Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội: cần xây dựng hệ sinh thái

Tại Hội thảo “Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố” được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố vào ngày 09/6/2023 vừa qua, nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu lên những vướng mắc về vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, hành lang bảo vệ pháp lý hay câu chuyện kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số.

Theo TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, hoạt động khoa học và công nghệ của Thành phố giai đoạn vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ ngày càng hoàn thiện với nhiều quy định mới để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ gắn mà thực sự đồng hành, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Những thành quả này đưa Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục và khoa học và công nghệ của cả nước.

Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu là đại diện của các Sở, ban, ngành; Trường Đại học, cao đẳng; Doanh nghiệp, Viện, Trung tâm nghiên cứu; chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 tham dự.

Cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho phát triển. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ cao: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hoá chất - nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm đang tăng dần qua các năm. Ngành nông nghiệp Thành phố đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung có năng suất cao. Kết quả này được thể hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2016 - 2022, đạt trung bình 46,7%, trong đó đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%. Đồng thời, trong giai đoạn 2016 - 2022, năng suất lao động xã hội của Thành phố cao gấp 2 lần so với cả nước và bình quân đạt 272 triệu đồng, năng suất lao động của doanh nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao thuộc 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu gấp 1,67 lần năng suất lao động xã hội của Thành phố.

Giai đoạn 2016 - 2022, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 5,47%, tỷ trọng kinh tế thành phố đóng góp trên 17,05% kinh tế cả nước và 26,2% tổng thu Ngân sách Nhà nước. Trong đó, chi ngân sách Thành phố cho hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2016 - 2022 là 13.653 tỷ đồng, bình quân đạt 2,55% tổng chi ngân sách Thành phố, đảm bảo mức chi theo quy định của Luật khoa học và công nghệ, cụ thể:

Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đạt 4.704 tỷ đồng chiếm 34,58% tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ (trong đó, kinh phí cho R&D là 1.493 tỷ đồng, chiếm 10,97% tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ); chi đầu tư phát triển khoa học và công nghệ đạt 8.898 tỷ đồng, chiếm 65,42% tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế TP.HCM), chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng 18%-20% tổng chi tiêu xã hội cho khoa học và công nghệ, phần lớn đến từ khu vực doanh nghiệp (chiếm khoảng 67%-70%), còn lại là hoạt động nghiên cứu phát triển của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ. Tổng chi tiêu xã hội cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 0,9% GRDP Thành phố. Ngoài ra, Thành phố là địa phương luôn tiên phong trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố phát triển mạnh mẽ và trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Nhiều dự án khởi nghiệp được hỗ trợ thông qua các chương trình đã gọi vốn thành công từ các Quỹ đầu tư hoặc nhà đầu tư thiên thần. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang dần đưa Thành phố tiến dần đến top 100 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu.

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ tại Hội thảo.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng theo TS. Nguyễn Việt Dũng, TP.HCM vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là việc đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế, nhỏ lẻ; tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của thành phố. Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

“Nhà nước thường chi chiếm từ 5 - 10% tổng chi tiêu cho khoa học và công nghệ, còn lại thuộc về doanh nghiệp. Chỉ dựa vào nguồn vốn của Nhà nước sẽ không đủ. Do vậy, cần có bài toán để thúc đẩy được sự tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển khoa học và công nghệ thông qua các chính sách mở. Ngoài ra, TP.HCM cần có những trung tâm xuất sắc để dẫn dắt phát triển khoa học và công nghệ, các trung tâm xuất sắc sẽ đảm nhiệm những nghiên cứu lớn, lâu dài, từ đó có thể sẽ làm chủ công nghệ”, TS. Nguyễn Việt Dũng nhận định.

TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Hồ Hải chủ trì thảo luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng cho rằng, TP.HCM cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số. Trong bối cảnh liên kết vùng, Thành phố không chỉ là hạt nhân cung cấp dịch vụ đô thị chất lượng cao và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại mà còn là mắt xích quan trọng góp phần lan tỏa phát triển công nghiệp công nghệ cao của vùng trong thời kỳ mới.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, TP.HCM cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện hữu theo tiếp cận hiệu quả; Đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số; Từng bước tái cấu trúc các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp có vị trí gần trung tâm theo hướng khu công nghiệp sinh thái và các khu công nghiệp hiện hữu phải được bổ sung các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo… và có lộ trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, từng bước hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn. Không những thế, Thành phố cần nâng cao năng khả năng cạnh tranh qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học công nghệ. Đồng thời, TP.HCM phải trở thành không gian khoa học công nghệ kết nối vùng và có khả năng cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực. Cũng như, cần có cơ chế vượt trội cho khoa học công nghệ và thành phố đang rất kỳ vọng vào các “cơ chế vượt trội” có trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

"Cơ chế vượt trội này phải đi đến các lĩnh vực, làm sao khoa học công nghệ sẽ đưa TP.HCM phát triển theo mô hình tăng trưởng mới. Tức là mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. TP.HCM phải trở thành Hub, là trung tâm để có thể tạo ra các tác động ngoại vi tích cực với các tỉnh thành trong vùng", GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM trình bày tham luận với chủ đề “Khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố” 

Đồng quan điểm với GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng đã có nhiều nội dung về phát triển khoa học công nghệ như cơ chế Sandbox; Thành phố cũng sẽ tập trung vào việc phát triển liên vùng…

"Nếu chúng ta không tạo ra động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng đó dựa trên khoa học công nghệ, dựa trên đổi mới sáng tạo thì chắc chắn kinh tế Thành phố sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp hơn bình quân tăng trưởng của cả nước cũng như các chỉ số khác sẽ thấp hơn", TS. Trương Minh Huy Vũ nêu rõ.

TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Bên cạnh đó, TS. Trương Huy Vũ cũng cho rằng, cần đổi mới cơ chế quản lý, đa dạng hóa đầu tư và cơ chế tài chính; phát triển khung pháp lý cho thị trường và nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước. Đồng thời, cần phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế trong nước và thu hút lực lượng nghiên cứu khoa học nước ngoài.

Đồng quan điểm với ý kiến này, TS. Bùi Thành Luân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát - Giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, khoa học và công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Một số vai trò chủ yếu của khoa học và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực doanh nghiệp, như: Tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới; tăng cường hiệu suất và hiệu quả; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường; tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển; cải thiện quy trình quản lý và vận hành; đổi mới và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay rất cần có một khu công nghiệp, một cụm công nghiệp hay là một khu tập trung để có thể được hỗ trợ về mặt bằng. Bên cạnh, sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, công nghệ và sáng tạo để tiếp tục phát triển để thành công trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Bùi Thanh Luân đánh giá, Thành phố chưa ưu tiên thuế cho doanh nghiệp công nghệ. Doanh nghiệp chưa được tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển, chính sách thuế nhập khẩu chưa hợp lý; Nhà nước chưa thực sự quan tâm đến phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ… Ngoài ra các thủ tục về thanh toán, quyết toán còn nhiêu khê dẫn đến tình trạng “làm khoa học không mệt nhưng làm thủ tục quyết toán rất mệt”. Do đó, TS Bùi Thành Luân kiến nghị, TP.HCM cần phải hành động ngay.

"Thế giới thì phát triển không ngừng và ngày càng nhanh, còn chúng ta thì có tiến lên nhưng quá chậm nên khoảng cách ngày càng cách xa. Chúng ta có thể đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân về cơ chế về điều kiện xã hội về con người… Nhưng nếu chúng ta chỉ đổ lỗi mà không thay đổi và hành động thì con đường công nghiệp hóa đất nước sẽ còn rất dài", TS Bùi Thành Luân nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học công nghệ  đã cùng nhau thảo luận các giải pháp xây dựng, hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc, nhằm tập trung nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao để cùng triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu; Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khoa học và công nghệ có tầm vóc, thu hút sự tham gia của cả khu vực công và tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội Thành phố…

“Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố cần có chương trình thể hiện rõ vai trò của cá nhân vì nhìn qua các hoạt động chỉ thấy sự hợp tác của nhà nước, các tổ chức, đơn vị nhà nước… còn cá nhân thì không hề thấy bóng dáng”, ông Vũ Tuấn Anh - Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr.SME.

“Muốn có doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì phải hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có khoa học và công nghệ, tức là phải nuôi dưỡng doanh nghiệp ngay từ đầu để hướng doanh nghiệp ấy thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ hiệu quả trong quá trình phát triển hay xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ”, TS. Huỳnh Đại Phú - Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).

“Nhà nước nên đặt hàng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao vì ở lĩnh vực này, doanh nghiệp tư nhân luôn có những sản phẩm tốt, cơ chế linh động”, TS. Võ Văn Khang - Chi hội An toàn thông tin phía Nam.

"Việt Nam chúng ta đã là một nước đi sau về khoa học và công nghệ, nhưng sau khi nghiên cứu đã có kết quả tốt mà cái bước ứng dụng để phát triển kinh tế không đạt nữa thì rất lãng phí cho hoạt động nghiên cứu. Do đó, rất kỳ vọng sẽ có phương án tạo điều kiện cũng như gỡ rối cho việc đăng ký các kết quả hình thành sau nghiên cứu khoa học công nghệ được thuận lợi và nhanh chóng để sản phẩm từ nghiên cứu sẽ đi vào phục vụ kinh tế xã hội đạt hiệu quả", TS. Hà Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM.

"TP.HCM có 62 trường Đại học, 48 trường Cao đẳng và ở đó sẽ có hàng chục nhà khoa học... nhưng chúng ta chưa có giải pháp để phát huy được hết sức mạnh của nguồn lực này. Do đó, cần đẩy mạnh mô hình Đại học khởi nghiệp để liên kết được tiềm lực của xã hội, của doanh nghiệp, cá nhân... khi đó chúng ta sẽ không lo về vốn, về chuyển giao công nghệ, về nhân lực và như thế sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội cho đất nước", ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn Green+. 

“TP.HCM có nguồn tài nguyên lớn, là số lượng nhà khoa học, số lượng doanh nghiệp… nên trách nhiệm của chúng ta là làm cho nguồn tài nguyên này phát triển để đáp ứng mong muốn, kỳ vọng đưa khoa học và công nghệ thành mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội Thành phố. Thành phố luôn trân trọng, ghi nhận sự cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức; các công trình, kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa các thành quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống; Các đề xuất, hiến kế cho lãnh đạo Thành phố trong xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển của Thành phố”, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định.

Nhật Linh (CESTI)

See this gallery in the original post