Kết nối sáng tạo: "đặt hàng" giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh LPG chai

Chiều 26/9, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 09/2024 (kỳ 2) với chủ đề "Nghiên cứu, xây dựng giải pháp nâng cao năng lực quản lý LPG chai lưu thông trên thị trường".

Theo bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), công tác quản lý hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trên địa bàn Thành phố nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong kinh doanh LPG đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, phổ biến là việc chiếm dụng trái phép chai LPG, sang chiết và vận chuyển không đúng quy chuẩn, nhiều chai LPG bị cắt tai, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường gây nguy cơ cháy nổ, thiệt hại cho doanh nghiệp, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng và ảnh hưởng đến an toàn môi trường.

Bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện

Chương trình kết nối sáng tạo thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee năm 2024) nhằm chia sẻ những khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến, giải pháp hiệu quả và kịp thời, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Thành phố. Sự kiện kết nối sáng tạo tháng 9 (kỳ 2) nhằm kết nối, tìm kiếm các giải pháp công nghệ để quản lý, kiểm tra tính xác thực của từng chai LPG, cũng như quản lý thông tin sổ theo dõi điện tử của các đơn vị sản xuất và kinh doanh khí,… Từ đó xây dựng định hướng đặt hàng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hướng tới chuyển giao kết quả nghiên cứu để nâng cao năng lực quản lý LPG chai lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Lê Tân (đại diện Sở Công thương TP.HCM) trình bày tham luận tại sự kiện

Tại sự kiện, ông Nguyễn Lê Tân (Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường, Sở Công thương TP.HCM) đã trình bày tham luận đề dẫn "Tổng quan tình hình kinh doanh LPG chai". Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng trình bày các tham luận như Báo cáo tình hình quản lý vỏ chai LPG, Giải pháp số hóa chai LPG,…

Theo ông Nguyễn Lê Tân, hiện nay, các doanh nghiệp, thương nhân phải tự thực hiện việc lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi LPG chai theo quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về quản lý kinh doanh khí. Đa số các đơn vị đã chuyển đổi việc theo dõi LPG chai theo hình thức số hóa, tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh LPG thực hiện ghi chép thủ công mất nhiều thời gian và công sức. Sở Công thương và các cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xác định thông tin về LPG chai lưu thông trên thị trường, hiện chưa có công nghệ giám sát tiên tiến trong công tác kiểm soát các chai LPG trên thị trường.

Ngoài ra, việc người dân thường xuyên thay đổi chủng loại và nhãn hiệu chai LPG dẫn đến các cửa hàng, trạm chiết nạp lưu trữ chai của thương nhân khác; cơ chế đổi trả chai LPG giữa các doanh nghiệp chưa rõ ràng, hợp đồng trao đổi không được tuân thủ nghiêm túc, gây ra tình trạng chiếm dụng chai và khó kiểm soát hạn sử dụng trên thị trường. Một số cơ sở kinh doanh LPG sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị,… Bên cạnh phương pháp ghi chép thủ công, nhiều đơn vị đã áp dụng các giải pháp khác nhau để quản lý chai LPG như dùng tem QR code, sử dụng thẻ RFID (nhận dạng tần số vô tuyến - thẻ từ),… Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu về vỏ chai LPG chưa có sự kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, ông Tân đề xuất xây dựng hệ thống quản lý chung, trong đó có giải pháp kết nối cơ quan quản lý với các đơn vị đầu mối nhằm tạo hệ thống quản lý chung trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, ông Tân "đặt hàng" nghiên cứu xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý nguồn gốc, vòng đời LPG chai phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước và các cơ quan có liên quan. Hệ thống quản lý số hóa dữ liệu có khả năng kết nối đồng bộ giữa hệ thống quản lý của Sở Công thương đến Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các thương nhân sản xuất, kinh doanh khí; có tính mở, dễ dàng kết nối với hệ thống quản lý dữ liệu chung của Quốc gia. Hệ thống sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động chiết nạp, lưu trữ, vận chuyển, kinh doanh LPG chai; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh LPG chai, cũng như tạo môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các thương nhân sản xuất, kinh doanh LPG chai.

