Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Bài học “Thay đổi hay là chết” và hướng đi mới cho các doanh nghiệp trước cơn bão COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới

See this content in the original post

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy! Nguyên vật liệu đầu vào vừa bắt được chút tin hiệu khả quan từ nguồn cung nhỏ giọt thì nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn lại đang sụt giảm nghiêm trọng. Vậy các doanh nghiệp phải làm gì để chống chọi và vượt qua thách thức này?

Hàng loạt các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ như Ford, GM, Tesla, Chrysler,… không thể trung thành với thế mạnh truyền thống là sản xuất xe ô tô khi nhu cầu tiêu thụ không còn nữa ! Giờ đây họ đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu sang sản xuất máy trợ thở và các thiết bị y tế khác - một lối thoát vô cùng ý nghĩa để tự cứu mình và cùng chung tay góp sức với chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống lại SARS-CoV-2. Động thái này khiến cho chúng ta hồi tưởng đến việc các nhà máy sản xuất ô tô nước này đã phải chuyển sang sản xuất xe tăng, máy bay ném bom và động cơ máy bay trong chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Một bài học về sự thay đổi tích cực và linh hoạt trong sản xuất rất đáng để cho các doanh nghiệp chúng ta học hỏi. 

Cơn khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch với hơn 538.693 ca nhiễm tại 195 quốc gia lãnh thổ (số liệu sáng ngày 27/03 của trang Sức Khỏe Việt Nam) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, trong đó dệt may là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nề nhất. Các nhà máy với hàng ngàn công nhân đang đối mặt với số lượng đơn đặt hàng sụt giảm và dự báo sẽ còn giảm xuống mức đáy trong vài ba tháng nữa! Tin mới nhất là Mỹ và châu Âu sẽ tạm ngưng hoặc giảm nhập hàng dệt may VN từ tháng 4 trở đi.

Vậy lối thoát nào cho các doanh nghiệp dệt may thời trang? Trong an có nguy, trong nguy có cơ, trong thách thức có cơ hội và đường là do chúng ta đi mà hình thành nên. Trong cơn đại dịch này, khi mà xe ô tô, quần áo thời trang không còn nhu cầu nhiều nữa thì người ta lại rất cần những thứ khác. Nhu cầu tiêu thụ về các trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ y tế là khổng lồ, đặc biệt là các mặt hàng khẩu trang, nón, găng tay, quần áo và giầy bảo hộ, dung dịch kháng khuẩn… phục vụ cho công tác phòng chống và điều trị.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi tháng thế giới sẽ cần thêm 89 triệu khẩu trang, 76 triệu găng tay và 1.6 triệu kính bảo hộ… Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung cũng thiếu trầm trọng để có thể đáp ứng nhu cầu tăng đột biến này. Một số nhãn hàng trong nước như Vinatex, Việt Tiến, Việt Thắng, Paltal, Miti … cũng đã kịp chuyển qua sản xuất khẩu trang, ngoài việc tự cứu mình thì đó còn là sự chuyển đổi cần thiết thể hiện trách nhiệm xã hội của các công ty này.

Thế nhưng vậy đã đủ chưa? Nhìn cảnh các nhân viên y tế và tình nguyện viên ở các khu vực cách ly trùm áo mưa và ngủ vạ vật dọc hành lang, các anh bộ đội phải trải bạt ngủ trong rừng, tôi tự hỏi tại sao các doanh nghiệp mình chưa tăng nguồn cung về nón, găng tay y tế, quần áo, giầy bảo hộ, túi ngủ, võng, lều  ,,, vì đây cũng là những mặt hàng cực kỳ thiết yếu trong cuộc chiến lâu dài này. 

Là một đối tác về tư vấn đào tạo của các tổ chức quốc tế, tôi được tham gia vào các dự án hỗ trợ cộng đồng, nhờ đó có nhiều cơ hội kết nối để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất. Vinh dự được đồng hành với chương trình Vươn Tới Đỉnh Cao - Race to the Top (do Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tài trợ) từ năm 2016 đến nay, chương trình cũng đang tìm kiếm nguồn cung cấp các sản phẩm trang bị bảo hộ cá nhân PPE như khẩu trang, nón, găng tay, quần áo và giầy bảo hộ ...

Tuy nhiên chương trình sẽ không chỉ tiếp cận để mua sản phẩm mà còn đến khảo sát, hỗ trợ đào tạo và tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến công tác tổ chức môi trường làm việc khoa học, hiệu quả, vệ sinh, và an toàn. Nếu các doanh nghiệp tình nguyện tham gia cam kết sẵn sàng chuyển đổi cơ cấu để sản xuất ra những mặt hàng này với chuẩn chất lượng quốc tế, chương trình sẽ kết nối đến với các nguồn tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu. Ý nghĩa cả hai bên cùng thắng (Win-Win) của chương trình là:

  • Giúp các quốc gia đang oằn mình chống dịch trong tình trạng khan hiếm trang thiết bị bảo hộ sẽ có thêm một nguồn cung ứng dồi dào về các mặt hàng thiết yếu này.

  • Hỗ trợ các doanh nghiệp VN nâng cao năng lực SX, tạo công ăn việc làm cho công nhân và bảo đảm đầu ra để cùng nhau vượt qua cơn khủng hoảng của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chưa bao giờ bài học “thay đổi hay là chết” về loài chim đại bàng lại thấm thía đến như vậy! Cánh cửa hẹp đang dần khép lại bỗng chốc mở toang ra cơ hội cho những doanh nghiệp dám thay đổi cách nhìn và tư duy truyền thống, mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và đáp ứng quy luật cung cầu của một nền kinh tế thị trường: bán những gì thị trường đang thật sự cần chứ không thể bán mãi những gì mình đang có sẵn! Xin vui lòng bình luận hoặc nhắn tin lại nếu công ty của các bạn có quan tâm và sẵn sàng tham gia chương trình này. Chúc tất cả mọi người, mọi nhà đều được bình an, đủ sức khỏe và nghị lực vượt qua những thách thức khó lường chưa từng có trong lịch sử nhân loại này.

KHOA NGUYEN

Giám đốc | chuyên gia tư vấn công ty tư vấn Kim Đăng | Trưởng ban tư vấn dự án Năng suất chương trình Race to the Top

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post