Tự động hóa - Xu hướng tất yếu trong các nhà máy sản xuất hiện đại

Trong bối cảnh nguồn nhân lực lao động đang có xu thế già đi và những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 tác động đến kinh tế và đời sống. Lợi ích từ việc ứng dụng tự động hóa đã được thể hiện và khẳng định trong hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tự động hóa đã và đang được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt phải kể đến sản xuất công nghiệp.

Các lĩnh vực tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ và thiết bị tự động tiêu biểu bao gồm: cơ khí, khí nén, y tế, nông nghiệp, điện, điện tử, công nghệ sản xuất ô tô, tàu thủy… Trong nhiều nhà máy hiện nay, các hệ thống sản xuất dây truyền, robot, tự điều khiển đang dần thay thế một phần hoặc hoàn toàn các công việc do con người đảm nhiệm.

Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại giúp kết nối, điều khiển các loại máy móc, robot vận hành chính xác và mang đến những sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều. Với khả năng hoạt động liên tục không ngừng nghỉ của các loại máy móc tự động, quy trình sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn so với hoạt động thủ công truyền thống. Điều này giúp tiết kiệm nhiên liệu, tăng năng suất, nâng cao độ linh hoạt trong sản xuất. Thêm vào đó, khi vận hành, các hệ thống tự động hóa đều đã được đồng bộ, thiết lập các thông số cần thiết cho quy trình, chất lượng sản xuất, vì vậy giúp sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt, đồng đều, hạn chế tối đa xảy ra các lỗi ở sản phẩm đầu ra, giúp doanh nghiệp giảm chi phí hay rút ngắn thời gian kiểm định. Với những tính năng ưu việt, hệ thống phân tích thông minh, việc ứng dụng tự động hóa còn hỗ trợ các nhà quản trị doanh nghiệp dễ dàng có một cái nhìn trực quan, tổng thể về mọi hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp để từ đó đưa ra những định hướng đúng đắn.

Đầu tư hệ thống tự động hóa đồng bộ giúp doanh nghiệp quản trị dễ dàng.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất không những giúp đảm bảo an toàn cho người lao động trong một số công đoạn khó, nguy hiểm, độc hại mà còn phù hợp với chiến lược phát triển xanh bền vững của thế giới.

Tự động hóa hiện đang là một xu thế bao trùm và tác động trực tiếp lên hầu hết các ngành nghề trên thị trường. Việc ứng dụng công nghệ và các giải pháp tự động hóa có khả năng thay thế, thậm chí thực hiện những công việc mà con người không thể làm được trước đây. Nếu ứng dụng hiệu quả tự động hóa, các doanh nghiệp dịch vụ sản xuất có thể tạo ra những bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dưới áp lực cạnh tranh gay gắt từ thị trường trong việc tăng năng suất, giảm chi phí lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm thì tự động hóa ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp.

Cùng với đó, sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI), máy học và các công nghệ khác với tự động hóa quy trình bằng robot sẽ có khả năng định hình lại môi trường kinh doanh.

Cánh tay Robot - Ứng dụng tự động hóa mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets và Zion Market Research, thị trường siêu tự động hóa dự báo chạm mốc 26 tỷ USD vào năm 2028. Thị trường robot công nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng từ 15,7 tỷ USD vào năm 2022 lên 30,8 tỷ USD vào năm 2027.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp muốn cạnh tranh đứng vững trên thị trường đều đặc biệt đẩy nhanh tốc độ hướng tới quy trình chuyển đổi số, tự động hóa hơn bao giờ hết. Đối với thị trường các doanh nghiệp Việt Nam, tác động của dịch bệnh cũng khiến quá trình chuyển đổi số và ứng dụng triển khai các công nghệ giải pháp tự động hóa trong các ngành nghề sản xuất diễn ra nhanh, mạnh hơn.

Có thể thấy rằng, việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh chính là tư duy linh hoạt giúp doanh nghiệp luôn nắm thế chủ động ứng phó với những yếu tố khách quan khó kiểm soát, biến động của thị trường. Tự động hóa cũng là một chiến lược đầu tư dài hạn, bền vững và tạo ra sự thay đổi, đưa hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đạt hiệu quả cả về kinh tế và nguồn lao động.

Xu hướng tự động hóa ngày càng làm thay đổi lớn đến thị trường kinh doanh và lao động trên nhiều góc độ khác nhau. Mức độ ảnh hưởng của công nghệ và tự động hóa thậm chí có thể tạo nên những luồng dịch chuyển lao động hay những quan niệm về nghề nghiệp, ổn định nghề nghiệp sẽ dần dần thay đổi trong tương lai.

Tại Việt Nam, xu thế phát triển và ứng dụng của tự động hóa trong sản xuất đang dần tiến tới một quy trình khoa học với sự tham khảo nghiên cứu kỹ lưỡng các thành tựu trên thế giới và dưới những điều kiện cụ thể của thực tế để phân tích, xây dựng chiến lược ứng dụng công nghệ số và thiết bị tự động đối với từng lĩnh vực, từng ngành khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế bởi đa phần các doanh nghiệp mới đang ở mức độ tự động hóa một phần.

Đón đầu và nhận định tự động hóa chính là xu hướng tất yếu của các ngành công nghiệp hiện nay, Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng An Phát, với gần 30 năm phát triển, luôn tự hào cung cấp các sản phẩm, tư vấn, thiết kế giải pháp tự động hóa phù hợp với nhu cầu của mỗi công đoạn sản xuất trong nhiều ngành nghề hiện nay. Đặc biệt, An Phát tự tin với khả năng đáp ứng những yêu cầu đa dạng hay khắt khe nhất của các doanh nghiệp khi cung cấp bộ sản phẩm hoàn thiện cho giải pháp ngành với hơn 35.000 sản phẩm hay các dịch vụ tư vấn lắp đặt thiết bị tự động hóa, hướng dẫn chuyển giao công nghệ theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, thiết kế hệ thống thiết bị, cung cấp giải pháp tự động hóa theo nhu cầu riêng của khách hàng nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

THEO N.L

(Báo Đầu tư)