Cuộc đua cải tiến vũ khí trên toàn cầu: Drone nổi lên thành vũ khí ưa chuộng
Kiểu chiến tranh truyền thống khi con người phải trực tiếp vận hành thiết bị, vũ khí ở chiến trường như xe tăng phải có người lái, máy bay tấn công phải có phi hành đoàn nay dần lùi xa vào dĩ vãng bởi việc gia tăng ứng dụng của công nghệ tự hành và không người lái vào tác chiến thực địa.
Từ tuần tra đến tấn công
Những tuần cuối tháng 7-2020, trang tin eandt.theiet.org đem đến thông tin sốt dẻo về việc lực lượng tuần duyên Anh lần đầu tiên triển khai các thiết bị bay không người lái (drone) để thực hiện hoạt động tìm kiếm và giải cứu trên biển. Theo đó, Cơ quan Hàng hải và tuần duyên Anh (MCA) nhấn mạnh việc triển khai drone nằm trong sứ mệnh thúc đẩy tính hiệu quả của công việc.
Các drone này sẽ được điều đến các địa điểm cần cứu hộ trước khi các nhóm giải cứu với nhân viên được không vận đến hiện trường hay tiếp cận địa điểm cứu hộ trên bộ hoặc trên biển. Những chiếc drone được gắn camera xuất kích trước để chụp ảnh hiện trường nhằm cung cấp bức tranh đầy đủ về tình hình và diễn biến giúp các nhóm cứu hộ theo sau dễ bề định liệu, đưa ra các phản ứng kịp thời.
MCA còn cho biết sẽ sử dụng drone cho các hoạt động thông thường hay các hoạt động chống ô nhiễm. Bước đầu chúng sẽ tuần tra trên không phía trên các bãi biển từ vịnh Conwy đến Llandudno. Những chiếc drone này do Bristow Group phát triển ban đầu chỉ được lên lịch bay vào cuối tuần như một phần của quá trình thử nghiệm.
Bộ trưởng Hàng hải Anh - Kelly Tolhurst nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không dừng lại ở việc dùng drone để giữ an toàn cho mọi người trên bờ biển và vùng biển của Anh mà còn khám phá ra những cách thức mới và sáng tạo để ứng dụng chúng vào công tác tìm kiếm và cứu nạn của thế kỷ 21.
Drone nay đang được ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực từ dân sự đến quân sự. Trước đó vào tháng 5, một cuộc thử nghiệm đã được triển khai bằng cách dùng done vận chuyển thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 đến khu vực Argyll và Bute xa xôi ngoài khơi bờ biển phía tây Scotland. Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Anh cho biết các tàu sân bay sắp tới sẽ được sử dụng làm bãi thử cho các drone.
Với Mỹ, việc sử dụng công nghệ tự hành và không người lái thậm chí còn đạt được những bước tiến xa hơn. Nổi tiếng nhất là chiến dịch tầm diệt các đối tượng khủng bố bằng drone dưới thời cựu tổng thống Obama, được hoan nghênh nhưng cũng vấp phải nhiều chỉ trích.
Trong bài viết nhan đề “Làm thế nào các drone trở thành vũ khí chết người dưới trào Obama?” đăng trên tờ Washington Post hồi tháng 6-2016 ghi nhận ông là người từng chỉ trích gay gắt cách tiếp cận của các cơ quan chống khủng bố chống lại các tổ chức như al-Qaeda hay Taliban mà ông cho là kém hiệu quả.
Cách tầm diệt khủng bố “hiệu quả” đối với Obama được tiết lộ vào ngày 23-1-2009, chỉ 3 ngày sau khi ông bước chân vào Nhà Trắng: M ột chiếc drone Predator bay qua không phận Pakistan đã phóng một quả tên lửa Hellfire lao thẳng vào một khu nhà nghi có các phần tử Talibantrú ẩn bên trong, giết chết 18 người.
