Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

TP.HCM: Hội thảo quốc tế về trí tuệ nhân tạo – Đi tìm sự chuyển biến trong lĩnh vực hành chính công

Sáng ngày 18/12/2024, tại Trung tâm Hội nghị 272, Quận 3, TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI) với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức nhằm định hướng nghiên cứu và ứng dụng AI trong lĩnh vực hành chính công, góp phần xây dựng Thành phố thông minh, hiện đại. 

Hội thảo thuộc chuỗi chương trình Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2024 (WHISE 2024), đồng thời, là một phần trong Kế hoạch số 4697/KH-UBND ngày 27/12/2023 của Ủy ban Nhân dân Thành phố, hướng đến mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện các hoạt động chính quyền số.   

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhận định, ngày nay AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong các ngành công nghiệp và lĩnh vực khác nhau trên toàn cầu. Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ của cả nước, đang tích cực triển khai các ứng dụng AI trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hành chính công.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.

Từ năm 2021, TP.HCM đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND về Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030”, mục tiêu chính là tăng cường nghiên cứu, triển khai và chuyển giao công nghệ AI; ứng dụng AI trong quản lý nhà nước, giáo dục, y tế, và giao thông; đến năm 2030, AI sẽ trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần tăng trưởng GRDP. Để đạt được những mục tiêu này, TP.HCM đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm việc xây dựng hạ tầng số, nghiên cứu và phát triển các phương án triển khai hạ tầng dữ liệu và tính toán hiệu năng cao.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, trọng tâm của chiến lược phát triển AI tại TP.HCM trong thời gian tới là tiếp tục thúc đẩy AI để giải quyết các vấn đề xã hội, đơn cử như ứng dụng AI để xây dựng hệ thống “thư ký ảo” hỗ trợ xử lý hồ sơ, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; đào tạo đội ngũ chuyên gia, công chức và doanh nghiệp chuyên sâu về AI; triển khai nền tảng dữ liệu lớn, tích hợp thông tin từ nhiều lĩnh vực...

Trao đổi tại sự kiện, ông Philipp Agathonos - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam cho rằng, với khả năng xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn, đã giúp nhiều quốc gia cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công hiệu quả hơn. Cụ thể, những công nghệ như chatbot, hệ thống nhận diện giọng nói và hình ảnh, cùng với việc tích hợp dữ liệu giữa nhiều cơ quan đã giúp giảm thiểu thời gian xử lý công việc, từ đó cải thiện hiệu quả làm việc của các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, AI có thể hỗ trợ Chính phủ trong việc dự đoán các xu hướng xã hội và kinh tế, giúp đưa ra nhiều quyết định chính sách có tính chất dự báo và khuyến cáo sớm. Cùng với đó, ông Philipp Agathonos nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý linh hoạt, đảm bảo AI được sử dụng có trách nhiệm. Ông cũng lưu ý rằng, muốn triển khai thành công AI trong dịch vụ công, các Chính phủ cần thiết kế nền tảng ứng dụng AI với giao diện người dùng đơn giản, dễ hiểu, để cả những đối tượng yếu thế như người già và người khuyết tật có thể sử dụng.

Ông Philipp Agathonos - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam trao đổi tại sự kiện.

Ông Mark Spittle, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo nhấn mạnh rằng: “AI không chỉ đơn thuần là công nghệ, nó là cách mà các Chính phủ hiện đại có thể chuyển đổi toàn diện quy trình hoạt động, đem lại hiệu quả cao và minh bạch hơn cho người dân.” Theo ông, trí tuệ nhân tạo có thể giúp giải quyết nhiều thách thức trong quản lý đô thị, như tốc độ xử lý hồ sơ, đối phó với ô nhiễm môi trường và cải thiện gắn kết giữa chính quyền và người dân.

Ông Mark Spittle - Chuyên gia về trí tuệ nhân tạo trao đổi tại sự kiện.

