Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Khởi nghiệp sinh viên: Đừng để thất bại chôn vùi ý chí

Nhiều sinh viên băn khoăn, liệu rằng khởi nghiệp bị thất bại nhiều lần có gây ra tình trạng chán nản, thiếu tự tin vào bản thân và trở thành "nấm mồ" chôn vùi ý chí quyết tâm của mình hay không?

Cách đưa sản phẩm khởi nghiệp ra thị trường

Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động về startup (khởi nghiệp) dành cho sinh viên, Bộ môn phát triển khởi nghiệp đại học FPT vừa tổ chức hội thảo "Cách đưa sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) ra thị trường của các startup công nghệ" với sự tham dự của gần 1.000 sinh viên.

Tiến sĩ Kiều My, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) chia sẻ cách đưa sản phẩm ra thị trường cho sinh viên khởi nghiệp. Ảnh: MQ

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Kiều My, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đã chia sẻ cách xây dựng MVP và cách ra thị trường nhanh nhất cho các startup.

Theo Tiến sĩ My, MVP (Minimum Viable Product) là sản phẩm tối thiểu có thể đưa ra thị trường để thu thập phản hồi từ khách hàng. Việc xây dựng MVP là một bước quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm khởi nghiệp, giúp các nhà khởi nghiệp thử nghiệm ý tưởng của mình và thu thập phản hồi từ khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ngoài hướng dẫn cách xây dựng MVP, Tiến sĩ Kiều My cũng khuyên các startup đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất là yếu tố quan trọng để các startup có thể đạt được sự thành công. Để làm được điều này, startup cần tối ưu hóa quá trình phát triển sản phẩm và quảng cáo để thu hút khách hàng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Gia Hoàng, Chủ nhiệm Bộ môn phát triển khởi nghiệp đại học FPT, chuyên gia tư vấn cho các startup nhấn mạnh, các startup cần hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và tối ưu hóa quá trình phát triển sản phẩm để đạt được sự hài lòng của khách hàng. 

Ông Hoàng cũng đưa ra nhiều lời khuyên cho sinh viên về các cách tối ưu hóa quá trình phát triển sản phẩm cũng như cách quảng cáo để thu hút khách hàng.

Chuỗi chương trình về khởi nghiệp của Trường ĐH FPT thu hút sự quan tâm của sinh viên. Ảnh: MQ

"Để thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp, các startup cần phải có một chiến lược rõ ràng và cẩn thận, từ việc xác định mục tiêu đến việc lựa chọn đối tượng khách hàng và phương thức tiếp cận thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và khó khăn. Để đạt được sự thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp, các startup cần phải có một tầm nhìn rõ ràng và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội và định hình xu hướng thị trường", ông Hoàng nói.

Thất bại có phải là "nấm mồ" chôn vùi ý chí khởi nghiệp?

Tại hội thảo, nhiều sinh viên đặt các câu hỏi thú vị liên quan đến startup với chuyên gia. Quang Minh, sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo thắc mắc, ngành trí tuệ nhân tạo hiện tương đối mới mẻ. Bản thân Quang Minh cảm giác rằng, thị trường lao động đối với ngành này không nhiều, do đó khả năng thất nghiệp cũng sẽ tương đối cao. Nam sinh viên muốn chuyên gia đưa ra lời khuyên cho sinh viên đang theo học ngành này.

TS Kiều My cho rằng, sinh viên các ngành trí tuệ nhân tạo lo ngại việc làm sau tốt nghiệp không hiếm, nhất là khi trí tuệ nhân tạo đang phát triển. Tuy nhiên, dù AI đang nở rộ nhưng sinh viên vẫn sẽ có việc làm, bởi nhu cầu thị trường hiện nay và trong tương lai là rất lớn; các startup về AI, các công ty làm về AI cũng đang ngày càng phát triển... nên tiềm năng việc làm cho sinh viên học ngành này là càng lớn.

Sinh viên đặt câu hỏi với diễn giả về chủ đề startup. Ảnh: MQ

Một sinh viên khác đặt câu hỏi, trong startup, pháp luật có phải là yếu tố để xem xét, lựa chọn sản phẩm hay không? Làm sao để biết được sản phẩm mình lựa chọn vi phạm pháp luật hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức? Sinh viên cho biết, sở dĩ quan tâm đến vấn đề này vì trong AI có những quy định về vi phạm đạo đức, chuẩn mực và có các bộ luật đạo đức.