Ông Trịnh Quốc Dân (đại diện Công ty Gas South) trình bày báo cáo tại sự kiện

Trình bày về Giải pháp số hóa chai LPG, ông Trịnh Quốc Dân (Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam – Gas South) cho biết, Gas South có hơn 3.800.000 vỏ chai, thực tế chỉ số hóa được hơn 3.200.000 vỏ, đồng nghĩa Gas South đã bị chiếm dụng 15% tổng số lượng vỏ chai LPG, gây thiệt hại lớn về tài sản. Không chỉ thế, vấn nạn chiếm dụng vỏ chai LPG, chiết nạp lậu còn gây nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng của người tiêu dùng. Gas South cũng đã áp dụng các giải pháp như bán hàng qua App, dán tem QR Code, gắn chip, sử dụng chân để bình gas thông minh,… Tuy nhiên, các giải pháp này có một số hạn chế như không thể quản lý và kiểm soát vỏ chai LPG trên toàn hệ thống từ sản xuất, nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ đến người tiêu dùng; không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về theo dõi điện tử trên toàn hệ thống; chi phí nhân sự để lập sổ ghi chép từng chai LPG lớn, mất thời gian, dễ sai sót, không khắc phục được vấn nạn chiết nạp lậu,…

Để thực hiện quy định của Nghị định 87/2018/NĐ-CP về việc lập sổ theo dõi điện tử cũng như Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để kiểm soát nghiêm ngặt vỏ chai LPG, Gas South đã triển khai áp dụng giải pháp số hoá, quản lý và truy xuất nguồn gốc vỏ chai LPG trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) từ tháng 7/2020. Giải pháp này đã giúp Gas South quản lý số liệu LPG, vỏ chai LPG và khắc phục được các vấn nạn chiếm giữ vỏ chai, thu mua vỏ chai để chiết nạp trái phép. Công nghệ cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như dễ dàng truy xuất nguồn gốc chai LPG (đáp ứng yêu cầu của Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc, sản phẩm, và Thông tư 18/2022/TT-BKHCN quy định nội dung về tem nhãn hàng hóa); đáp ứng yêu cầu báo cáo (phù hợp với yêu cầu của Nghị định 87/2018/NĐ-CP về việc lập sổ theo dõi điện tử trên toàn hệ thống);… Ngoài ra, công nghệ còn mang lại nhiều lợi ích cho các thương nhân/đơn vị sở hữu, thương nhân/cơ sở mua bán trong kênh phân phối như cho phép quản lý từng chai LPG (bao gồm truy xuất thông tin chi tiết của chai LPG, trạng thái, vị trí của từng chai LPG), đảm bảo việc kiểm soát và quản lý chai LPG trên toàn hệ thống phân phối được chính xác, liên tục; công nghệ phân loại AI giúp phát hiện chai LPG hết hạn kiểm định, nhờ đó đảm bảo chai LPG được kiểm định chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường; giúp quản lý chai LPG, quản lý thông tin đơn hàng và quản lý được nhân viên giao hàng; tiết kiệm được chi phí thuê nhân sự viết sổ theo dõi hàng ngày; không vi phạm pháp luật khi nhập hàng rõ nguồn gốc, được kiểm định chặt chẽ,… Người tiêu dùng yên tâm khi mua được hàng chính hãng, truy xuất rõ được xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn cháy nổ khi sử dụng chai LPG được kiểm định,…

Phần trao đổi, thảo luận tại sự kiện ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, đề xuất

Các ý kiến chia sẻ, thảo luận tại sự kiện cho rằng, tình hình kinh doanh LPG chai trên thị trường hiện rất khốc liệt, đứng trước thực trạng vi phạm ngày càng nhiều, các doanh nghiệp đã "tự cứu mình" thông qua việc nỗ lực triển khai áp dụng các giải pháp quản lý, bảo vệ sản phẩm, tài sản của mình (LPG chai). Về mặt công nghệ, xu thế hiện nay là dùng RFID, mỗi chai LPG sẽ được gắn một thẻ RFID, chứa một mã định danh duy nhất. Thẻ này có thể được gắn bên ngoài hoặc trong lòng chai và chịu được các điều kiện môi trường khắc nghiệt. Bên cạnh đó, giải pháp số hóa chai LPG như Gas South đang áp dụng là một chu trình khép kín giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác trong lĩnh vực kinh doanh LPG. Công nghệ tem QR Code phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ, có chi phí thấp,…

Tuy nhiên, để việc quản lý chai LPG lưu thông trên thị trường được hiệu quả, chặt chẽ, bên cạnh việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo ra cơ chế bảo vệ doanh nghiệp chân chính, hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai đồng bộ trong lĩnh vực kinh doanh LPG. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, chung tay giữa các doanh nghiệp lớn, cũng như các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ,…) để thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý LPG chai lưu thông trên thị trường, ngăn chặn vấn nạn chiếm dụng vỏ chai.

Một số đề xuất, kiến nghị khác cũng được trao đổi, chia sẻ tại sự kiện như nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn sử dụng đối với chai LPG; xây dựng và ban hành TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) về truy xuất nguồn gốc chai LPG theo số seri của chai LPG và đầy đủ các thông tin của chai LPG; ban hành quy định bắt buộc áp dụng triển khai truy xuất nguồn gốc từng chai LPG trong toàn chuỗi cung ứng, và có cơ chế xử phạt kèm theo; triển khai hệ thống Cổng truy xuất nguồn gốc chai LPG riêng cho ngành LPG, hoặc liên thông kết nối với Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của Quốc gia;…

Lam Vân (CESTI)