Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Cần cơ chế thu hút vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

See this content in the original post

Năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi dành riêng cho các quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư.

Startup Việt gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và mở rộng thị phần

Theo số liệu của Văn Phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam từ đầu năm đến nay là 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư là 56; trong đó, 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị.

Cụ thể, các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư (xếp theo thứ tự tổng số thương vụ giảm dần): Công nghệ tài chính: 12 thương vụ, tổng cộng 61,2 triệu USD; thương mại điện tử: 8 thương vụ, tổng cộng 143,85 triệu USD; HR (Quản trị nguồn nhân lực): 6 thương vụ, tổng cộng 36,88 triệu USD

Trong đó, 3 thương vụ có giá trị cao nhất là Tiki thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, nhận được khoản đầu tư 130 triệu USD; Siêu Việt thuộc lĩnh vực HR, giá trị thương vụ là 34 triệu USD; Fvndit thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, giá trị khoản đầu tư là 30 triệu USD.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thành Đô - Giám đốc và đồng sáng lập Thinkzone Ventures cho biết, Việt Nam là thị trường đầu tư nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., ước tính đến năm 2025, nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 300 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam đạt 43 tỷ USD, xếp thứ ba sau Indonesia và Thái Lan.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Thực tế hiện tại, tại Việt Nam chưa có nhiều ưu đãi thủ tục thành lập cho quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo so với các quỹ đầu tư thông thường. Do vậy, các quỹ đầu tư thường được đặt ở nước ngoài và xu hướng các startup hoạt động tại Việt Nam nhưng thành lập tại Singapore để nhận vốn đầu tư vẫn còn phổ biến.

Nói về nguyên nhân nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư, theo ông Đô, quy mô startup tại thị trường Việt Nam tương đối nhỏ, trong khi các quỹ đầu tư lớn thường tập trung đầu tư từ vòng hạt giống trở lên với những yêu cầu về sản phẩm kiểm chứng thị trường nhất định. Các startup Việt Nam mặc dù có lợi thế về ý tưởng và công nghệ, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và mở rộng thị phần.

Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và kết nối, chưa có nhiều nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp dành cho việc phát triển và hỗ trợ các startup. Vấn đề về nhân sự, Việt Nam có thế mạnh về công nghệ với đội ngũ kỹ sư công nghệ có trình độ cao, tuy nhiên năng lực quản lý và phát triển kinh doanh còn nhiều điểm yếu và gặp rào cản về ngôn ngữ lớn khi tiếp cận các thị trường quốc tế.

Cần chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, ông Đô cho rằng, với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các bạn cần tập trung vào sản phẩm và giá trị cốt lõi của mình đang đóng góp cho xã hội là gì, các bạn đang giải quyết vấn đề gì của khách hàng và bằng cách nào.

Cùng với đó, các nhà sáng lập cần biết rõ lộ trình phát triển của startup của mình với các mục tiêu cần đạt được để gọi vốn trước khi bắt đầu trao đổi với các quỹ đầu tư. Các mục tiêu có thể là những mục tiêu lớn, không chỉ giới hạn tại thị trường Việt Nam mà còn có thể hướng đến cả các thị trường quốc tế với dung lượng lớn hơn nữa. Thị trường đầu tư khởi nghiệp rất sôi động, các startup đủ tốt thì nhà đầu tư sẽ tự tìm đến.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Việt - Giám đốc đầu tư tại VIGroup, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup Việt cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.

Khuyến nghị chính sách thu hút đầu tư, theo ông Đô, trong thời gian tới, các hành lang pháp lý cần được nghiên cứu và điều chỉnh cho linh hoạt hơn với các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động với các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, chưa có tiền lệ và chưa được quy định trong các văn bản pháp lý hiện hành.

“Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi dành riêng cho các quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp đổ trực tiếp vào Việt Nam. Có các chính sách phát triển các đơn vị hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp giúp khởi nghiệp bền vững” - ông Đô nhấn mạnh./.

Đức Việt - Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

See this content in the original post