Cuộc tấn công này của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) được ghi nhận là cuộc tấn công đầu tiên trong số hơn 500 cuộc không kích bằng drone diễn ra trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của Obama, ước tính đã giết chết ít nhất 3.000 tay súng khủng bố và hàng trăm dân thường. Đối với tất cả những gì ông đã làm, Obama nhiều khả năng sẽ được nhớ đến với tư cách là tổng thống đã giải phóng chophi đội drone của CIA để chúng “tha hồ” tác chiến.
Obama đã thừa hưởng khả năng gây chết người của các drone ban đầu được CIA phát triển nhằm tiêu diệt Osama bin Laden. Nhưng chương trình phát triển drone tấn công sau đó đã mở rộng dưới sự theo dõi của Obama. Số lượng của các cuộc không kích bằng drone sau đó đã tăng lên “chóng mặt” từ vài chục cuộc năm 2008 lên 117 trong năm 2010.
Sức hút của drone: Không gây thiệt hại về người
Nhưng Obama cũng vấp phải nhiều chỉ trích khi các vụ không kích này giết lầm nhiều dân thường. Đến thời tổng thống Mỹ Donald Trump sai lầm vẫn tiếp diễn. Đỉnh điểm là đêm ngày 18-9-2019 (giờ địa phương), một chiếc drone của Mỹ trong lúc không kích nhắm vào những mục tiêu là các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đã không kích nhầm vào nhóm người nghỉ ngơi trên những cánh đồng sau 1 ngày lao động khiến 30 thường dân ở Afghanistan thiệt mạng.
Vì sao những công nghệ tấn công không người lái như drone ngày càng được ưa chuộng?. Tờ Washington Post ghi nhận: Ngay cả khi được quảng cáo về tính chính xác và hiệu quả của những chiếc drone thì trong bài phát biểu tại Đại học Quốc phòng Mỹ, Obama từng bày tỏ lo ngại về “sức hấp dẫn quyến rũ” của một chương trình cho phép một tổng tư lệnh quân đội loại bỏ các đối thủ của Mỹ mà không khiến bất kỳ người Mỹ nào gặp nguy hiểm hoặc không phải chịu sự giám sát của công chúng.
Cái chính hấp dẫn khi dùng drone là ở đó: Truy nhanh diệt gọn đối thủ mà không phải tổn thất nhân mạng nào nếu so với kiểu không kích truyền thống có phi hành đoàn ngồi trên ghế lái trong trường hợp chiến đấu cơ trúng tên lửa phòng không.
Để hạn chế nhược điểm này, đội ngũ an ninh quốc gia dưới thời Obama đã dành phần lớn thời gian trong nhiệm kỳ đầu của mình để thiết lập các quy tắc chặt chẽ hơn đối với các cuộc tấn công bằng drone, trong đó nêu chi tiết các tiêu chí lựa chọn mục tiêu và chỉ rõ trường hợp nào được Nhà Trắng hoặc CIA chấp thuận trước khi tên lửa Hellfire từ các drone có thể được phóng đi.
Mặc dù được các nhóm tự do dân sự hoan nghênh, các biện pháp của chính quyền không bao giờ thành công trong việc xoa dịu những tiếngm nói chỉ trích tiếp tục coi hoạt động không kích bằng drone của CIA là quá bí mật, không rõ ràng về mặt pháp lý và phản tác dụng về mặt chiến thuật.
Đến thời tổng thống Trump, Mỹ tập trung phát triển các loại vũ khí nhắm trúng đích hơn, điển hình là biến thể của tên lửa Hellfire, còn được gọi bằng mã R9X với đầu đạn trơ gắn kèm 6 lưỡi kiếm có thể tiêu diệt gọn đối tượng khủng bố mà người ngồi kế bên vẫn không hề hấn gì (đề cập trong Kỳ 1). Việc này nhằm khắc phục điểm yếu của các vụ không người bằng drone dưới thời Obama khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
(Còn tiếp...)
Anh Duy