TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai phổ biến quy chế, quy định liên quan đến đánh giá, xét chọn các nhiệm vụ KH&CN đăng ký tham gia thực hiện Đề án “Xây dựng cơ chế...
Hội nghị được tổ chức nhằm báo cáo cách thức, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/2023/QĐ-HDND ngày 11/11/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố về ban hành Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Cũng như, báo cáo thông tin các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký tham gia Đề án. Đồng thời, hướng dẫn các bước, quy trình thực hiện, các biểu mẫu, cách thức đánh giá, chấm điểm. Qua đó, trao đổi, thảo luận, đề xuất, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để giúp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có thêm căn cứ phát triển và triển khai thành công Đề án.
Chiều ngày 26/6/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai phổ biến quy chế, quy định liên quan đến đánh giá, xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký tham gia thực hiện Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”. Tham dự Hội nghị về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh văn phòng Bộ, Giám đốc Văn phòng đại diện phía Nam. Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở; TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở, cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, trung tâm trực thuộc Sở. Về phía chuyên gia đầu ngành có GS.TS. Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học Thành phố cùng hơn 20 chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các trường viện, trung tâm nghiên cứu, các hội khoa học trên địa bàn Thành phố.
Hội nghị nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia khoa học đến từ các trường, viện, các hội khoa học trên địa bàn Thành phố tham dự
Theo đại diện Ban tổ chức, ngày 11/11/2023, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5721/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế và Kế hoạch số 729/KH-UBND ngày 13/02/2024 nhằm triển khai Đề án nêu trên.
Theo Kế hoạch, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã ban hành Thông báo số 493/TB-SKHCN ngày 07/02/2024 mời đăng ký thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế và đến nay Sở đã nhận được 10 hồ sơ đăng ký tham gia.
Nhằm cho việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký tham gia thực hiện Đề án nêu trên được đảm bảo về hiệu quả, công khai, minh bạch, thống nhất và đồng bộ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 2007/KH-SKHCN ngày 05/6/2024, trong đó bao gồm việc tổ chức phổ biến quy chế, quy định liên quan đến việc đánh giá, xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký tham gia cho các thành viên dự kiến sẽ tham gia Hội đồng tư vấn và các tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý nhiệm vụ.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhận định, Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” là một cách để Thành phố tập trung đầu tư nguồn lực vào các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc, giúp tinh gọn trong phân bổ ngân sách cho khoa học và công nghệ, tránh đầu tư dàn trải.
“Chúng tôi khuyến khích các đơn vị nghiên cứu mạnh, hợp tác trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề thực tiễn bằng sản phẩm cụ thể, từ đó giúp hình thành trung tâm đạt chuẩn quốc tế. Toàn bộ quy trình tuyển chọn đơn vị tham gia Đề án được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch với tiêu chí rõ ràng, được thẩm định bởi Hội đồng chuyên môn độc lập”, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã trình bày báo cáo “Cách thức, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/2023/QĐ-HĐND, phổ biến các thông tin về các nhiệm vụ khoa học công nghệ đăng ký tham gia Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” cũng như Hướng dẫn quy trình thực hiện đánh giá hồ sơ nhiệm vụ”.
Cụ thể, mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ một số tổ chức khoa học công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn TP.HCM phát triển thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế. Đề án phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có ít nhất 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; đến 2045 có ít nhất 5 đơn vị đạt chuẩn quốc tế.
“Trưởng nhóm mạnh, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc, trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương đặt kỳ vọng.
ThS. Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ nhiều nội dung tại Hội nghị
Theo Đề án, tiêu chí của trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế gồm: Công bố trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus; được cấp ít nhất 5 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc 10 văn bằng bảo hộ giống cây trồng, hoặc 5 văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Ngoài ra, các tổ chức phải có ít nhất 10 hoạt động chuyển giao công nghệ, hoặc 10 hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoặc có 1 sản phẩm khoa học và công nghệ được công nhận; có ít nhất 3 hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo với các tổ chức nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên đối với các đối tác quốc tế. Đồng thời, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cũng cần có năng lực phát triển bền vững, năng lực lãnh đạo, quản trị tổ chức và hiệu quả ứng dụng phục vụ phát triển Thành phố.
Trong giai đoạn 5 năm đầu, tổ chức nghiên cứu phải đạt các chỉ tiêu như số bài báo quốc tế, số bằng độc quyền sáng chế, số lượt chuyển giao công nghệ, số nghiên cứu được thương mại hóa, số lượng hợp đồng hợp tác nghiên cứu, số chính sách được ứng dụng, tăng từ 2 - 5 lần tùy lĩnh vực so với trước khi tham gia triển khai Đề án. Đây là các chỉ số đo lường kết quả tác động của Đề án, qua đó làm cơ sở đánh giá về mức độ thành công của Đề án khi tổng kết và có cơ sở đề xuất điều chỉnh, bổ sung giai đoạn tiếp theo (nếu có). Ngoài ra, định kỳ 3 tháng/lần, tổ chức tham gia phải thực hiện chế độ báo cáo. Nếu không đạt yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có thể xem xét chấm dứt ở bất cứ giai đoạn nào và kết thúc năm tài chính, tổ chức chủ trì tiến hành thuê đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập.
Khi tham gia, các trung tâm này được hưởng một số chính sách ưu đãi đặc thù, thu nhập cho lãnh đạo tối đa 120 triệu đồng, chính sách thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ mức 60 triệu đồng cho chủ nhiệm đề tài, cùng các chính sách ưu tiên đầu tư công về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và trang thiết bị cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như: hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, thương mại hóa; hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hội thảo, diễn đàn, triển lãm khoa học và công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế theo các chính sách hỗ trợ hiện hành.
Để được tham gia Đề án, tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần chuẩn bị hồ sơ năng lực giới thiệu các nội dung gồm: Chương trình, dự án khoa học và công nghệ trong giai đoạn từ 3-5 năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng định hướng phát triển của Thành phố; Kế hoạch hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; Hồ sơ minh chứng năng lực, nguồn lực để đảm bảo tổ chức thực hiện chương trình, dự án khoa học và công nghệ.
Hội nghị đã nhận được nhiều thông tin chia sẻ, góp ý và đánh giá cao của các chuyên gia, nhà khoa học về việc triển khai các chương trình chính sách của Thành phố
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh văn phòng Bộ, Giám đốc Văn phòng đại diện phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Hội nghị nhiều kinh nghiệm thực tiễn để giúp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát triển thành công Đề án
Thành phố lựa chọn ưu tiên 4 nhóm lĩnh vực tham gia đề án gồm: Lĩnh vực công nghệ như: (1) Công nghệ trí tuệ nhân tạo; Công nghệ Internet kết nối vạn vật; Công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn; Công nghệ chuỗi khối; Công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt; Robotics, công nghệ tự động hóa; Công nghệ in 3D tiên tiến. (2) Công nghệ sinh học; Công nghệ lai tạo, sản xuất giống trong nông nghiệp; Công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; Công nghệ tế bào gốc; Công nghệ vi sinh thế hệ mới; Công nghệ dược; Công nghệ sản xuất thiết bị, vật liệu kháng khuẩn, kháng virus sử dụng trong y tế; công nghệ dược phẩm, vật liệu y sinh, bộ phận giả, thiết bị y tế kỹ thuật cao. (3) Công nghệ vật liệu nano; vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh; vật liệu bán dẫn, quang điện tử và quang tử; vật liệu in 3D tiên tiến; vật liệu y sinh học. (4) Lĩnh vực nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thành phố.
Nhật Linh (CESTI)