Chuyên gia này nhấn mạnh sự cần thiết của việc thích ứng với đổi mới công nghệ trong bối cảnh AI đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các Chính phủ cần có những chiến lược dài hạn và có thể thay đổi linh hoạt để tận dụng tối đa cơ hội mà công nghệ mang lại cho việc cải thiện quản lý hành chính công, dịch vụ công.

PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái AI toàn diện, kết hợp giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Mô hình "3 nhà" này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển, và chuyển giao công nghệ AI. Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Theo thông tin từ các bài tham luận tại sự kiện, hiện tại TP.HCM đã và đang triển khai nhiều ứng dụng AI trong lĩnh vực hành chính công. Các dự án, sáng kiến công nghệ tại nhiều giải pháp hữu ích, không chỉ giúp cải thiện chất lượng quản lý hành chính mà còn tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống người dân.

Ông Nguyễn Minh Huấn (đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) trình bày “Định hướng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phô Hồ Chí Minh” tại sự kiện.

Một trong những ví dụ điển hình là việc áp dụng các hệ thống giao thông thông minh sử dụng AI để phân tích và tối ưu hóa lưu lượng giao thông. Việc này không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn nâng cao hiệu quả quản lý giao thông đô thị. Thành phố cũng triển khai các hệ thống giám sát hành chính sử dụng AI để phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ trật tự, an ninh xã hội. Trong lĩnh vực dịch vụ công, Thành phố cũng ứng dụng các công nghệ AI để cải tiến quy trình cấp phép xây dựng, cấp giấy phép kinh doanh và quản lý các dịch vụ công trực tuyến. Những ứng dụng này giúp giảm thiểu sự phức tạp của thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ công.

Có nhiều lợi ích là thế, tuy nhiên việc ứng dụng AI vào hành chính công tại TP.HCM vẫn đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có đủ năng lực để triển khai và quản lý hệ thống AI. Điều này đòi hỏi các cơ quan hành chính cần có những chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ công chức trong việc sử dụng và quản lý công nghệ.

Ngoài ra, vấn đề bảo mật và bảo vệ thông tin cá nhân của công dân khi sử dụng AI trong các dịch vụ công cũng là một vấn đề được nhiều chuyên gia và nhà quản lý đặt ra. Các hệ thống AI yêu cầu xử lý một lượng lớn dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu là vô cùng quan trọng.

Một thách thức khác là vấn đề đạo đức trong việc sử dụng AI. AI, nếu không được kiểm soát và giám sát đúng cách, có thể dẫn đến việc ra quyết định không công bằng hoặc không minh bạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vì vậy, cần phải có các quy định rõ ràng về việc sử dụng AI trong hành chính công, đảm bảo các quyết định được đưa ra công bằng và minh bạch.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng Hội thảo cũng đã đề ra các giải pháp và chiến lược để thúc đẩy việc ứng dụng hiệu quả AI trong hành chính công tại TP.HCM. Ngoài khuyến nghị cần đầu tư trung tâm dữ liệu và hạ tầng tính toán hiệu năng cao, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo AI từ trung học đến đại học, các chuyên gia quốc tế đồng tình rằng hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy việc triển khai AI trong hành chính công tại Thành phố. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng việc học hỏi từ mô hình thành công ở những quốc gia khác và chia sẻ công nghệ giữa các quốc gia là rất quan trọng. Việc hợp tác giúp TP.HCM nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới, nâng cao khả năng giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay an ninh mạng.

Hội thảo đã mở ra nhiều đối thoại quý giá, từ những khám phá công nghệ tiên phong đến những vấn đề đạo đức và xã hội. Sự kiện này không chỉ là dịp trao đổi kinh nghiệm quốc tế, mà còn mở ra cơ hội để TP.HCM đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái AI. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, hướng đến xây dựng Thành phố thông minh, hiện đại.

Minh Nhã (CESTI)

See this gallery in the original post