Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Cuộc đua cải tiến vũ khí trên toàn cầu: Sự lên ngôi của “năng lượng định hướng”

See this content in the original post

Những chiếc xe tăng từng “làm mưa làm gió” trong Thế chiến thứ hai hay những nòng pháo chĩa ra từ những tàu chiến nay đang mất dần ưu thế trên chiến trường bởi sự ra đời của những công nghệ vũ khí mới ưu việt hơn. Trong đó phải kể đến loại vũ khí sử dụng năng lượng định hướng (directed energy weapon – DEW).

Diệt nhanh mục tiêu bằng chùm năng lượng

Theo Wikipedia, một DEW điển hình là một loại vũ khí tầm xa tiêu diệt mục tiêu bằng cách phóng đi một luồng năng lượng được tập trung cao độ. Chùm năng lượng này có thể là tia laser, vi sóng hay các chùm hạt dùng để tiêu diệt người, tên lửa và các phương tiện, thiết bị quang học. Như vậy, thay vì bắn ra đạn, loại vũ khí này lại phóng ra một luồng ánh sáng được khuếch đại bằng bức xạ kích thích (laser) hay một luồng vi sóng có tần số bước sóng đủ gây sát thương.

Trong bài viết nhan đề “Lầu Năm Góc chuyển tập trung sang phát triển công nghệ vũ khí năng lượng định hướng” đăng trên website chính thức của Viện Hải quân Mỹ (USNI News) ngày 5-9-2019 đề cập đến xu hướng phát triển này. Theo đó, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Bộ quốc phòng Mỹ, thứ trưởng Michael Griffin cho biết sự chuyển hướng sang nghiên cứu và phát triển (R&D) vũ khí DEW đã đi vào giai đoạn ứng dụng công nghệ, “sẵn sàng triển khai”. Trong đó trọng tâm được xác định nằm ở việc tăng cường khám phá tính hữu ích của các vũ khí DEW cùng với việc tìm cách gia tăng công suất của những vũ khí này. Griffin tiết lộ: “Chúng tôi đang xem xét ứng dụng vi sóng có công suất cao”.

Bên cạnh đó, một dạng khác của vũ khí DEW là vũ khí chùm hạt trung tính cũng đang được Mỹ quan tâm. Đây là các luồng hạt hạ nguyên tử (hạt có kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với các nguyên tử), di chuyển gần bằng tốc độ ánh sáng. Từ những năm 1980, Mỹ đã để ý đến tiềm năng của loại hạt này.

Lầu Năm Góc nhận định: “Chùm hạt trung tính có khả năng thay đổi lĩnh vực phát triển tên lửa phòng thủ chiến lược và tên lửa phòng thủ khu vực”. Mỹ đã lên kế hoạch chi 34 triệu USD cho việc nghiên cứu chùm hạt trung tính trong năm tài khoá 2020, và lên đến 380 triệu USD cho nghiên cứu này trong 4 năm tới. Kinh phí sẽ được sử dụng để tiến hành thử nghiệm kỹ thuật đối với hệ thống chi tiết của công nghệ này. Ý tưởng được đề xuất tập trung ở việc sử dụng các hạt trung tính để bắn phá các mục tiêu đang bay tới với nguồn năng lượng đủ mạnh để phá vỡ, vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt mối đe dọa. Dự án này có tên FY 2020.

Công nghệ tiềm năng

Thứ trưởng Griffin qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư vào các loại vũ khí DEW có khả năng được triển khai ngay bây giờ và công tác nghiên cứu, cải thiện công năng của chúng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tập trung vào việc sử dụng ngắn hạn năng lượng định hướng, đặc biệt là laser có công suất cao hơn hiện có.

Chẳng hạn, Hải quân đã có kế hoạch lắp đặt hệ thống vũ khí laser năng lượng cao và hệ thống vũ khí quang học tích hợp với giám sát (HELIOS) trên tàu khu trục Flight IIA lớp Arleigh Burke vào năm 2021. Cũng theo Griffin, Lầu Năm Góc đang tìm cách cải thiện khả năng tác chiến của loại vũ khí này với phạm vi hoạt động từ công suất hàng chục kilowatt hiện tại lên ít nhất là hàng trăm kilowatt.

Mỹ hiện đã có những thành công đầu tiên đến từ loại vũ khí này. Một đoạn video đăng tải trên website USNI News hôm 22-5 cho thấy cảnh tàu đổ bộ USS Portland (LPD-27) đã bắn hạ một máy bay không người lái (drone) bằng vũ khí laser trong cuộc thử nghiệm đầu tiên trên biển đối với hệ thống vũ khí laser năng lượng cao của hải quân nước này. Theo đó, còn tàu đã bắn đi 1 chùm tia laser thể rắn khi đang hoạt động ngoài khơi Trân Châu Cảng, bang Hawaii.

Một ánh chớp loé lên kèm theo một luồng sáng của chùm laser phóng tới đã đốt cháy chiếc drone mục tiêu trong nháy mắt. Theo USNI News, con tàu này được trang bị Hệ thống Vũ khí Laser Trạng thái rắn (SSL-TM)với tên gọi LWSD MK 2 Mod trên biển.

Dự kiến hệ thống này sẽ được nâng cấp lên công suất 150 kilowatt sau khi được thử nghiệm tới lui từ năm 2011. Trước đó một hệ thống vũ khí laser có công suất ban đầu 30 kilowatt đã được trang bị cho tàu vận tải đổ bộ USS Ponce từ năm 2014 đến 2017 để thu thập dữ liệu và kinh nghiệm về cách hệ thống năng lượng định hướng này hoạt động trong môi trường.

Đến khi hệ thống này được trang bị trên tàu USS Portland, nó đã được nâng cấp với một bước tiến dài khi ứng dụng được những tiến bộ như việc kết hợp được chùm với nhiều tia laser có độ dài bước sóng khác nhau, tạo thành chùm tia mạnh hơn bằng cách "tập hợp chúng lại", theo Frank Peterkin, chuyên gia công nghệ cấp cao về năng lượng định hướng của Hải quân Mỹ tiết lộ.

Hải quân Mỹ hy vọng, với bước tiến mới này sẽ cung cấp cho các tàu chiến của họ một phương tiện phòng thủ bổ sung chống lại máy bay không người lái (drone) và các đoàn tàu nhỏ.

Tia laser cũng có thể hoạt động như một yếu tố chói lóa, làm “chói mắt” các cảm biến quang học và người tìm kiếm. