Ứng dụng AI giải quyết các bài toán của TP.HCM lĩnh vực an ninh: cần giải pháp xử lý dữ liệu thô
Thành phố đang rất cần một hạ tầng tính toán hiệu năng cao để làm “bệ đỡ” cho AI nói riêng và những công nghệ tiên tiến khác nói chung trong việc giải quyết các bài toán nâng cao nghiệp vụ khu vực công.
Đó là những nội dung được PGS. TS. Thoại Nam (Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM) chia sẻ trong "Lễ ký kết hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ - Công an TP.HCM" và "Sự kiện kết nối - nghiên cứu xây dựng các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước ngành Công an tại TP.HCM” vừa được Sở Khoa học và Công nghệ - Công an TP.HCM phối hợp tổ chức vào ngày 30/05/2023 vừa qua.
Theo PGS. TS. Thoại Nam phân tích, về ứng dụng công nghệ tiên tiến, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng hiện đứng ở thời điểm có rất nhiều công nghệ đang đạt được sự đột phá cao, ví dụ dùng IoT để thu thập thông tin. Lượng thông tin thu thập được lại rất lớn nên nếu không có cách sắp xếp, không có kiến trúc để xử lý thì chúng sẽ thành bãi rác. Do đó, cần có kỹ thuật để xử lý dữ liệu vì dữ liệu càng nhiều thì thời gian phân tích càng lâu. Bên cạnh đó, còn có nhiều công nghệ tiên tiến khác như: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Thực tế ảo (tăng cường 1 VR/VA), Tính toán Hiệu năng cao (HPC), Tính toán lượng tử (Quantum Computing), In 3D/4D (3/4D Printing), Công nghệ Nano (Nanotechnology), Công nghệ sinh học (Bio-technology), Vật liệu mới (New Materials)...
“Bài toán thì như cũ, 10 năm trước vẫn thế nhưng lời giải cho việc đó nay đã khác rồi. Làm sao để có được dữ liệu, từ dữ liệu ra được thông tin hữu ích, từ đó phân tích mới giải quyết được những vấn đề mà mình đặt ra. Tại vì sao, vì bài toán chúng ta muốn giải có thể hôm nay chưa nghĩ ra, ngày mai mới nghĩ ra, nhưng mà cơ sở dữ liệu chúng ta đã sẵn sàng cho việc đó, để giải quyết được việc đó”, PGS. TS Thoại Nam cho hay.
Điển hình là nhờ có nhiều dữ liệu mà những giải pháp hiện nay như học sâu càng vượt bậc, như AI đang được ứng dụng nhiều để phân tích hình ảnh, phân tích âm thanh, ngôn ngữ, xe tự hành. Đặc biệt là AI phát hiện và tìm kiếm nhận dạng đã được “thử lửa” rất nhiều và hiện nay nhiều doanh nghiệp thậm chí trường đại học đang đạt được bước tiến tốt cho giải pháp này. Hay trước kia công nghệ chưa đủ khả năng xử lý bài toán AI trong giao thông, thì nay đã khác vì dữ liệu đã nhiều hơn, kỹ thuật đã tiến bộ hơn. Minh chứng rõ nét là Đại học Bách Khoa đã cùng Công an Quận 10 và Sở Giao thông Vận tải Thành phố triển khai nhiều ứng dụng thực tiễn như: Phát hiện động, kẹt xe để bố trí nhân sự tham gia điều tiết giao thông, Phát hiện xe thuộc danh sách đen, Phát hiện không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, Phát hiện đè vạch giao thông, Phát hiện vi phạm sai làn đường, Phát hiện vi phạm đi ngược chiều, Dừng, đỗ không đúng nơi quy định, Phát hiện xe vào đường cấm, Đếm lưu lượng xe và ước lượng vận tốc trung bình, Phát hiện tai nạn giao thông, Tích hợp thiết bị đo tốc độ có ghi hình tự động…
“Nhiều đơn vị khi ứng dụng AI cứ nghĩ AI giải quyết được tất tần tật mọi việc.”, PGS. TS Thoại Nam nêu vấn đề mà ông cho rằng đó là sai lầm. Theo ông, AI chỉ giải quyết được 30% của vấn đề, còn 70% là giải pháp có hợp lý không, nguồn nhân lực và những kiến thức đưa vào đó để hỗ trợ AI như thế nào mới quan trọng. Mặt khác, để đảm bảo những công nghệ tiên tiến phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh thì phải có hạ tầng tính toán, tuy nhiên TP.HCM và cả Việt Nam đang gặp "điểm nghẽn" ở đây do hạ tầng này yếu. Bên cạnh đó là những giải pháp xử lý dữ liệu thô cho ra dữ liệu đầu cuối, để đơn vị nào cần thì sẽ tạo ra dữ liệu nghiệp vụ ngay và làm như vậy thì mới có thể sẵn sàng cho những bài toán mới được.
Nhật Linh (CESTI)