TP.HCM tìm kiếm phương án nghiên cứu khai thác vật liệu tại chỗ từ việc cải tạo biển hồ ở Cần Giờ
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Thủ tướng giao UBND TP.HCM chỉ đạo nhà đầu tư Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ triển khai dự án phải bảo đảm các vấn đề liên quan quốc phòng, an ninh và quy hoạch giao thông. Thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được phê duyệt.
UBND TP chỉ đạo nhà đầu tư đánh giá kỹ tác động của dòng chảy tự nhiên, sau khi dự án hoàn thành không tạo xói mòn cho khu vực khác, việc thoát nước của TP và việc khai thác, vận chuyển sử dụng vật liệu san lấp.
Tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Căn cứ thông báo số 756/TB-VP ngày 8/10/2020 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp về phương án khai thác vật liệu san lấp của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, ngày 22/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi hội thảo khoa học chủ đề “Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” do Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ đề xuất, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhiều lĩnh vực (môi trường, hình thái học ven biển, thủy động lực, địa chất…) đến từ các Viện trường.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM bày tỏ mong muốn các chuyên gia sẽ có nhiều đóng góp ý kiến cho khung đề cương nghiên cứu của Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, làm rõ những vấn đề về môi trường, sinh thái, sụt lún, sạt lở…có thể nảy sinh. Trên cơ sở kết quả của hội thảo, Sở KH&CN sẽ báo cáo trình Ủy ban Nhân dân TP.HCM xem xét, chấp thuận cho nghiên cứu phương án.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, việc nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ xuất phát từ nhu cầu vật liệu san lấp cho Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, phù hợp với chủ trương của nhà nước về khuyến khích đầu tư, nghiên cứu nguồn vật liệu tại chỗ cho các dự án xây dựng. Bên cạnh đó, việc cải tạo biển hồ sẽ phát sinh khối lượng đất thải lớn sẽ tận dụng để san lấp mặt bằn.
Phương án có ưu điểm là tận dụng vật liệu tại chỗ và hạn chế sử dụng cát từ nơi khác vào việc san lấp mặt bằng. Mặt khác, do là nơi hội tụ của hai cửa sông Soài Rạp và Lòng Tàu khiến chiều sâu mực nước không lớn, độ đục lại cao, nên khu vực Cần Giờ hiện nay không phù hợp để khai thác bãi tắm, du lịch.
Trong khi đó, nhu cầu về bãi tắm của TP.HCM là rất lớn. Để tạo ra điểm nhấn cho Cần Giờ và TP.HCM thì phương án cải tạo biển hồ rộng, có cảnh quan đẹp, độ sâu đủ lớn, nước trong quanh năm với các bãi tắm nhân tạo độc đáo là phù hợp để tạo động lực phát triển du lịch và nghỉ dưỡng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Phương án cũng góp phần cải thiện cảnh quan và chất lượng nước biển để tạo điểm nhấn du lịch, tạo ra quỹ đất đủ lớn với chức năng đa dạng, tạo động lực phát triển kinh tế, đáp ứng các nhu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, không xâm hại đến khu dự trữ sinh quyển.
Theo khung đề cương nghiên cứu, kế thừa dữ liệu khảo sát và báo cáo chuyên sâu đã thực hiện trước đó, Viện nghiên cứu Deltares sẽ sử dụng các mô hình số có độ phân giải cao để đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác vật liệu san lấp, minh họa các tác động trực tiếp và gián tiếp bằng các mô hình, sơ đồ để thể hiện các tiêu chuẩn về sụt lún đất, động lực tầng nước ngầm, địa kỹ thuật.
Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Bách Khoa TP.HCM (Đại học Bách Khoa TP.HCM) sẽ thu thập, phân tích chất lượng môi trường trầm tích và nước dưới đất tại các hố khoan, xây dựng các mô hình dự báo khả năng lan truyền độ đục, vật chất ô nhiễm nội sinh trong lòng biển hồ, hướng dòng chảy…để đánh giá ảnh hưởng và kiến nghị giải pháp quan trắc động thái nước dưới đất trong quá trình thi công và vận hành.
Báo cáo từ các nhà khoa học địa chất quốc tế (đã tham gia nghiên cứu) cho biết, dưới lớp sình tại dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là phù sa cổ, có cát. Cát được lấy hoàn toàn trong biển hồ, vừa bảo đảm vật liệu tại chỗ vừa tạo cảnh quan đẹp cho dự án. Vì vậy, theo đại diện Công ty Cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, phương án cải tạo biển hồ để tạo cảnh quan, kết hợp tận dụng vật liệu tại chỗ phục vụ san lấp dự án là cần thiết và phù hợp với quy mô của dự án, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
PV