TP. HCM hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật mới nâng cao hiệu quả sản xuất giống cá rồng
Mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cá rồng giúp mang lại hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho đơn vị sản xuất lên 15%. Mô hình đang được áp dụng tại một hộ nuôi cá cảnh trên địa bàn quận 7, TP.HCM.
Ngày 04/11/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Xây dựng mô hình sản xuất giống cá rồng (Scleropages formosus) kiểu hình kim long tại Thành phố Hồ Chí Minh". Nhiệm vụ do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025.
Theo ThS. Nguyễn Thị Kim Liên (chủ nhiệm nhiệm vụ), hiện nay, tại TP.HCM, các đối tượng sản xuất kinh doanh cá cảnh rất đa dạng trong đó cá rồng là đối tượng có giá trị kinh tế cao. Cá rồng tượng trưng cho sự may mắn, phát tài lộc và đem lại hạnh phúc. Do đó cá rồng trở thành con vật được nuôi không chỉ làm cảnh trong nhà mà còn được xem là biểu tượng phong thủy cho gia chủ. Nhu cầu về cá rồng ngày càng tăng trên thế giới và cả trong nước. Tuy nhiên, việc sản xuất giống cá này còn hạn chế do khó khăn về vấn đề nguồn cá bố mẹ, giá thành cao, tuổi thành thục kéo dài cần phải đầu tư cả về vốn và cơ sở vật chất nuôi vỗ đủ lớn. Đặc biệt trong giai đoạn sinh sản, sau khi trứng được thụ tinh cá đực ngậm tất cả trứng vào miệng, quá trình này kéo dài khoảng 50 – 60 ngày. Trong suốt giai đoạn này cá đực hầu như không ăn, chỉ tập trung ấp trứng và bảo vệ đàn cá con làm kéo dài chu kỳ sinh sản.
Thực tế tại cơ sở của ông Nguyễn Xuân Khoa (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM), quá trình sản xuất giống cá rồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa có quy trình ổn định, tỷ lệ ấp trứng và ương nuôi cá con tỷ lệ sống còn thấp, cá thường bị bệnh trong quá trình nuôi. Do vậy, ông Nguyễn Xuân Khoa mong muốn được tiếp nhận các quy trình sinh sản cũng như ấp trứng và ương nuôi cá con phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và quảng bá kết quả đến cho người dân khi có nhu cầu.
ThS. Nguyễn Thị Kim Liên cho biết, với nhiệm vụ này, nhóm nghiên cứu tập trung vào các mục tiêu xây dựng phương pháp ấp trứng cá rồng kiểu hình kim long để tăng tỷ lệ ấp trứng và tỷ lệ sống trong ương cá con giai đoạn cá tiêu hết noãn hoàng đến cá 3 tháng tuổi lên 15 - 20% so với phương pháp cũ đang sử dụng tại hộ dân (tỷ lệ ấp trứng, tỷ lệ sống 50 - 60%); xây dựng được kỹ thuật lên màu quá bối nhằm nâng cao giá trị thương phẩm của cá rồng kiểu hình kim long. Qua đó đã hoàn thiện và chuyển giao quy trình sinh sản nhân tạo cá rồng (Scleropages formosus) kiểu hình kim long; hoàn thiện và chuyển giao quy trình ương nuôi cá rồng kiểu hình kim long từ giai đoạn tiêu hết noãn hoàng lên cá 3 tháng tuổi.
Đối với nội dung hoàn thiện và chuyển giao quy trình sinh sản nhân tạo cá rồng (S. formosus) kiểu hình kim long, nhóm đã thực hiện các công việc như nuôi vỗ cá bố mẹ trong hệ thống tuần hoàn nước, bố trí sinh sản nhân tạo cá kim long quá bối trong ao đất, chuyển giao phương pháp ấp trứng nhân tạo cá rồng kim long. Trong đó, các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, tỷ lệ di hình của cá trong ấp trứng nhân tạo bao gồm: lưu lượng nước, nhiệt độ nước, mật độ ấp và thời gian thu trứng sau khi thụ tinh. Trứng được ấp trong bể thủy tinh tròn với thể tích là 10 lít nước và bể được đặt vào trong bể kính kích thước 1,2m x 0,6m x 0,6m.
