Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Cuộc đua cải tiến vũ khí trên toàn cầu: Bom Ninja “bách phát bách trúng”

See this content in the original post

Lịch sử quân sự của nhân loại là một tiến trình ghi nhận sự cải tiến không ngừng về công năng và mục đích sử dụng của các loại vũ khí.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, cuộc đua cải tiến vũ khí trở nên khốc liệt hơn, cho ra đời những thiết bị quân sự mới như thể từ những bộ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood bước ra.

Giết khủng bố bằng trường kiếm

Ngày 14-6-2020 dòng thông báo ngắn gọn đến từ chính quyền Mỹ cho biết tên Khaled al-Arur i– thủ lĩnh thực tế của chi nhánh tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria đã bị tiêu diệt bằng một cuộc không kích từ thiết bị bay không người lái (dorne) tại Idlib, tây bắc nước này. Aruri là một trong những tên khủng bố bị Washington truy nã gắt gao nhất với sự nghiệp “thánh chiến” của y có thâm nhiên từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, cái chết của Aruri không được truyền thông quốc tế chú ý bằng phương cách được Mỹ dùng để tiêu diệt tên này: Loại tên lửa Hellfire được cải tiến có biệt danh “bom Ninja”, mô phỏng cách các Ninja Nhật thời trung đại phóng dao vào kẻ thù để tiêu diệt mục tiêu. Tờ New York Times đưa tin các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã dùng “một loại vũ khí bí mật” được thiết kế để hạn chế gây ra thiệt hại cho dân thường” trong lần không kích này.

Độc đáo ở chỗ, tại hiện trường vụ ám sát tên Aruri, chiếc ô tô chở y không bị nát bấy vì chất nổ như các cuộc tấn công thông thường mà chỉ bị thủng những mảng lớn ở trên mui xe và ở khu vực kiếng xe trước ghế lái. Theo New York Times, đó là do tên lửa Hellfire cải tiến được Mỹ dùng mang đầu đạn trơ.

Thay vì phát nổ, nó quăng khoảng 45,3kg kim loại nén trong đầu đạn qua đầu chiếc ô tô. Nếu quả đạn tốc độ cao này không giết được Aruri thì tính năng khác của nó chắc chắn sẽ làm được. Đó là 6 thanh kiếm lưỡi dài (trường kiếm) cắm bên trong, bật ra từ quả đạn chỉ vài giây trước khi va chạm chiếc xe, có thể cắt vụn bất cứ thứ gì cản trước đường của nó. 6 lưỡi kiếm xoáy tròn theo đường bay của đầu đạn chém gọn chiếc ô tô dễ như thể cắt bánh kem, tiêu diệt gọn đối tượng được chọn lọc làm mục tiêu bên trong.

Biến thể của tên lửa Hellfire, còn được gọi bằng mã R9X, ban đầu được phát triển gần một thập kỷ trước dưới yêu cầu của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm giảm thương vong dân sự và thiệt hại tài sản trong các cuộc chiến chống khủng bố kéo dài của Mỹ bằng cách dùng drone không kích ở các điểm nóng chiến sự xa xôi như Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria, Somalia và Yemen. Các quan chức Mỹ cho biết, loại vũ khí này lần đầu tiên được miêu tả chi tiết vào năm 2019 trên tờ The Wall Street Journal, đã được sử dụng khoảng gần chục lần trong những năm gần đây.

Nó được ứng dụng trong trường hợp lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã xác định được vị trí của một thủ lĩnh khủng bố cấp cao nhưng nếu sử dụng những loại vũ khí khác (như chất nổ) sẽ có nguy cơ giết chết thường dân gần đó.

Tên lửa Hellfire thông thường, với đầu đạn nổ nặng khoảng 9,1kg thường được sử dụng để chống lại các nhóm cá nhân hoặc các mục tiêu có giá trị cao khi những người này đang gặp gỡ với các chiến binh khác. Nhưng khi các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tổ chức săn lùng một thủ lĩnh duy nhất thì tên lửa R9X, biến thể mới của Hellfire giờ đây lại là vũ khí được ưu tiên.

