Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Ngày 26/12/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM”. Hội thảo đã thu hút hơn 1.000 đại biểu là đại diện tới từ các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức và cá nhân quan tâm đến tham dự trực tiếp tại số 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM và theo dõi trực tuyến trên nền tảng Facebook - https://www.facebook.com/DOSTHCM.
Đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM” trực tiếp tại trụ sở của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa Học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn hiện đang trở thành xu hướng toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như yêu cầu tất yếu cần thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận quốc tế đã cam kết về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, thì kinh tế tuần hoàn được xác định là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh - tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường.
Hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn vừa qua của Thành phố đã đạt nhiều thành tựu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Từ 2016 đến 2022, kinh tế của Thành phố phát triển mạnh, với GRDP tăng trung bình 5,47%, đóng góp hơn 17% vào GDP quốc gia và 26,2% vào tổng thu ngân sách Nhà nước. Thành phố đã đầu tư 13.657 tỷ đồng vào khoa học và công nghệ chiếm 2,55% ngân sách, tuân theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ. Trong số này, 4.628 tỷ đồng dành cho sự nghiệp khoa học và công nghệ và 9.028 tỷ đồng cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Chỉ số TFP tăng mạnh, đạt trung bình 46,7%, với 74% đóng góp từ khoa học và công nghệ. Năng suất lao động của Thành phố cao gấp 2 lần so với cả nước và năng suất lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao vượt trội, gấp 1,67 lần so với mức chung của Thành phố.
Trong giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh và bền vững, giữ vị thế đầu tàu kinh tế quốc gia, Thành phố định hướng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh hiện nay vẫn là một thách thức lớn. Hiện nay, Thành phố cũng chỉ xuất hiện đơn lẻ một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn, điển hình như: mô hình 3R và Quỹ Tái chế chất thải, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên. Dù thông tin còn hạn chế, nhưng có thể nhận thấy các hoạt động chủ yếu tập trung vào bảo vệ môi trường, chưa chuyển hóa thành hoạt động kinh tế có lợi ích cụ thể.
TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa Học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng theo, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa Học và Công nghệ TP.HCM, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực và nền tảng xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì chúng ta cần:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho các đối tượng liên quan, với việc phát triển chiến lược truyền thông giáo dục về trách nhiệm đối với sản phẩm, nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn để hỗ trợ quá trình tái sử dụng và tái chế.
Thứ hai, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ sự hình thành và phát triển của kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật Nhà nước, đặt ra chính sách khuyến khích áp dụng mô hình này.
Thứ ba, có lộ trình và ưu tiên trong phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên nhu cầu thị trường và xã hội. Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giải quyết chất thải nhựa và túi nilon trong 5 năm tới. Cần áp dụng mô hình hiệu quả cho chất thải nhựa và túi nilon, sau đó mở rộng cho các ngành sản xuất khác với cách tiếp cận từ nguyên liệu.
Thứ tư, phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng. Cần có nghiên cứu đánh giá đúng các ngành, lĩnh vực có khả năng tiếp cận tốt nhất trong một chiến lược tổng thể chung về phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Thứ năm, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường, xác lập rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn. Có cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, …
Thứ sáu, gắn liền thực hiện kinh tế tuần hoàn với phát triển công nghệ, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Việc tích cực nghiên cứu và tạo ra các công nghệ thay thế là một yếu tố đặc biệt cần được chú trọng. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả.
Thứ bảy, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến phục vụ cho quá trình chuyển đổi trong nước.
“Mục tiêu của Hội thảo ngày hôm nay nhằm định hướng cho doanh nghiệp, trường, viện phát huy đầy đủ vai trò của khoa học và công nghệ trong việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM. Cũng như, đẩy mạnh vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố. Do đó, chúng tôi muốn lắng nghe, ghi nhận những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp về giải pháp, cách thức nhằm xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM. Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến trường, viện, doanh nghiệp và đặc biệt cảm ơn các chuyên gia đã viết bài tham luận và đến tham dự Hội thảo ngày hôm nay”, TS. Lê Thanh Minh nêu kỳ vọng.
Tại buổi Hội thảo Khoa học, 4 báo cáo tham luận đã được Ban tổ chức lựa chọn để trình bày với các chủ đề gồm:
- “Vai trò đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Một số đề xuất với TP.HCM” của PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM.
- “Giải pháp cần thiết và đồng bộ tạo sự đột phá từ tư duy đến hành động về kinh tế tuần hoàn trong các trường Đại học và các doanh nghiệp TP.HCM” của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững SDLT, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển bền vững TP.HCM - IRSH.
- “Đề xuất Mô hình Kinh tế Tuần hoàn Sinh học Nông - Lâm (Cricular Bioeconomy) áp dụng tại TP.HCM” của Mr Tim Nguyen - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI).
- “Tài trợ tài chính cho mô hình kinh doanh tuần hoàn trong doanh nghiệp” của TS. Phạm Hồng Hải - Giảng viên chính Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Tài chính Marketing, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững thuộc Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam.
Được biết, trước thềm Hội thảo Khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội TP.HCM”, Ban tổ chức cũng đã nhận được 23 bài tham luận và đã xây dựng thành kỷ yếu. Toàn văn kỷ yếu xem TẠI ĐÂY.
Nhật Linh (CESTI)