Sở KH&CN TP.HCM sẽ gỡ khó cho các startup tham gia SpeedUp
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các vườn ươm, đại diện Sở KH&CN TP.HCM cho biết sẽ tìm phương hướng điều chỉnh, đơn giản hóa các thủ tục để giúp các startup tiếp cận dễ dàng hơn với SpeedUp.
SpeedUp là chương trình hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp với số tiền tối đa lên tới 2 tỉ đồng. Chương trình này do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức từ năm 2017 đến nay, nằm trong chương trình Hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM giai đoạn 2016 -2020.
Đến nay, sau 3 năm triển khai, SpeedUp đã có sự tham gia của 14 vườn ươm (đơn vị trung gian rót vốn cho doanh nghiệp từ Sở Khoa học và Công nghệ T.HCM).
Ông Phạm Ngọc Huy hiện là Giám đốc chương trình ươm tạo VSVA (Bộ Khoa học và Công nghệ) đơn vị hoạt động giống một quỹ đầu tư mạo hiểm siêu nhỏ, đi theo mô hình tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp. Hiện tại, VSVA đã đầu tư cho khoảng 70 startup, trong đó có nhiều startup gọi vốn thành công.
Đánh giá cao chương trình hỗ trợ này của Sở KH&CN TP.HCM, ông Huy cho biết, VSVA đã có gần 20 startup tham gia SpeedUp. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi tham gia chương trình này đã được định giá tăng lên nhiều lần như, 689 Cloud định giá tăng 2,5 lần, HandFree định giá tăng 5 lần, Truejuice định giá tăng 7,5 lần…
Tuy nhiên, ông Huy nhìn nhận, thời gian xử lý các hồ sơ từ lúc nộp vào thuyết minh, đến lúc nhận được tiền hỗ trợ giải ngân vẫn còn lâu. Thời gian kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của startup. Mặt khác, quá trình chỉnh sửa hồ sơ kéo dài vì sự thay đổi liên tục các biểu mẫu và việc phản hồi chỉnh sửa từ bên tài chính và nội dụng không được kỹ và không nhất quán tập trung một lần (sửa xong phải sửa lại).
“Chúng tôi đề xuất cần thống nhất quy trình làm việc giữa Sở Sở KH&CN TP.HCM với các vườn ươm trong những khoảng thời gian cụ thể cho từng giai đoạn công việc. Đẩy nhanh tiến trình xử lý hồ sơ và giảm thiểu các tài liệu và quy trình có thể. Các tài liệu và hồ sơ của doanh nghiệp gửi lên chỉ nên tối đa 2 lần chỉnh sửa”- ông Huy nói.
Vị đại diện đến từ VSVA cũng mạnh dạn đề xuất, thay vì xét duyệt cho từng dự án, chương trình SpeedUp có thể đầu tư vào thẳng danh mục đầu tư trong Quỹ của các vườn ươm. Điều này đảm bảo nguồn vốn cho SpeedUp “luôn thu hồi được”.
Còn ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHBI) chia sẻ, các chủ dự án khởi nghiệp xuất thân từ người kinh doanh nên việc hoàn thành các báo cáo mang tính khoa học còn gặp một số khó khăn. Tương tự, chủ các dự án khởi nghiệp là nhà khoa học và giảng viên các trường ĐH cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, marketing và quảng bá sản phẩm.
“Trong khi đó, vẫn chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ cho vườn ươm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì thế, trong quá trình hỗ trợ chúng tôi gặp một số khó khăn về vấn đề này. Chúng tôi hy vọng sẽ được hỗ trợ xây dựng và đề xuất các khung pháp lý đầy đủ để vườn ươm có cơ sở triển khai cho các dự án khởi nghiệp”- ông An nói.
Chia sẻ với đại diện các vườn ươm, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến và tìm phương hướng điều chỉnh, đơn giản hóa các thủ tục để gỡ khó cho các startup tham gia chương trình SpeedUp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình, biểu mẫu, các hướng dẫn về thủ tục hành chính,… giúp các startup tiếp cận dễ dàng hơn với SpeedUp", ông Thanh chia sẻ.
Sau 3 năm triển khai, SpeedUp đã hỗ trợ cho 50 dự án khởi nghiệp với số vốn hơn 33 tỉ đồng, trong đó có 24 startup có đối ứng từ nhà đầu tư khác với số tiền gần 18 tỉ đồng.
Trong 50 dự án được hỗ trợ, 36 dự án nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, 9 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, số dự án hoạt động thương mại điện tử chiếm 44%, giáo dục chiếm 14%, y tế - sức khỏe chiếm 14%, du lịch chiếm 11%… Tính đến tháng 9/2019 có 21/50 dự án được nghiệm thu với kết quả đạt yêu cầu, chiếm 42%.
Đặc biệt, 100% các dự án sau khi được nghiệm thu đều thành lập doanh nghiệp, bên cạnh 3 doanh nghiệp đang làm hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp khoa học - công nghệ và 1 doanh nghiệp đã có giấy chứng nhận.
Sau khi nghiệm thu, 1 dự án được nhà đầu tư mua lại với định giá tăng 1,5 lần và 6 dự án đã gọi được vốn cho giai đoạn tiếp theo, bên cạnh 5 dự án có doanh thu tăng từ 2 đến 10 lần.
Hà Thế An