Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhật ký innovation: Vừa chạy vừa xếp hàng

See this content in the original post

Cái tin nhà sáng lập GoJek - ứng dụng đặt xe gọi món bằng sức mạnh nền kinh tế chia sẻ - từ bỏ mọi vị trí trong doanh nghiệp của mình để trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia, làm Bung có chút hoảng sợ. Tất nhiên, chuyện một anh chàng trẻ tuổi học nước ngoài làm công nghệ có thể sống sót trong chính trường Indonesia hay không còn là một câu hỏi lớn. Nhưng kết quả đầu tiên, là Indonesia đưa “điện toán đám mây” vào trong bộ năng lực cần có của học sinh phổ thông, là một tín hiệu vô cùng đáng lo.

Lo, là vì trước đây một năm, khi nói về tiềm năng của nhân lực ngành công nghệ, có nhà đầu tư xịn nói trên sân khấu lớn của Vietnam Ventures Summit là “nhân sự công nghệ của Indonesia thua rất xa Việt Nam, chắc chỉ bằng 1/3”. Và phát pháo này, bắt đầu cho một cuộc chạy đua mà mình chưa biết sẽ như thế nào. Chị Shang – một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới từng tham gia dự án đổi mới giáo dục Việt Nam, mỉm cười: “Không sao, họ cũng chỉ mới bắt đầu thôi mà”.  

Vậy mình có bắt đầu chưa?

Đây là dì Ninh, Tôn Nữ Thị Ninh, người dạy Bung một khái niệm rất quan trọng, mà mãi sau này mới thực sự hiểu hết: vừa chạy vừa xếp hàng. Đó là chuyện lâu lắm rồi, hồi mà Bung còn âm mưu mang đồ ăn Việt Nam lên bàn tiệc quốc tế, nên nhờ dì Ninh cố vấn. Giờ Bung không làm ẩm thực, chỉ tập trung làm đào tạo, bất giác thấy cái thứ “vừa chạy vừa xếp hàng” này đúng vô cùng, và có lẽ là thái độ ứng xử mà mình cần có nhất bây giờ.

Đi họp với đối tác, nguyên một hội bay từ bốn phương tám hướng về, gặp lãnh đạo của 9 trường đại học Việt Nam, nói chuyện làm sao để tạo cơ hội việc làm toàn cầu cho sinh viên của mình thông qua việc tích hợp chương trình đào tạo và chứng chỉ của Amazon Web Services. Các trường hào hứng lắm, xong lại cũng có chút lo lắng: nếu tự học online rồi thi lấy bằng của AWS là có thể tự do đi làm việc ở mọi nơi trên thế giới, thì vai trò của nhà trường như thế nào?

Bung nói là Bung thực sự không biết. Thứ Bung biết, là Chính phủ Indonesia quyết định chọn Amazon Web Services là chương trình đào tạo chính thức. Mấy trăm trường đại học từ Philippines sang tới Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng vậy. Giờ mình cũng phải vừa chạy vừa xếp hàng thôi.

Melisa, chuyên gia của AWS lại cười: “Đúng rồi, văn hoá của Amazon Web Service có một thứ rất quan trọng: bias for action – quyết định nhanh và chấp nhận rủi ro trong quyết định của mình, chứ không thể ngồi chờ cho đến khi có tất cả dữ kiện mới quyết định được”. Và một nữ hiệu trưởng nhắn tin: “Chị theo!”. Đúng là bias for action.

Tra cứu lung tung, thấy mọi người dịch bias for action là “thành kiến hành động”, nghe còn… khó hiểu hơn 100 lần. Hoá ra, trong cuốn sách "The art of thinking clearly" (tựa tiếng Việt: Nghệ thuật tư duy mạch lạc) của Rolf Dobelli, ông diễn giải chuyện này như sau:

“Trong một tình huống đá phạt đền trong bóng đá, trái bóng mất hơn ít hơn 0.3 giây để di chuyển từ cầu thủ đến khung thành. Không có đủ thời gian cho thủ môn quan sát quỹ đạo của bóng, anh ta phải ra quyết định trước khi trái bóng được đá. Những cầu thủ đá phạt đền thì đá vào giữa khung thành 1/3 lần, 1/3 lần đá vào bên phải và 1/3 lần đá vào bên trái khung thành. Chắc chắn là các thủ môn nhận ra điều này, nhưng họ đã làm gì? Họ nhảy qua bên phải hoặc bên trái. Họ hiếm khi đứng ở giữa, dù có khoảng 1/3 của tổng số bóng được đá vào giữa khung thành. Tại sao họ lại liều mình để cứu những quả bóng đó? Câu trả lời đơn giản: thể diện. Họ trông ấn tượng hơn và cảm thấy ít xấu hổ khi nhảy sai phía hơn là đứng bất động ở giữa và xem trái bóng phóng qua. Đây là thành kiến hành động: hãy tỏ ra năng động, ngay cả nếu nó không đạt được điều gì cả.
Nghiên cứu này đến từ nhà nghiên cứu Michael Bar-Eli, người Israel, đã đánh giá hàng trăm quả phạt đền. Nhưng không chỉ có các thủ môn mới là nạn nhân của thành kiến hành động. Giả sử có một nhóm người trẻ đang ở một câu lạc bộ đêm và bắt đầu cãi lộn, la hét và có cử chỉ điên cuồng. Tình huống gần leo thang thành một cuộc cãi lộn toàn lực. Các cảnh sát trong khu vực, một số là cảnh sát trẻ, một số lớn tuổi hơn, ngăn lại và giám sát hiện trường từ một khoảng cách và chỉ can thiệp khi tai nạn đầu tiên xuất hiện. Nếu không có những cảnh sát đầy kinh nghiệm thì tình huống này thường kết thúc khác: những cảnh sát trẻ, quá hăng hái dễ bị rơi vào thành kiến hành động và hành động ngay lập tức. Một nghiên cúu tiết lộ rằng sự can thiệp sau, nhờ sự hiện diện bình tĩnh của những cảnh sát lớn tuổi, đưa đến kết quả là có ít vụ tai nạn hơn”.

Thế giới thay đổi nhanh quá. Tất cả những gì mình đã biết chỉ đúng tới hôm qua, hôm nay có thể đã là một kiến thức đã cũ. Nên như trong cuốn sách “Làm việc kiểu Google”, người ta kể rằng những bản kế hoạch “theo mô hình MBA của những thạc sỹ quản trị kinh doanh” là không được phép xuất hiện. Tất cả phải dựa trên năng lực tưởng tượng, và chấp nhận những ý tưởng đủ lớn, đủ điên cùng với khả năng hành động nhanh để có thể tạo ra được thị trường và vị thế mới.

Bias for action là vậy, nổi bật khi một tình huống là mới lạ hoặc không rõ ràng. Khi mới khởi nghiệp, nhiều nhà đầu tư hành động giống như những cảnh sát trẻ sốt sắng, hăng hái bên ngoài câu lạc bộ đêm: họ không thể đánh giá được thị trường chứng khoán nên họ bù đắp bằng một kiểu tăng động. Tất nhiên đây là một sự lãng phí thời gian. Như Charlie Munger - phó Chủ tịch của Berkshire Hathaway, tập đoàn do Warren Buffett kiểm soát - tóm tắt cách tiếp cận đầu tư của ông: tránh làm bất kì điều gì có hại chỉ vì bạn không thể đứng yên.

Vậy là Bung biết dịch chữ bias for action là gì rồi: vừa chạy vừa xếp hàng.

Trần Bung

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post