Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023: tiếp sức doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Techmart lần này thu hút khá đông doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ trang trại, nông hộ đến từ các tỉnh thành tham gia, tìm kiếm giải pháp, công nghệ phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh, canh tác.

Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 là sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức theo sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các trường, viện, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) trao đổi cùng đơn vị trưng bày. (Ảnh: Sang Lê)

Sau hai ngày diễn ra (26-27/10/2023), Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 đã trưng bày, giới thiệu hơn 100 quy trình, công nghệ và thiết bị sẵn sàng chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm (công nghệ chế biến tinh bột, công nghệ sản xuất các loại nước uống lên men, thực phẩm chứa protein, công nghệ sản xuất các chất làm tăng hương vị, quy trình chế biến rau củ quả…); lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (quy trình lai tạo, cải thiện giống cây trồng, kỹ thuật canh tác mới, kỹ thuật chuyển phôi, phối giống, tạo chế phẩm giúp cây trồng, vật nuôi phòng tránh bệnh tật…). Đây là những giải pháp công nghệ hiện đại, bắt kịp xu hướng nông nghiệp thông minh, giúp nâng cao năng suất làm việc, tối ưu hóa sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn. Điển hình như: Ứng dụng chìa khóa vi sinh vật trong nông nghiệp hữu cơ; Hệ thống Drone nông nghiệp MiSmart: xác định tình hình sức khỏe cây trồng; Hệ thống thiết bị thanh trùng/tiệt trùng BMB ứng dụng trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm; Thiết bị phân tích các chỉ tiêu hóa lý bằng công nghệ enzyme; Công nghệ len men Lactobacillus tạo sữa non từ lúa; Công nghệ lên men 3D tỏi đen Vinaorganic…

Khách tham quan tìm hiểu thông tin kết nối - chuyển giao công nghệ. (Ảnh: Sang Lê)

Theo thống kê của Ban tổ chức, Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 thu hút hàng trăm lượt khách tham quan, tìm hiểu trực tiếp các sản phẩm - giải pháp tại các gian hàng. Bên cạnh đó là gần 1.000 lượt xem Lễ khai mạc và các hội thảo trên Facebook, cùng hàng trăm lượt khách tham dự các buổi hội thảo được truyền phát trực tiếp trên nền tảng Google Meet.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã tư vấn trực tiếp và trực tuyến cho gần 100 yêu cầu công nghệ, hướng dẫn các giải pháp công nghệ sinh học. Theo Ban tổ chức, sau sự kiện, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành cùng chuyên gia tư vấn sâu hơn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thực hiện kỳ vọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào. Các chuyên gia và đơn vị - tổ chức hỗ trợ có thể xuống hiện trường tại địa phương để khảo sát, giải quyết nhanh bài toán sản xuất thực tiễn. Từ đó, hoạt động thương mại hóa công nghệ - đưa công nghệ vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả, gắn liền kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ với doanh nghiệp - cơ sở sản xuất, góp phần vào phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Các gian trưng bày của tỉnh thành bạn không kém phần sôi động. (Ảnh: Sang Lê)

Không chỉ triển lãm, trưng bày và tư vấn sản phẩm – giải pháp, trong khuôn khổ Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 còn có chuỗi 14 hội thảo, giới thiệu nhiều giải pháp, công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp,… Điển hình như: Công nghệ cô đặc lạnh giúp bảo tồn hương liệu và thành phần có lợi cho sức khỏe trong sản xuất rượu vang, nước trái cây lên men lactic và chất bảo quản tự nhiên; Quy trình công nghệ thu hồi các hoạt chất sinh học (Phenolnic, alkanoid...) từ thực vật ứng dụng trong chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi; Giải pháp tận dụng vỏ tôm thu nhận chitin và chuyển hóa thành các phụ gia thực phẩm; Công nghệ nano Technology tạo nano silica từ tro vỏ trấu làm chất kháng nấm bệnh thực vật; Quy trình nuôi trồng nấm mối đen hữu cơ; Quy trình sản xuất men vi sinh ứng dụng trong sản xuất nông nghiêp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản;…

Techmart chuyên ngành Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 chú trọng các công nghệ và thiết bị ứng dụng, hướng đến thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tại TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Do đó, đã thu hút không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chủ trang trại, nông hộ đến từ các tỉnh thành tham gia, tìm kiếm giải pháp, công nghệ phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh, canh tác. Đây cũng là cơ hội để để các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy mục tiêu phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Hoàng Kim (CESTI)