Chuyện lạ startup mua lại thương hiệu 35 năm tuổi

   

Công ty khởi nghiệp mỹ phẩm của Trung Quốc, Yatsen đã thông báo sẽ mua lại thương hiệu chăm sóc da 35 tuổi, Eve Lom.

perfect-diary-scaled.jpeg

Những năm trước đây, thị trường mỹ phẩm Trung Quốc tôn sùng các thương hiệu nước ngoài. Nhưng ngày nay, các công ty khởi nghiệp bản địa đang ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Gen-Z với các lựa chọn riêng cho người dùng nội địa và giá thành rẻ hơn. Một trong những ngôi sao đang lên là thương hiệu Perfect Diary, thuộc sở hữu của công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi, Yatsen. 

Yatsen đã gây ấn tượng với thị trường vốn với đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 617 triệu USD trên NYSE vào tháng 11. Thương hiệu hàng đầu Perfect Diary luôn đứng trong top những thương hiệu trang điểm hàng đầu về doanh số bán hàng trực tuyến bên cạnh những gã khổng lồ như L’Oreal và Shiseido. Giờ đây, công ty đang chuẩn bị cho một động thái lớn khác khi chuẩn bị mua Eve Lom, một thương hiệu chăm sóc da 35 tuổi thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần tư nhân của Anh, Manzanita Capital.

Hôm thứ Tư, Công ty Yatsen tuyên bố họ đã ký một thỏa thuận để mua lại hãng mĩ phẩm chuyên các sản phẩm làm sạch và dưỡng da. Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ kết thúc trong vòng vài tuần tới và phía Manzanita sẽ giữ lại một cổ phần thiểu số trong doanh nghiệp đồng thời đóng vai trò là đối tác chiến lược. Quy mô của thỏa thuận không được tiết lộ nhưng theo báo cáo của Bloomberg hồi tháng 2, Manzanita đang muốn bán Eve Lom với giá lên tới 200 triệu USD. 

Perfect Diary trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc bằng cách hợp tác với những minh tinh có sức ảnh hưởng, những beauty blogger review sản phẩm như son môi, bảng phấn mắt, phấn nền và các sản phẩm khác của thương hiệu trên các nền tảng thương mại xã hội Trung Quốc như Xiaohongshu. Các chiến lược này đã cho phép Perfect Diary cung cấp sản phẩm giá cả phải chăng mà không ảnh hưởng đến chất lượng và còn được gọi là “Xiaomi ngành mỹ phẩm”. Kể từ khi thành lập, Công ty Yatsen đã chứng kiến những bước tăng trưởng đột phá. Tổng doanh thu đã tăng hơn gấp bốn lần lên 3,5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 540 triệu USD) giai đoạn 2018-2019 nhờ chiến lược thương mại điện tử hiệu quả. Tuy nhiên công ty cũng ghi nhận khoản lỗ ròng 1,16 tỷ Nhân dân tệ (170 triệu USD) trong 9 tháng kết thúc vào tháng 9 năm 2020, so với mức thu nhập ròng 29,1 triệu Nhân dân tệ của năm trước đó.

Yatsen đã săn lùng các thương vụ mua lại tiềm năng để đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình. Thông qua cuộc mua bán với Eve Lom, Jinfeng Huang, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành bày tỏ công ty hy vọng sẽ “làm phong phú thêm khả năng xây dựng thương hiệu toàn cầu và cung cấp sản phẩm”. Bên cạnh đó, Yatsen còn bắt tay vào mở rộng thị trường quốc tế. Điểm đến đầu tiên là Đông Nam Á nơi công ty đang bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Shopee. Công ty cho biết trong bản báo cáo rằng kế hoạch “hợp tác có chọn lọc với các đối tác địa phương để đẩy nhanh việc mở rộng ra quốc tế và bản địa hóa các dịch vụ sản phẩm”. Trong thế giới trang điểm đầy cạnh tranh, “chuyến thám hiểm nước ngoài” của Yatsen chắc chắn là một cuộc thám hiểm đáng mong đợi.

TL