứng dụng vào thực tế, chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng chuyển đổi số; hỗ trợ hình thành và phát triển các trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu; hình thành mạng lưới hợp tác giữa các trung tâm đổi mới công nghệ, kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước,…
Đồng thời hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ; chuyển giao, đổi mới công nghệ, sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ về nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ số, thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, ưu tiên hỗ trợ các hoạt động tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Ngoài ra hỗ trợ tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin KH&CN, cung - cầu công nghệ phục vụ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tổ chức các chợ công nghệ và thiết bị, triển lãm công nghệ thiết bị, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; truyền thông, phổ biến thông tin về hoạt động đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, tôn vinh các trung tâm đổi mới công nghệ, doanh nghiệp, trường viện, tổ chức có những mô hình chuyển giao, đổi mới công nghệ thành công,…
Theo Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM), trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã hỗ trợ cho 42 dự án/doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới/chuyển giao công nghệ thông qua chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư, hoạt động tư vấn - kết nối cung cầu. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; ban hành Kế hoạch “Nâng cấp và vận hành trang phổ biến kiến thức trực tuyến năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” năm 2022; có ý kiến về công nghệ đối với dự án đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản phẩm;…
Năm 2021, tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị chung của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố so với năm trước là 8,1%. Hoạt động nghiên cứu cải tiến máy móc, thiết bị và đổi mới công nghệ tăng so với năm trước, đạt tỷ lệ 45%. Trên 25% doanh nghiệp tại Thành phố áp dụng quản trị chất lượng trong hoạt động kinh doanh, trong đó 53,8% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị chất lượng được cấp giấy chứng nhận (ISO 9001), 27,9% doanh nghiệp áp dụng các phương pháp, công cụ trong quản trị chất lượng và 18,3% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị môi trường đạt tiêu chuẩn.
Một số kết quả tiêu biểu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm như nhiệm vụ “Hệ thống hàn cao tần không tiếp xúc công suất 250kW cho dây chuyền sản xuất ống thép hàn” đã tạo được thiết bị chủ lực hàn cao tần trong dây chuyền tự động sản xuất ống thép hàn, góp phần hạ giá thành sản phẩm đầu cuối, góp phần làm chủ công nghệ và thiết kế dây chuyền sản xuất ống thép hàn hoàn chỉnh. Nhiệm vụ “Hệ thống UV LED làm khô mực in trong ngành in bao bì” giúp tiết kiệm năng lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm in, tăng năng suất, an toàn với môi trường và người lao động. Nhiệm vụ “Quy trình sản xuất Vec-ni kháng vi nấm và vi khuẩn trên cơ sở nano Cu2O/ZnO và nano Cu2O/TiO2 kết hợp với polyurethane” giúp làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu kháng khuẩn, kháng nấm mốc kết hợp với sơn PU để ứng dụng trên bề mặt gỗ để phát triển các sản phẩm chế biến từ gỗ hoặc gỗ ép có khả năng kháng khuẩn, nấm mốc. Kết quả nghiên cứu “Vật liệu nanocomposite trên cơ sở graphene” đã giúp chủ động trong việc nghiên cứu chế tạo và chuyển giao ứng dụng công nghệ chế tạo pin mặt trời, không phải phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, từ đó có thể chế tạo và lắp ráp tạo ra các tấm pin mặt trời có khả năng sản xuất điện ứng dụng tích hợp trong các thiết bị di động, thiết bị điện tử (điện thoại thông minh, đồng hồ, sạc dự phòng,...).
Hiện tại, Sở KH&CN đang tìm kiếm các nhóm ngành cụ thể để hỗ trợ kết nối ứng dụng chuyển đổi số, từ đó lan tỏa hiệu quả và nhân rộng mô hình. Đồng thời tổ chức các sự kiện, hội thảo về chuyển giao, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… Gần nhất sẽ là chuỗi hoạt động trong tháng 10/2022 tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM và Chuyển đổi số (WHISE) với các hoạt động nổi bật như giải thưởng I-Star; các hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ; hội thảo về giải pháp chuyển đổi số và đổi mới công nghệ hỗ trợ nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhận diện chuyển đổi số và sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số,…
Lam Vân (CESTI)