TP.HCM kêu gọi quỹ đầu tư đồng hành hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Ngày 30/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo "Kết nối và hợp tác với các quỹ đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo".

Hội thảo nhằm kêu gọi các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đồng hành cùng các chương trình hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND; xây mạng lưới quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TP.HCM được đánh giá là năng động nhất cả nước. Năm 2024, Thành phố xếp hạng 111/1.000 Thành phố về chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất toàn cầu (tăng 3 bậc so với năm 2023). Một trong những yếu tố có tác động nhất định là nhờ các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST của Nhà nước. Qua đó cũng có thể nhìn nhận, sự hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp ĐMST là rất quan trọng. Hiện nay, TP.HCM tiếp tục thí điểm một số chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, trong đó có một số chính sách đặc thù cho lĩnh vực ĐMST được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Cụ thể là Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Với mong muốn hợp tác, phối hợp cùng các quỹ đầu tư trong việc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ĐMST trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố, thông qua hội thảo này, Sở mong muốn tham vấn cộng đồng, lắng nghe các đề xuất, hiến kế từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư,… để triển khai có hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo) trình bày tham luận tại hội thảo

Tại hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo) đã trình bày một số chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) của TP.HCM hiện nay và đề xuất các hướng hợp tác cùng quỹ đầu tư. Theo bà Trúc, Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 11 tháng 11 năm 2023 của Hội đồng nhân dân TP.HCM quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố. Đối tượng áp dụng là cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án ĐMST, KNST thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Nghị quyết này quy định 9 lĩnh vực ưu tiên, gồm thương mại điện tử; công nghệ tài chính; logistic; công nghệ giáo dục; y tế và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển bền vững; chuyển đổi số; an ninh mạng. Mức kinh phí hỗ trợ tương ứng với các giai đoạn của dự án ĐMST&KNST, bao gồm giai đoạn tiền ươm tạo hỗ trợ 40 triệu đồng/dự án (không quá 6 tháng); giai đoạn ươm tạo (80 triệu đồng/dự án, không quá 12 tháng) và giai đoạn tăng tốc (400 triệu đồng/dự án, không quá 12 tháng).

Bên cạnh đó, Sở KH&CN TP.HCM đang triển khai Chương trình hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo (SpeedUp); Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 (Gov.Star 2024); Chương trình ươm tạo các dự án ĐMST, KNST trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa TP.HCM năm 2024 - 2025 (InnoCulture 2024); Chương trình tuyển chọn và ươm tạo các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM năm 2024 - 2025 (GIC 2024); Chương trình Tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP.HCM. Các chương trình này dự kiến sẽ ươm tạo 197 dự án, trong đó 124 dự án tiền ươm tạo và ươm tạo, 73 dự án tăng tốc.

Phần thảo luận, trao đổi tại hội thảo

Về các hoạt động hợp tác, bà Trúc cho biết, Sở mong muốn các nhà đầu tư tham gia đầu tư tiếp theo cho các dự án ĐMST, KNST sau khi được Sở KH&CN hỗ trợ ươm tạo; tham gia vào các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu các dự án ĐMST, KNST do Sở hỗ trợ; tham gia đối ứng kinh phí hỗ trợ cùng Sở KH&CN trong việc ươm tạo các dự án ĐMST, KNST ở 3 giai đoạn; phối hợp với Sở tổ chức các khóa đào tạo cho nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm; hợp tác với Sở KH&CN xây dựng mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm; tham gia vào Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố (SIHUB) như một đối tác đầu tư và hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM.

Tham gia thảo luận, đề xuất, góp ý tại hội thảo, đại diện các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án ĐMST, KNST thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho dự án khởi nghiệp. Các đại biểu cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ startup giai đoạn đầu, sau đó có các quỹ đầu tư tham gia đối ứng kinh phí là rất phù hợp. Điều này không chỉ giúp các quỹ mở rộng số lượng các dự án khởi nghiệp cần đầu tư, yêu cầu các quỹ phải có trách nhiệm giúp cho các startup gọi vốn thành công trong các vòng tiếp theo, mà còn giúp phía Nhà nước có những kết quả tích cực sau khi hỗ trợ các dự án, làm cơ sở hỗ trợ nhiều startup khác. Các quỹ đầu tư cũng đề xuất Nhà nước cần đồng hành tháo gỡ thủ tục hành chính cho các dự án khởi nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi về thuế, kết nối các quỹ tham gia đồng hành trong việc đánh giá, xét duyệt, thẩm định tư vấn startup ở giai đoạn sớm để việc đầu tư được hiệu quả hơn,…

Lam Vân (CESTI)