Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

I-Star 2023: Giải pháp nuôi tôm tít trong hộp nhựa bằng công nghệ tuần hoàn RAS

Sử dụng công nghệ tuần hoàn trong nuôi tôm tít sẽ mang lại những lợi ích vượt trội so với công nghệ truyền thống. Những nơi có diện tích nhỏ, những khu dân cư và những vùng xa biển đều có thể áp dụng. Khi áp dụng mô hình này tỉ lệ sống của tôm 93 - 98%, từ trọng lượng ban đầu 80 - 100g/con, sau 3 tháng sẽ đạt 150 - 170g/con. Với hệ thống hộp có vách ngăn dùng để nuôi từng cá thể riêng biệt nhằm hạn chế ăn thịt lẫn nhau, dễ dàng theo dõi và kiểm soát số lượng.

Theo ThS. Lê Ngọc Hạnh - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, khi nói đến tôm tít chúng ta sẽ nghĩ ngay đến loài thuỷ sản mang giá trị kinh tế cao, giá bán có khi lên đến hàng triệu đồng một ký đối với tôm tít loại 1. Trước đây, tôm tít chủ yếu được người dân khai thác từ việc đánh bắt ngoài tự nhiên, hiện nay đã có nhiều mô hình nuôi tự phát của người dân được thực hiện và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, đây là mô hình nuôi tự phát nên chưa được áp dụng rộng rãi, lượng tôm tít ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, việc tìm giải pháp nuôi tôm tít sao cho đạt hiệu quả cao và áp dụng rộng rãi là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm.

“Nắm bắt được giá trị kinh tế của loại tôm này, cũng như nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II bước đầu đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi tôm tít trong nhà bằng hệ thống tuần hoàn đạt hiệu quả cao giúp tăng hiệu quả kinh tế”. ThS. Hạnh chia sẻ.

Xem giới thiệu chi tiết và bình chọn (like) trên trang Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (I-Star 2023): Mã số N2025: Giải pháp nuôi tôm tít trong nhà thích hợp cho nông nghiệp đô thị.

Tôm tít có tên khoa học là Harpiosquilla harpax, còn được gọi là tôm tích, tôm thuyền, bề bề hay tôm búa. Trong tự nhiên, tôm tít sống ở các vùng nước nông và có nền đất cát. Việc ứng dụng công nghệ tuần hoàn RAS trong nuôi tôm tít sẽ mang lại những lợi ích vượt trội so với công nghệ truyền thống.

ThS. Lê Ngọc Hạnh cho biết, mô hình công nghệ nuôi tôm tít Harpiosquilla harpax (De Haan, 1844) trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn - RAS mang lại những lợi ích vượt trội hơn so với công nghệ nuôi truyền thống như: ít sử dụng nước; an toàn sinh học cao; mầm bệnh được kiểm soát chặt chẽ; chất lượng nước và các chỉ tiêu môi trường trong hệ thống nuôi luôn được kiểm soát và theo dõi; không xả thải ra môi trường bên ngoài; ít tốn diện tích nhưng cho năng suất cao; chất lượng sản phẩm được đảm bảo vì không sử dụng các loại thuốc, kháng sinh trong quá trình sản xuất…

Hệ thống lọc tuần hoàn - RAS, được thiết kế khép kín nhằm kiểm soát chặt chẽ môi trường các bể nuôi trong nhà. Mô hình nuôi hoạt động theo nguyên lý: Nước thải từ hệ thống nuôi sẽ được lọc qua Trống lọc để loại bỏ những chất thải rắn có kích thước lớn, sau đó đưa qua bể tách đạm để loại bỏ chất dầu mỡ từ thức ăn và các chất thải có kích thước nhỏ hơn. Hệ thống bể lọc sinh học có tác dụng loại bỏ các loại chất thải hòa tan (amoniac, nitrite) sinh ra từ sự bài tiết của tôm, cua và phân huỷ từ phân hoặc thức ăn dư thừa. Nước thải sau khi được làm sạch sẽ đưa qua hệ thống đèn UV diệt khuẩn trước, qua bồn trộn để làm tăng hàm lượng oxy cho nước trước khi cấp lại bể nuôi. Nhiệt độ trong hệ thống được điều chỉnh thông qua bồn nâng nhiệt để đảm bảo nhiệt độ nước ổn định. Nước đã qua xử lý được cung cấp cho hệ thống hộp nuôi nhờ máy bơm (công suất 10 m3/h). Vòng tuần hoàn cứ thế diễn ra liên tục trong suốt quá trình nuôi.

