TP.HCM tập huấn về đầu tư và triển khai đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Lớp tập huấn do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Quest Venture tổ chức ngày 29/3/2024 nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN).
Theo ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ), Thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động với hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (chiếm 0.5% số lượng doanh nghiệp Thành phố và gần 50% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - startup của cả nước), khoảng 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, gần 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hệ thống hơn 200 phòng thí nghiệm ở các lĩnh vực,… Với vai trò là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, KH&CN, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, Thành phố đã ban hành nhiều chương trình và kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hiện hữu. Thành phố cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc, việc khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình này.
Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Để giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về hoạt động đầu tư mạo hiểm và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Quest Venture, một trong các đối tác quốc tế đến từ Singapore, tổ chức lớp tập huấn nhằm hướng dẫn cho các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh,… Bên cạnh đó, khóa học còn cung cấp cho học viên góc nhìn của một quỹ đầu tư, cách đánh giá dự án, cách lập chiến lược đầu tư của một quỹ đầu tư quốc tế, từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu để đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Khóa học phù hợp với những nhà đầu tư non trẻ, nhà đầu tư thiên thần, doanh nhân, những người quản lý quỹ và điều hành mong muốn khám phá cơ hội trong môi trường các công ty từng gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Ông James Tan (đại diện Quest Venture), diễn giả chính của chương trình
Tại chương trình tập huấn, ông James Tan (đại diện Quest Venture) đã chia sẻ, hướng dẫn các kiến thức, thông tin về tổng quan thị trường và cơ chế đầu tư mạo hiểm, cách thức hoạt động của ngành đầu tư mạo hiểm, quá trình gọi vốn của startups và quá trình phát triển luận điểm đầu tư, đánh giá doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp, quy trình thẩm định của quỹ đầu tư, đàm phán, soạn văn bản đầu tư, định giá và lợi nhuận.
Ông Phan Quốc Tuấn (đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cũng chia sẻ, cung cấp các thông tin quy định về sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước được khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN của ngành, địa phương và được hưởng quyền lợi theo quy định của Quỹ (tối đa 10%); doanh nghiệp Nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu (từ 3% đến 10%) thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tại TP.HCM, có 115 doanh nghiệp đã trích lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 5000 tỷ đồng. Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời cũng thể hiện chủ trương của Nhà nước là huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Ông Phan Quốc Tuấn (đại diện Sở Khoa học và Công nghệ) trình bày tổng quan các quy định về sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Về sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, theo ông Tuấn, các nội dung chi hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quy định tại các văn bản pháp luật, cụ thể như Điều 5 Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN, điều 10 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP, khoản 2 điều 35 Luật Chuyển giao công nghệ,… Tuy nhiên, thực tế triển khai, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng. Do đó, các doanh nghiệp Nhà nước khi chi Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cần lưu ý đảm bảo thực hiện trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp và tuân theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, tuân theo quy định về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các học viên tại lớp tập huấn
Ngoài ra, dự thảo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đang định hướng sửa đổi bổ sung điểm i khoản 3 Điều 10 với nội dung "chi cho đầu tư hình thành và duy trì hoạt động của các cơ sở ươm tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực liên quan đến KH&CN và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; đặt hàng mua các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo". Tại TP.HCM, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban cán sự Đảng Bộ KH&CN đã ký kết chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2024 - 2028. Trong đó có nội dung về cơ chế sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động: thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đầu tư cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ tạo ra các mô hình triển khai sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM và nhân rộng ra cả nước, ông Phan Quốc Tuấn thông tin thêm.
Lam Vân (CESTI)