TP.HCM thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ phát triển công nghiệp bán dẫn và nguồn nhân lực ngành

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Mục tiêu của Kế hoạch là đưa TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu khu vực và quốc tế.

Theo Kế hoạch, TP.HCM sẽ đào tạo ít nhất 9.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, hình thành và phát triển ít nhất 01 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt chuẩn quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi. Thành phố cũng sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi, đồng thời thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn vào lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Để thực hiện những mục tiêu trên, TP.HCM thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ gồm:

+ Nhóm nhiệm vụ 1: Xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách đặc thù. Nhóm nhiệm vụ này nhằm đề xuất, hoàn thiện và triển khai cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, huy động nguồn lực, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, cơ chế dùng chung phòng thí nghiệm, thu hút chuyên gia, hỗ trợ kinh phí đào tạo để phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

+ Nhóm nhiệm vụ 2: Phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, thu hút đầu tư. Nhóm nhiệm vụ này nhằm đầu tư xây dựng các trung tâm, phòng thí nghiệm tại Khu Công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) để thu hút ít nhất 20 dự án đầu tư. Trong đó, Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia được xây dựng và đi vào vận hành tại ĐHQG TP.HCM.

+ Nhóm nhiệm vụ 3: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nhóm nhiệm vụ này nhằm triển khai ít nhất 10 chương trình đào tạo, đào tạo ít nhất 9.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên, thu hút ít nhất 30 chuyên gia - nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trong và ngoài nước tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường, viện trên địa bàn Thành phố.

+ Nhóm nhiệm vụ 4: Thúc đẩy nghiên cứu phát triển (R&D) và hợp tác quốc tế. Nhóm nhiệm vụ này nhằm khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi của Thành phố, từ đó xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi giai đoạn 2025-2030. Kết quả mong muốn là có ít nhất 10 dự án R&D được triển khai, tạo ra 20 sản phẩm nguyên mẫu(Prototype), và có ít nhất 5 đối tác quốc tế thuộc lĩnh vực công nghệ bán dẫn triển khai hoạt động hợp tác với các trường, viện trên địa bàn Thành phố.

+ Nhóm nhiệm vụ 5: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nhóm nhiệm vụ này nhằm hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Kết quả mong muốn là hình thành và triển khai ít nhất 2 chương trình ươm tạo khởi nghiệp, hỗ trợ tối thiểu 60 startup trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

+ Nhóm nhiệm vụ 6: Truyền thông, tổ chức cuộc thi, giải thưởng. Nhóm nhiệm vụ này nhằm xây dựng và triển khai chương trình truyền thông về STEM và ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Kỳ vọng có ít nhất 2 cuộc thi, giải thưởng được tổ chức hằng năm.

Hoàng Kim (CESTI)