Chào mừng 48 năm ngày thành lập Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM

Với chặng đường phát triển 48 năm (05/8/1976 - 05/8/2024), ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thành phố đã có những đóng góp tích cực, có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TP.HCM ngày càng thu hút nhiều hơn các nguồn lực của xã hội.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về KH&CN, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST; phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.

Về lịch sử hình thành, ngày 05/8/1976, cơ quan quản lý khoa học của TP.HCM ra đời mang tên Ban Khoa học và Kỹ thuật theo Quyết định số 1810/QĐ-UB của UBND TP.HCM. Ngày 10/3/1984 được đổi tên thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật theo Quyết định số 45/QĐ-UB của UBND TP.HCM. Ngày 29/1/1994 được đổi tên thành Sở khoa học, công nghệ và môi trường theo Quyết định số 340/QĐ-UB-NC của UBND TP. HCM. Ngày 18/7/2003 được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ theo Quyết định số 123/QĐ-UB của UBND TP.HCM.

Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần VI và VII đã đánh giá: hoạt động KH&CN TP.HCM đã có những đóng góp tích cực trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh; hoạt động KH&CN là một thế mạnh của TP.HCM với tiềm lực lớn cả về đội ngũ và trình độ. Thế mạnh đó phải trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của Thành phố và của toàn vùng.

Có thể chia chặng đường phát triển KH&CN của TP.HCM thành 3 thời kỳ:

+ Thời kỳ 1976 - 1985: nét đặc trưng của thời kỳ đầu là tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau tại TP.HCM nhằm phục hồi sản xuất.

+ Thời kỳ 1986 - 1996: xây dựng chiến lược phát triển KH&CN TP.HCM giai đoạn 1986 - 1996 và giai đoạn 1996 - 2010; chương trình hóa hoạt động KH&CN ở TP.HCM (một hình thức kế hoạch hóa hoạt động KH&CN, tập trung có chọn lọc thành các chương trình nghiên cứu ưu tiên); thành lập Ủy ban Bảo vệ Môi trường TP.HCM; ban hành các quy định về bảo vệ môi trường, khởi xướng phong trào “Sạch và Xanh”; phát hành “Sách đen” 100 xí nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố; tổ chức xử lý hiệu quả các vụ tràn dầu quy mô lớn trên sông Sài Gòn,…

+ Thời kỳ 1997 đến nay: bối cảnh trong thời kỳ này là hội nhập trên quy mô toàn cầu, trong đó có hoạt động KH&CN. Sự tiến bộ về KH&CN sẽ làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh. Vì thế, cần phải hiện đại hóa công nghệ, thiết kế sản phẩm để tạo lợi thế lâu dài và bền vững. Những điểm nổi bật trong thời kỳ này là:

(1) Hình thành và phát triển mô hình liên kết tam giác "Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học" trong hoạt động KH&CN thông qua chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu (thực hiện Chỉ thị 04/2000/chương trình-UB-KT ngày 23/2/2000 của UBND TP.HCM).

(2) Bước đầu hình thành thị trường KH&CN thông qua tổ chức các Chợ thiết bị - công nghệ, Chợ tư vấn KH-CN.

(3) Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thông qua sự thành lập một số Trung tâm và Công viên phần mềm tập trung, đặc biệt là Công viên Phần mềm Quang Trung - mô hình mẫu trong quản lý một ngành công nghệ cao. Thành phố ưu tiên đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ thông tin theo Chương trình mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin TP.HCM từ năm 2002 đến 2005 (bao gồm 9 chương trình ứng dụng và 12 dự án phát triển CNTT tại TP.HCM).

(4) Đưa Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh vào hoạt động và đã đi vào giai đoạn định hình.

(5) Tăng cường liên kết hợp tác với các ngành, địa phương và hợp tác quốc tế về KH&CN để huy động nhiều nguồn lực phát triển KH&CN Thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa, hướng tới chủ động hội nhập quốc tế.

Mô hình Chợ thiết bị và công nghệ (Techmart) được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thường niên 

Song song đó, hoạt động ĐMST được coi là "kim chỉ nam" trong mọi hoạt động KH&CN trong suốt 48 năm hình thành và phát triển với nhiều hoạt động sáng tạo tiên phong trong cả nước như phong trào sáng chế, sáng tạo kỹ thuật; hình thành và phát triển hệ thống các vườn ươm doanh nghiệp, phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN; mô hình chợ công nghệ và thiết bị, đề án thử nghiệm sàn giao dịch công nghệ thành phố là tiền đề thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường KH&CN,…

Hiện tại, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố đã trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động ĐMST với các nguồn lực như: số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trên địa bàn ước tính khoảng hơn 2.200 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ khoảng 50% so với cả nước, trong đó số đó doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm tới hơn 65%); gần 200 Quỹ đầu tư mạo hiểm, 97 Trường đại học và cao đẳng và hơn 500 sự kiện khởi nghiệp, gần 80 cuộc thi khởi nghiệp mỗi năm đang diễn ra tại Thành phố,… Đặc biệt, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP.HCM ngày càng thu hút nhiều hơn các nguồn lực của xã hội.

Saigon Innovation Hub (SIHUB) là một trong những không gian thường xuyên diễn ra các hoạt động, sự kiện về khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM 

Năm 2024, Thành phố tăng 3 bậc so với năm 2023 trong các thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu (từ 114 lên 111); có mặt trong top 100 thành phố toàn cầu về bốn lĩnh vực Fintech (thứ 54), Edtech (thứ 62), Thương mại điện tử & Bán lẻ (thứ 71) và Giao thông vận tải (thứ 87). Trong lĩnh vực Chuỗi khối (Blockchain) với vị trí thứ 2 ở Đông Nam Á; Thành phố đứng thứ ba tại Đông Nam Á về giá trị hệ sinh thái khởi nghiệp với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỉ USD, sau Singapore và Jakarta (Indonesia). Đến nay, Thành phố đã hỗ trợ nâng cao năng lực ĐMST cho 5.063 doanh nghiệp, đạt 169% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 (3.000 doanh nghiệp); hỗ trợ ươm tạo, phát triển  693 dự án, đạt 69,3% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 (1.000 dự án); hỗ trợ 236 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, đạt 236% so với chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 (100 doanh nghiệp). Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội đứng đầu trong top 10 địa phương đạt chỉ số ĐMST cấp địa phương cao nhất cả nước.

Lam Vân (CESTI)