“Tổng thể tích nước sử dụng trong toàn hệ thống nuôi là 12,3m3, trong đó hệ thống lọc là 4,6m3 (chiếm 37,7%), hộp nuôi là 6m3 (chiếm 50%), phần còn lại là nước trong đường ống. Lưu lượng tuần hoàn trong mỗi hộp nuôi (6 lít nước) được điều chỉnh ở mức 0,03m3/giờ, tương đương tỷ lệ thay nước 5 lần/giờ/hộp. Tính chung trên toàn hệ thống, lưu lượng nước tuần hoàn đạt 720m3/ngày. Hệ thống RAS sử dụng một hệ thống máy thổi khí nén với lưu lượng 250L/phút tạo ra lưu lượng khí 360m3 khí/ngày”, ThS. Hạnh phân tích.

Hệ thống RAS bao gồm cụm nuôi tôm gồm các hộp nuôi được nối với cụm tuần hoàn nước và hệ thống xử lý nước. Trong đó, nước sau khi xử lý sẽ được cấp cho các hộp nuôi tạo nên hệ thống nuôi tôm tít tuần hoàn.

Cũng theo ThS. Lê Ngọc Hạnh, lợi ích từ mô hình nuôi tôm tích và cua gạch hai da trong hộp bằng hệ thống tuần hoàn là rất phù hợp trong việc nuôi thương phẩm tại chỗ để cung cấp cho thị trường TP.HCM với nguồn hải sản tươi sống, những nơi có diện tích nhỏ, những khu dân cư và những vùng xa biển đều có thể áp dụng. Khi áp dụng mô hình này tỉ lệ sống của tôm 93 - 98%, từ trọng lượng ban đầu 80 - 100g/con sau 3 tháng sẽ đạt 150 -170g/con. Với hệ thống hộp có vách ngăn dùng để nuôi từng cá thể riêng biệt nhằm hạn chế ăn thịt lẫn nhau, dễ dàng theo dõi và kiểm soát số lượng. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang triển khai lắp đặt hệ thống ở nhiều địa phương như Bến Tre, Đồng Nai, Tiền Giang… theo đặt hàng của các công ty, đơn vị sản xuất thủy sản với quy mô đa dạng từ 1.000 - 10.000 hộp nuôi. Ước tính, một đợt nuôi tôm tít bằng hệ thống tuần hoàn (diện tích 150m2) có thể thu được lợi nhuận 73,73 triệu đồng, cho lãi ròng 69,67 triệu đồng; lợi nhuận tính trên đơn vị là 418 ngàn đồng/kg. Chất lượng thịt tôm tít thương phẩm thơm ngon, màu sắc tươi sáng, được thị trường ưa chuộng, đạt 100% các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN 7905-1:2008.

Với hệ thống hộp có vách ngăn dùng để nuôi từng cá thể riêng biệt nhằm hạn chế ăn thịt lẫn nhau, dễ dàng theo dõi và kiểm soát số lượng.

Công nghệ nuôi tôm tít trong hệ thống RAS sử dụng ít nước, hạn chế thay nước từ nguồn ngoài (tiết kiệm nước), giảm thiểu rủi ro về thiên tai dịch bệnh, lại không sử dụng các loại hóa chất độc hại và các loại kháng sinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm. Quy trình nuôi sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu.

Được thiết kế theo hình thức mô-đun (kết nối với nhau theo từng dãy nuôi) nên người nuôi có thể triển khai ở nhiều quy mô lớn - nhỏ khác nhau. Đặc biệt, khi nuôi tôm tít bằng hệ thống RAS thì nước thải không đáng kể và không xả thải trực tiếp ra môi trường, nên hoàn toàn có thể ứng dụng để nuôi ngay trong lòng đô thị, khu dân cư như nhà hàng, tiệm ăn..., tạo nguồn thực phẩm sạch, tươi, chất lượng tốt phục vụ ngay tại chỗ.

Có thể khẳng định rằng, mô hình nuôi tôm tít trong hộp bằng hệ thống tuần hoàn thực sự mang lại sự hiệu quả về kinh tế, đảm bảo môi trường, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các hộ cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra.

Giải thưởng I-Star được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức thường niên dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố nhằm tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Qua 5 năm tổ chức (2018 - 2022), I-Star đã có gần 1.500 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng tham gia, trong đó 53 hồ sơ đã được trao giải. Đây là Giải thưởng uy tín nhất trong cộng đồng đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Năm 2023, Giải thưởng I-Star tiếp tục được tổ chức với 4 nhóm đối tượng tham gia: (1) Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; (2) Giải pháp đổi mới sáng tạo; (3) Các tác phẩm truyền thông; (4) Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Hồ sơ tham dự Giải thưởng I-Star 2023 được tiếp nhận đến hết ngày 31/8/2023. Tất cả hồ sơ tham gia dự thi và thông tin chi tiết về Giải thưởng được đăng tại: http://istar.doimoisangtao.vn/ 

Thông tin liên hệ: Ban Tổ chức Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2023

Địa chỉ: 244 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM

Điện thoại và Email: ông Đào Tuấn Anh (028.39320122 - dtanh.skhcn@tphcm.gov.vn) - bà Nguyễn Vũ Anh Phương (028.38258857 - anhphuong@cesti.gov.vn).

Nhật Linh (CESTI)