TP.HCM lập kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025
Ngày 28/9/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội nghị góp ý “Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025”.
Theo dự thảo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự kiến, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế thí điểm sàn giao dịch dự án khởi nghiệp và SME (Sandbox) để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhiều hơn cho các đơn vị thực hiện công tác phát triển, nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đồng thời, phát triển các sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao; hình thành một số dự án, chương trình khoa học và công nghệ trong một ngành trọng điểm, có thế mạnh và có tiềm năng nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng của Thành phố. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua việc hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và các Trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) trong trường đại học.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố tham gia vào mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu cho biết tuy Viện – trường ở Thành phố có năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhưng việc phối hợp với các đơn vị khác để cùng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Nếu cách thức phối hợp rõ ràng, thì việc nhận đặt hàng giải quyết các bài toán khoa học công nghệ là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, dù TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách thu hút chuyên gia, nhưng chưa thực sự thu hút được những chuyên gia đầu ngành, có khả năng làm chính sách tốt để định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Do vậy, việc xây dựng chính sách thu hút các chuyên gia tình nguyện nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động công nghệ cao tại cơ sở công nghệ cao cần được chú trọng hơn nữa.
Mục tiêu đến năm 2025:
+ Tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 50% trở lên.
+ Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP của Thành phố.
+ Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, con người đô thị; góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình mới đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế.
+ Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP trở lên, trong đó chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm từ 50% trở lên.
+ Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm trở lên.
+ Có 2 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường Đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.
+ Số dự án khởi nghiệp đổi mới sang tạo chiếm 50% cả nước.
+ Số lượng công bố quốc tế tăng khoảng 2 lần so với năm 2020. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm. Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ.
Hoàng Kim (CESTI)