Nhật ký innovation: Những startup lười học
Mỗi lần đứng lớp của chương trình “Những điều cần biết về khởi nghiệp” ở Saigon Innovation Hub, lúc nào cũng có học viên, là startup cũng hơi xịn xịn hẳn hoi, kêu Bung ra ngồi… khóc. Bung chả biết nói gì, bèn phũ phàng: “Lười học mà đòi làm lớn, ráng chịu!”.
Cứ mỗi lần như vậy, lại tự hỏi, những thứ mình nói, vỏn vẹn có 2 buổi thôi, mang tính chất “tráng nền” là chủ yếu. Cớ sao các bạn lại khóc? Ơ, hoá ra, trước khi nhảy ra mở một doanh nghiệp, các bạn thực sự không có chuẩn bị gì sao? Ơ, hoá ra, các bạn nghĩ là làm startup là chuyện đơn giản, lấy tiền của nhà đầu tư là giản đơn? Hay các bạn nghĩ mình là Bill Gates, Mark Zuckerberg hay… Elizabeth Holmes – cô gái bỏ học Stanford nửa chừng để tạo ra vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử Silicon Valley?
Không có đâu. Nếu các bạn thiên tài cỡ này, Bung không có cơ hội gặp các bạn rồi.
Bung chỉ gặp những bạn khởi nghiệp “làm hay không làm, tuyệt đối không có thử”. Làm, là làm cho tới tận cùng sức lực, mới hi vọng có chút cơ may để thành công. Đừng có xem chuyện làm khởi nghiệp như… nghề tay trái.
Hồi đó, ở Israel, có hai nguyên tắc bất di bất dịch: khởi nghiệp là một công việc toàn thời gian – vì làm tới 200% sức mình còn chưa chắc là thành công, làm 50% là đảm bảo… tiêu.
Nguyên tắc thứ hai, còn dã man hơn: nghiêm cấm khởi nghiệp một mình. Nếu ý tưởng, năng lực cá nhân của mình, niềm tin của mình không đủ lớn để đi mời thêm những người đồng sáng lập chịu bỏ hết mọi thứ cùng mình làm nên việc lớn, thì lấy gì để chinh phục thế giới? À, chưa nói đến thế giới, chỉ là những khách hàng đầu tiên, nhà đầu tư đầu tiên cũng còn khó mà với tới nếu chỉ có một mình…
Bạn, cũng quen biết vừa phải, nhắn tin kêu “cứu em”, giờ nhà đầu tư muốn cái này cái nọ, đưa nhiều tiền lắm, em phải làm sao?
Làm sao, ai mà biết. Bung học sôi cơm chín cháo, cũng… chưa chắc nên cơm cháo gì cả, bạn không chịu đi học, viện ra mọi lý do bận rộn, thì chết ráng chịu thôi. Lớp học, mở mỗi tháng, giảng viên xịn nhất, Sở Khoa học Công nghệ tài trợ 100%, mà sao còn lười tới mức bỏ ra 2,5 ngày cuộc đời đi học để còn biết quy tắc, luật chơi và… giang hồ khởi nghiệp. Bung xoá mỗi ngày chừng một chục những tin nhắn, email kêu cứu kiểu này, và thấy thật khổ sở cho mình, cứ móc hết ruột gan ra hướng dẫn, xong các bạn vẫn cứ lười.
Hôm qua, Tuấn Anh, chủ tịch Grab Việt Nam đến Sihub nói chuyện trong một buổi được miêu tả là “tắt đèn, ôm lon bia, và nói những chuyện ruột gan nhất. Tuấn Anh nói, bự như Grab, vẫn phải chạy như có chó đuổi cắn phía sau, chẳng hiểu vì sao các bạn startup cứ đủng đỉnh vừa làm vừa chơi, lấy gì để cạnh tranh.
Các bạn phản bác, tại người ta có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn mình, học hành tử tế ở những trường xịn nhất thế giới, gia đình có điều kiện.
“Vậy rồi sao? Phần lớn những người tốt nghiệp ở Harvard hay MIT đều thích làm cho những tập đoàn lớn đó thôi? Bạn quen biết, gọi được 1 triệu đô rồi làm gì với nó, chứng minh được kết quả gì? Hay là mình không quen biết, gọi 50 ngàn, rồi làm tốt, gọi thêm 100 ngàn nữa, lại tiếp tục làm tốt… Cuộc chơi khởi nghiệp là một cuộc chơi bình đẳng, người giỏi hơn, người chăm chỉ hơn, người xoay sở và biết thay đổi, biết thích ứng tốt sẽ là người chiến thắng”. Thiếu rồi, người chịu học, chịu phát triển bản thân nữa mới là người chiến thắng…
Bung gặp nhiều startup. Có những bạn hai năm trước bập bẹ không ra chữ tiếng Anh nào, nhưng biết không nói tiếng Anh được thì làm ăn với ai, nên bò ra mà học. Có những bạn, thuần tuý là dân làm công nghệ, hoàn toàn xa lạ với chuyện marketing, tài chính, pháp lý, nhân sự, thì phải học, học từ trường lớp, từ mentor, từ công việc và luôn biết là mình chưa hoàn thiện để tiếp tục câu chuyện cuộc đời mình. Hãy để hành trình khởi nghiệp là một trường học lớn nhất, và bản thân mình chính là dự án khởi nghiệp lớn nhất.
Vậy mà, không tin được, khi một mentor tốt bụng nhất ở Việt Nam, nói về một bạn khởi nghiệp, là “un-coachable” – không thể hướng dẫn được. Bạn cứ nghĩ mình là giỏi nhất, ý tưởng mình là siêu nhân nhất, và bạn chỉ muốn người mentor này làm, và nói những thứ bạn muốn nghe. Viết tới đây, tự dưng nhớ Bung cũng gặp không ít những trường hợp “un-coachable” như vậy. Đâu biết làm gì, chỉ biết chúc các bạn may mắn, dù mình chả có chút niềm tin nào…
Thôi, khẩu nghiệp quá. Bung lên EDX học tiếp cái lớp về dữ liệu lớn đang được giảng viên Harvard dạy miễn phí tiếp đây.
Bung Trần