Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

3 nữ tiến sĩ Việt vào top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á

See this content in the original post

Trong danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020 có tên 3 nhà khoa học nữ Việt Nam.

Tạp chí Asian Scientist của Singapore vừa công công bố Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020. 

3 nhà nữ khoa học Việt Nam được vinh danh là PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), TS Phạm Thị Thu Hà (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) và TS Trần Thị Hồng Hạnh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Đây đều là những nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam được trao Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân đến từ Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được vinh danh vì những thành tích trong lĩnh vực Khoa học vật liệu. Bà nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2. 

Pin nhiên liệu methanol trực tiếp (DMFC) là một trong những thiết bị chuyển đổi năng lượng điện hóa tiềm năng nhất do mật độ năng lượng cao, dễ sử dụng, thân thiện môi trường và nhiệt độ hoạt động thấp. Tuy nhiên, việc thương mại hóa loại pin nhiên liệu này bị cản trở bởi nhiều yếu tố như chi phí cao, trữ lượng thấp, tính không ổn định của chất xúc tác Pt, khả năng dễ bị đầu độc bởi các chất trung gian như CO hoặc CHO.

Đề án nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý Pt đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với Pt nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa Pt, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong thời gian không xa.

TS Phạm Thị Thu Hà đến từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng được vinh danh ở lĩnh vực Nông nghiệp. Bà được ghi nhận với nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.

TS Phạm Thị Thu Hà

Mục tiêu của nghiên cứu là tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, chẳng hạn như lai chéo hỗ trợ đánh dấu (MAB), để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện ở miền Nam Việt Nam, được xây dựng dựa trên kiến ​​thức thu được có liên quan đến việc kiểm soát di truyền về khả năng chịu mặn ở lúa, để tăng tốc độ và hiệu quả phát triển các giống cải tiến.

Đề án này có ý nghĩa quan trọng trong tình hình vùng sản xuất lúa gạo ở miền Nam phải đối mặt với tình trạng nhiễm mặn, gây ra vấn đề nghiêm trọng cho những người nông dân nghèo tài nguyên phải phụ thuộc vào sản xuất lúa gạo để sinh kế. Việc phát triển các giống lúa năng suất cao hiện đại phù hợp với điều kiện nhiễm mặn sẽ giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của nông dân trên những vùng đất này.

Trong khi đó, TS Trần Thị Hồng Hạnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được ghi nhận trong lĩnh vực Khoa học cuộc sống. TS Hạnh đã nghiên cứu sử dụng cứu sử dụng phương pháp sắc ký vân tay kết hợp với thiết bị hiện đại nhằm đánh giá thành phần dược liệu và chất lượng dược liệu.

TS Trần Thị Hồng Hạnh

Mục tiêu đề ra là cung cấp bộ dữ liệu về thành phần các hoạt chất có trong mẫu dược liệu nghiên cứu, bao gồm cấu trúc hóa học, thành phần, hàm lượng chất, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng dược liệu trên thị trường.

Ngoài ra, trong danh sách này còn có GS Phạm Nam Hải, một nhà khoa học gốc Việt đến từ Học viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản.

Đây là năm thứ 5 Tạp chí khoa học Asian Scientist bình chọn và công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu đổi mới, có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực. Người được vinh danh trong danh sách này phải có giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế vào năm 2019 cho nghiên cứu khoa học quan trọng hoặc lãnh đạo trong học viện, ngành công nghiệp.

Đến nay, Việt Nam đã có 10 nhà khoa học lọt vào danh sách bình chọn của Asian Scientist.

Trong danh sách công bố lần đầu tiên năm 2016, Việt Nam có 2 nhà khoa học nữ được vinh danh là TS Trần Liên Hà Phương (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) và TS Đặng Thị Oanh (Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Thái Nguyên).

Năm 2017, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (Khoa Kỹ thuật Hóa học của trường ĐH Bách khoa TP.HCM) được vinh danh trong lĩnh vực Khoa học nông nghiệp.

Năm 2018, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam (khoa Kỹ thuật Hóa học ĐH Bách khoa TP.HCM) được vinh danh ở lĩnh vực Hóa học, còn PGS.TS Nguyễn Sum (ĐH Quy Nhơn) ở lĩnh vực Toán học.

Năm ngoái, 2 nhà khoa học người Việt có tên trong danh sách là GS. TS Nguyễn Thanh Liêm (Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec) và TS Nguyễn Thị Hiệp (Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM).

Phương Hà

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post