Trước câu hỏi này, TS Kiều My cho biết, thực tế có nhiều sản phẩm nhạy cảm liên quan đến pháp luật. Ví dụ, ở Việt Nam không công khai việc sử dụng tiền số, việc sử dụng tiền số cho các sản phẩm phải chờ luật thông qua và cũng chưa có bộ luật rõ ràng... Do vậy, để khởi nghiệp, các startup phải quan tâm, nghiên cứu thị trường đối với các sản phẩm nhạy cảm với pháp luật. Việc nghiên cứu này ông My cho rằng không khó, có thể tham khảo từ luật sư.

Riêng đối với luật đạo đức trong AI, ông My cho biết hiện đang được xây dựng, chưa hoàn thiện. Vì chưa có luật nên không. Trong AI thường liên quan đến quyền riêng tư, ở châu Âu đã có luật về vấn đề này, tuy nhiên ở Việt Nam đang xây dựng. Trong vài năm tới, khi có luật riêng tư thì các công ty AI phải tuân thủ. Tuy nhiên, ông My cho rằng, đây không phải là trở ngại để startup về AI.

Một sinh viên khác bày tỏ: Hiện nay, việc khởi nghiệp đang rất được nhà nước và các cơ sở giáo dục khuyến khích. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều người khởi nghiệp không thành công vì nhiều lý do như chưa có kinh nghiệm, vốn ít, gọi vốn bất thành, không đáp ứng được nhu cầu thị trường... Đáng nói, có nhiều người khởi nghiệp thất bại hết lần này đến lần khác và trở nên chán nản. Liệu rằng, khởi nghiệp có phải là "nấm mồ" chôn vùi ý chí quyết tâm xây dựng sản phẩm, thương hiệu, quyết tâm làm giàu... hay không?

Trước câu hỏi này, TS Kiều My cho biết, đúng là không phải ai khởi nghiệp cũng thành công, thậm chí có đến 99% startup thất bại. Để thành công, startup phải hội đủ tất cả các yếu tố với nhiều điều kiện, tuy nhiên, sự thất bại nhiều khi chỉ do 1 yếu tố rất nhỏ. Do đó, ông My cho rằng, các startup phải nắm vững kiến thức trước khi khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm. Kể cả khi sản phẩm được hoàn thiện, nó cũng chỉ chiếm được 15-20% phần việc. Số phần trăm còn lại nằm ở chiến lược bán hàng, cách tiếp cận khách hàng, xây dựng mô hình kinh doanh, xác định đối tượng trả tiền cho sản phẩm, đội ngũ nhân sự, chăm sóc khách hàng...

"Khởi nghiệp và thất bại là câu chuyện bình thường, điều quan trọng là sau mỗi lần thất bại chúng ta có rút ra được kinh nghiệm hay không. Tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ cứng cáp, hoàn thiện hơn, trở thành phiên bản tốt hơn nếu trải qua thất bại. Và tôi cũng tin rằng, thành công sẽ sớm đến với những ai dám chấp nhận rủi ro, dám thất bại để học hỏi", TS Kiều My nói.

Thạc sĩ Đồng Quin, Trưởng Ban tổ chức chuỗi hội thảo về Startup chia sẻ, hội thảo về khởi nghiệp đã mang lại nhiều giá trị cho các sinh viên và các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Hội thảo được tổ chức không chỉ để cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm quý giá để giúp các startup phát triển sản phẩm thành công và đưa ra thị trường hiệu quả mà còn là hoạt động tích cực để hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Ngoài những kiến thức chuyên môn, buổi seminar mang lại cho sinh viên cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, networking và phát triển mối quan hệ trong cộng đồng khởi nghiệp. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng một sự nghiệp khởi nghiệp thành công, bởi vì, đối với một doanh nghiệp mới thành lập, mối quan hệ và sự kết nối với các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng là vô cùng quan trọng.

THEO MỸ QUỲNH

(Báo Dân Việt)

See this gallery in the original post