Hạn chế sát thương

Giới chức Mỹ chỉ mới xác nhận 2 trường hợp sử dụng bất thường loại “bom Ninja”này trong đó có một cuộc không kích của quân đội Mỹ ở Yemen vào tháng 1- 2019 đã giết chết Jamal al-Badawi, một trong những người bị tình nghi âm mưu thực hiện vụ đánh bom chết người của al-Qaeda nhắm vào tàu khu trục Cole của Hải quân Mỹ vào năm 2000. Và thủ lĩnh cấp hai của Al Qaeda, Abu al-Khayr al-Masri, cũng là con rể của trùm khủng bố Osama bin Laden, đã chết trong một vụ không kích vào tỉnh Idlib, Syria vào tháng 2-2017.

Các bức ảnh chụp chiếc xe mà al-Masri được cho là đang di chuyển đã tiết lộ những chi tiết bất thường của một cuộc tấn công như vậy: Chiếc xe không bị hư hại nặng do chất nổ, nhưng rõ ràng là đã bị một quả đạn bắn trực tiếp qua mái của nó. Điều này cho thấy quân đội đã cố tình sử dụng một đầu đạn trơ để tiêu diệt mục tiêu bằng tác động ở tốc độ cao. Nhưng các quan chức Lầu Năm Góc vào thời điểm đó không tiết lộ chi tiết về các lưỡi dao của R9X, theo New York Times.

Việc sử dụng loại tên lửa này phù hợp với việc quân đội Mỹ thúc đẩy sử dụng các loại đạn nhỏ hơn để tiêu diệt các mục tiêu, đã được thể hiện rõ ràng trong các chiến dịch không kích gần đây chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria nhằm tránh gây nhiều thương vong cho dân thường. Điều này bao gồm sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào GBU-39, một loại bom đường kính nhỏ được sử dụng rộng rãi trong các trận chiến vào các năm 2016 và 2017 ở Mosul và sau đó là Raqqa.

Tên Khaled al-Aruri - Ảnh: Twitter

Một loại vũ khí khác cũng được Mỹ ứng dụng nhiều trong thời gian gần đây là hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác tiên tiến. Nó gồm một tên lửa kích cỡ chỉ 2,75 inch, không có điều hướng với bộ dẫn đường bằng laser, biến vũ khí thành một quả đạn bắn tỉa phóng từ trên không. Nhưng ngay cả việc sử dụng những loại đạn nhỏ hơn, chính xác hơn này cũng đã khiến cho hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn dân thường thiệt mạng vì vũ khí của Mỹ.

“Bom Ninja” vì thế đã trở thành một cứu cánh. Sau cái chết của al-Aruri, mới đây Mỹ tiếp tục sử dụng loại tên lửa gắn trường kiếm này để không kích vào xe chở hai chỉ huy cấp cao của al-Qaeda ở đông bắc Syria là Qassam ul-Urdini và Yemeni Bilal al-Sanaani. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy chiếc xe cũng thủng lỗ chỗ trước ghế lái và trên mui xe trông xuống 2 ghế ngồi sau chứ không bị chất nổ công phá.

6 lưỡi dao của “bom Ninja” bay xoáy ở tốc độ cao có thể chém chính xác mục tiêu ngồi bên trong đến độ khiến tài xế không bị thương nhưng tên khủng bố ngồi cạnh lại lìa đời. Trong trường hợp khủng bố giữ con tin, định vị mục tiêu có thể giúp đầu đạn mang 6 lưỡi kiếm chém chết hung thủ nhưng con tin ngồi cạnh bên vẫn không hề hấn gì.

Đài Fox News đưa tin tên lửa Hellfire cải tiến với các lưỡi “dao bay” này thường được triển khai trên các dòng drone tấn công như Reaper và Predator. Các lưỡi dao tạo ra bán kính sát thương nhỏ hơn, chỉ khoảng 80cm so với các tên lửa dùng chất nổ tạo ra bán kính sát thương rộng. Một bước tiến mới trong công nghệ vũ khí của Mỹ. 

(Còn tiếp...) 

Anh Duy

See this content in the original post