Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho TP.HCM
Có thể khẳng định rằng, chính sự phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mới là động lực chủ yếu để phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Tháng 08/2016, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố khởi động Chương trình Saigon Innovation Hub – gọi tắt là SIHUB, Không gian hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là sáng kiến triển khai mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam, dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực. Các hoạt động của SIHUB trong thời gian qua hướng đến kết nối các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hình thành và phát triển.
Từ đây, đã có những ý tưởng, dự án đã được trình bày, kết nối với các nhà đầu tư. Thạc sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên nhóm nghiên cứu đạt giải Nhất Bảng 4 Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019, chia sẻ rằng, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học sức khỏe cũng giống như các ngành nghề khác, điều cốt lõi là con người có tinh thần đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực của mình: “Mình nghĩ là không khó khăn. Vấn đề là mọi người có muốn đổi mới sáng tạo hay không, mọi người có muốn làm cái gì đó để giúp ích cho xã hội hay không.
Tại vì vấn đề ở đây càng ngày xã hội càng phát triển, công nghệ thông tin là một trong những yếu tố quan trọng để giúp cho mọi người sáng tạo đổi mới, áp dụng những công nghệ mới vào những phương pháp chữa bệnh của mình.
Chính bản thân mình có muốn đổi mới hay không, chứ không phải là khó hay dễ” Võ Quốc Thảo Nguyên – Founder và là CEO của công ty Green Joy với sản phẩm khởi nghiệp là ống hút cỏ cho biết những ấp ủ khi khởi nghiệp: “So với những sản phẩm thay thế khác thì ống hút cỏ có nhiều ưu thế hơn. Khi tình hình khởi nghiệp của mình ổn định, mình cũng sẽ làm thêm những sản phẩm khác từ thiên nhiên như chén, bát, muỗng, dĩa, ly….làm từ cây cỏ thiên nhiên thì sẽ tạo thành combo để mang lại giải pháp từ thiên nhiên, mình muốn giới thiệu trong nước và cho cả bạn bè quốc tế”
Đáng chú ý, để thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển gắn với định hướng kinh tế xã hội của Thành phố, hiện Thành phố đã có các ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 ngành kinh tế trọng điểm.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học Thành phố, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung, đồng thời là Phó Chủ tịch Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Công nghệ thông tin – Truyền thông, nhìn nhận: “Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chắc chắn sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Bởi chúng ta muốn xây dựng đô thị thông minh, chúng ta phải ứng dụng rất nhiều công nghệ. Chúng ta phải có người làm chủ công nghệ đó ở những trung tâm điều hành, không chỉ ở cơ quan nhà nước, trung tâm điều hành chung của Thành phố, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học đều có những trung tâm nhỏ của họ, những nơi này sử dụng rất nhiều nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin sắp tới cũng không đơn thuần như nguồn nhân lực trước đây. Các doanh nghiệp, các trường họ chuyển rất nhanh trong quá trình đào tạo”
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học và các viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng, trong việc đào tạo nguồn nhân lực, song song đó là sáng tạo ra các giải pháp, công nghệ cung cấp cho thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhìn lại những kết quả của mối quan hệ ba nhà: nhà trường – nhà nước – nhà đầu tư trong thời gian qua, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian vừa qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển được một số chương trình nghiên cứu có sự hợp tác giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp. Ví dụ, chương trình phục vụ mục tiêu về năng lượng, sự hợp tác giữa trường Đại học Bách Khoa, công ty Điện Quang, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã phát triển được một chương trình nghiên cứu về công ty chiếu sáng bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Nghiên cứu này hiệu quả, được đánh giá cao, được Nhà nước đầu tư, công ty đầu tư. Sau khi nghiên cứu xong, có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn. Thứ hai, về việc phục vụ chiến lược khoa học sức khỏe của Thành phố. Trường Đại học Quốc tế, các thầy cô cũng đã xây dựng chương trình nghiên cứu về ngành Khoa học Y sinh, phối hợp với các bệnh viện, doanh nghiệp để đưa các sản phẩm y tế vào phục vụ thực tiễn. Đây là những ví dụ sinh động cho sự thành công trong phối hợp giữa ba nhà”
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc điều hành SIHUB cho rằng, SIHUB là một trong những đơn vị đi đầu về các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Thành phố, kết nối chặt chẽ với các bên liên quan trong nước và thiết lập quan hệ đối tác với hệ sinh thái của trên 30 quốc gia: “Bài học của SIHUB – là bài học về cách thức xây dựng mô hình, mô hình có chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở một địa phương. Đặc biệt, trong mô hình này thể hiện vai trò bàn tay của nhà nước trong hệ thống đó. SIHUB là nơi đang được hơn 40 tỉnh thành, khoảng 6 nước đến học tập để chia sẻ cách làm, chia sẻ kinh nghiệm. Hoặc, nó có những bài học kinh nghiệm nhỏ hơn, khác hơn như mô hình PPP (mô hình hợp tác công - tư), sự tự chủ tài chính hoạt động thế nào, tổ chức tham mưu ra sao…..Vai trò của SIHUB như là hạt nhân của hệ sinh thái, có vai trò thúc đẩy, giúp đỡ các thành phần trong hệ sinh thái”
Ngay từ những ngày đầu thành lập, với tên gọi ban đầu là Ban Khoa học và Kỹ thuật cho đến tận ngày nay là Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, hoạt động khoa học và công nghệ Thành phố đã có những đóng góp tích cực trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hoạt động khoa học và công nghệ là một thế mạnh của Thành phố với tiềm lực lớn cả về đội ngũ và trình độ. Thế mạnh ấy phải trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Thùy Linh
Xem thêm