Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Chuyển đổi số và công cuộc giữ chân nhân lực ngành du lịch

See this content in the original post

Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều người lao động trong ngành du lịch đã phải chuyển hướng sang lĩnh vực khác, khiến nguồn nhân lực du lịch giảm sút đáng kể, bao gồm cả nhân lực chất lượng cao.

Do vậy, nhân lực du lịch đang đối mặt với tình trạng thiếu và yếu nghiêm trọng hơn trước. Một thách thức mới được đặt ra với đội ngũ lao động hiện thời là phải nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số - xu hướng tất yếu sau dịch. 

Nỗ lực “giữ chân” lao động 

Kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy người lao động du lịch vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tính chung 9/2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể, có thể kể đến: vận tải hàng không và du lịch giảm 30,4%; dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; ngành ăn uống giảm 15,4%. 

Theo nhận định của ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch HG Holdings, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, tê liệt, phá sản, nhiều khách sạn bị rao bán… Tình trạng đó cho thấy, một trong những thách thức lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là mất nhân sự; hay nói cách khác, khi du lịch khởi sắc sau dịch, ngành du lịch sẽ thiếu hụt nhân sự để làm việc và phục vụ du khách. Ông Đức cũng nhấn mạnh đây là một “thực tế mà Chính phủ và ngành du lịch phải đau dầu suy nghĩ”.

Trước nguy cơ thiếu nhân lực, các doanh nghiệp hiện nay đều nỗ lực để giữ chân lực lượng lao động du lịch hiện còn. Trong đó, giải pháp đào tạo nâng cao trình độ người lao động và hỗ trợ người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được nhiều doanh nghiệp áp dụng. 

Được biết, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại KTV đã tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực du lịch hiện còn, để hoạt động du lịch thời gian tới hiệu quả hơn.

Công ty TNHH MTV Chua Me Đất đã bố trí làm việc online, duy trì mức lương cơ bản, hỗ trợ bảo đảm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên trong thời gian du lịch “đóng băng”. Riêng với 350 lao động phổ thông không có việc làm trong mùa dịch, công ty cũng trợ cấp 1.000.000 đồng/người/tháng. Ưu đãi và sự sẻ chia từ phía công ty tiếp thêm động lực cho người lao động gắn bó với nghề và nỗ lực hơn khi ngành du lịch hồi phục bình thường. 

Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù lo ngại thiếu lao động, các doanh nghiệp, cơ sở du lịch thời điểm này đều chưa “nóng lòng” kêu gọi sự trở lại ồ ạt của nhân lực du lịch. Một nguyên nhân là các cơ sở này vẫn cần khoảng thời gian để phục hồi và sẽ sẵn sàng tiếp nhận nguồn nhân lực đã rời đi trước đó khi trên đà ổn định.

Đa phần doanh nghiệp hiện nay đều có chung niềm tin rằng, những người làm du lịch phải chuyển sang công việc khác đều là tình thế tạm thời và nguồn nhân lực này sẽ sẵn sàng trở lại khi du lịch cần. 

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn gói hỗ trợ của Chính phủ sớm đến tay doanh nghiệp và người lao động để họ có thể yên tâm làm việc trong tình hình hiện nay. Việc không nóng vội kêu gọi nhân lực trở lại cũng nhằm đảm bảo chất lượng của đội ngũ này không bị “xuống tay” do thị trường đang “khát” nhân lực. 

Hiện nay, khi du lịch mới chỉ “ấm lên” sau đợt 2 ảnh hưởng của Covid-19, tình trạng chèo kéo khách, đe dọa hướng dẫn viên đã bắt đầu tái diễn tại một số địa phương. Đơn cử tại tỉnh Khánh Hòa, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc để kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu móc nối, tiếp tay chèo kéo du khách, đe dọa hướng dẫn viên và làm xấu môi trường du lịch địa phương. 

Về phía người lao động, đa phần họ cũng có mong muốn sớm được quay trở lại làm trong ngành du lịch. Anh Hoàng Bảy, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế đã có bảy năm tuổi nghề, cho biết: “Tuy đã tạm chuyển sang nghề khác nhưng vẫn mong du lịch sớm trở lại bình thường, công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng vào làm việc trở lại. Các công ty lữ hành rất cần những người có kinh nghiệm, thạo việc”. 

Kịp thích ứng với xu hướng chuyển đổi số

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, chuyển đổi số một cách toàn diện là yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp hiện nay để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng.

Thực tế, chuyển đổi số trong du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch tiết kiệm chi phí marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư đào tạo cho nguồn lao động du lịch trực tiếp chất lượng cao.

Bởi vậy, các doanh nghiệp hiện nay cũng đều có mong muốn đào tạo nhân lực du lịch gắn chặt với thực tiễn; gắn với việc sử dụng công nghệ thông tin để đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, đào tạo nâng cao với các kỹ năng thực tế ảo… rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; để sinh viên sớm tiếp cận với những yêu cầu cụ thể của công tác quản trị doanh nghiệp du lịch. 

Mặt khác, phương án đào tạo nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng du lịch cũng được chú trọng là nguồn bổ sung nhân lực thời gian tới. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng – Lê Đức Trung cho biết, trường sẽ phải nghiên cứu, tìm hiểu thị trường đặt ra những vấn đề mới gì để đào tạo cho sinh viên. 

“Ví dụ, ẩm thực, ngôn ngữ, thói quen tiêu dùng, kinh doanh online... sẽ được đưa vào những bài giảng để sinh viên làm quen, chủ động tiếp cận được với thị trường. Bảo đảm khi hoàn thành khóa học, nguồn lực lao động sẽ có thể nắm bắt và vận dụng được ngay trong thị trường du lịch một cách tối đa”, ông Trung nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo hiện đang hướng mũi nhọn tập trung vào các hoạt động, chương trình nâng cao chất lượng, kỹ năng đội ngũ lao động thích ứng với môi trường du lịch công nghệ số. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một vế của vấn đề, vế còn lại chính là những người lao động có động lực và nỗ lực để học hỏi và thích nghi với những yêu cầu, thách thức mới của ngành “công nghiệp không khói” hay không. 

Đây là một thực tế nan giải, cũng đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa cho các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên trách về du lịch, cơ sở đào tạo cũng như các doanh nghiệp du lịch. Đó là, liệu du lịch đã đủ sức hấp dẫn để cạnh tranh và thu hút nhân tài, đặc biệt lao động có chất lượng, so với các lĩnh vực khác hiện nay chưa?

Chính quyền và ngành du lịch cần làm gì để vừa “giữ chân” được người lao động, vừa thu hút được lao động có chuyên môn cao, kỹ năng tốt, vừa tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có? Cần xây dựng chiến lược như thế nào để nguồn nhân lực có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của ngành du lịch sau dịch, trong thời đại kinh tế số?....

Thiết nghĩ, chỉ khi nguồn nhân lực có chất lượng, ngành du lịch Việt Nam mới “nắm trong tay” chiếc chìa khoá để mở ra nhiều cơ hội bứt phá nhằm vươn lên trong bối cảnh hiện nay. 

Đào tạo nhân lực du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nhân lực du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19”, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Hội thảo được đưa ra nhằm đánh giá tác động đối với nhân lực du lịch, đề ra phương hướng và giải pháp đào tạo nhân lực ngành Du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19 và các rủi ro khác; tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức cá nhân liên quan trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về đào tạo và sử dụng nhân lực du lịch, tăng cường sự phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa trong đào tạo nhân lực du lịch.

Hà Trang

See this content in the original post