Với nội dung hoàn thiện và chuyển giao quy trình ương nuôi cá rồng kiểu hình kim long từ giai đoạn tiêu hết noãn hoàng lên cá 3 tháng tuổi, nhóm đã thực hiện chuyển giao quy trình kỹ thuật xử lý nguồn nước trong ương nuôi cá rồng kim long quá bối, chuyển giao quy trình ương nuôi cá từ giai đoạn tiêu hết noãn hoàng lên cá 3 tháng tuổi. Trong đó, kỹ thuật thả giống vào bể nuôi gồm nguồn cá giống sử dụng là cá sinh sản nhân tạo, cá sau khi tiêu hết noãn hoàng với kích thước cá con dài khoảng 8 - 10cm, chọn những con đồng đều, cá khỏe mạnh, vây nguyên vẹn, phản xạ nhanh nhẹn, màu sắc đặc trưng. Cá còn nhỏ nuôi với mật độ 20 con/bể, kích thước 1,0 x 0,5 x 0,5m. Bể ương nuôi cá con cần đảm bảo các điều kiện như: độ sâu của nước từ 30 - 40cm, bể sáng thoáng rộng cho cá bơi lội, bể đặt trong nhà và được cung cấp khí oxy liên tục. Bể kính đặt trên khung sắt từ 2 đến 3 tầng để thuận tiện cho việc chăm sóc và theo dõi cá mỗi ngày. Về kỹ thuật cho cá kim long quá bối lên màu vàng, khi cá có kích thước 15 - 16cm, tiến hành đánh màu cho cá bằng kỹ thuật đánh đèn (sử dụng đèn led màu trắng và nuôi cá trong bể composite màu trắng).
Sau một năm thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao cho cơ sở ông Nguyễn Xuân Khoa quy trình sản xuất giống và ương nuôi cá rồng kiểu hình kim long cải tiến về hiệu quả kỹ thuật (đã tăng tỷ lệ sống, tỷ lệ ấp trứng lên 20%) và hiệu quả về tài chính (đã tăng tỷ lệ cá rồng có kiểu hình quá bối lên 20%). Các thông số kỹ thuật ghi nhận trong quy trình: tỷ lệ cá bắt cặp tham gia sinh sản 73,33%, số trứng thu được trung bình/cá đực 28 trứng, thời gian lấy trứng ra từ miệng cá rồng đực là 10 ngày, tỷ lệ ấp trứng đến cá tiêu hết noãn hoàng là 80%, tỷ lệ sống cá 3 tháng tuổi 80%, tỷ lệ lên màu quá bối 80%.
Kết quả áp dụng tại cơ sở ông Nguyễn Xuân Khoa cho thấy, tỷ lệ cá bắt cặp tham gia sinh sản đạt 73,33% (trước đây khoảng 60 – 70%); số trứng thu được trung bình/cá đực 28 trứng (trước đây 25 trứng); thời gian lấy trứng ra từ miệng cá rồng đực là 10 ngày (trước đây 20 ngày); các tỷ lệ sống cá tiêu hết noãn hoàng (80 – 90%), tỷ lệ sống cá 3 tháng tuổi (80%), tỷ lệ lên màu quá bối (80%) đều cao hơn so với trước đây (lần lượt 50 – 60%, 50 – 60%, 60%). Về hiệu quả kinh tế, mô hình áp dụng tại hộ ông Nguyễn Xuân Khoa từ 10/2022 đến tháng 09/2023 giúp mang lại lợi nhuận 484.983.000 đồng, tỷ suất lợi nhuận là 0,91. Theo tính toán, mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống cá rồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho đơn vị sản xuất lên 15%.
ThS. Võ Thị Mộng Thu (Chi cục Thủy sản TP.HCM, thành viên hội đồng nghiệm thu) nhận xét, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và chuyển giao được quy trình sản xuất giống và ương nuôi cá rồng kiểu hình kim long có cải tiến về hiệu quả kỹ thuật. Mô hình có khả năng tạo ra sản phẩm có chất lượng, ổn định về số lượng, màu sắc đẹp, cá khỏe mạnh, kiểu hình đẹp, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng nên có thể nhân rộng vào thực tế, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.
Hiện nay, cá cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, trong đó, cá rồng kim long quá bối là loài cá có giá trị kinh tế cao nên việc chủ động cung cấp con giống cho thị trường cá cảnh là nhu cầu cần thiết. "Mô hình thực hiện không chỉ phù hợp với chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, mà còn góp phần đưa đối tượng cá cảnh từ tiềm năng lên chủ lực, là một trong những sản phẩm chính của nông nghiệp Thành phố trong chiến lược phát triển kinh tế, đáp ứng kỳ vọng của TP.HCM là trung tâm giống của cả nước và khu vực", ThS. Võ Thị Mộng Thu đánh giá.
Lam Vân (CESTI)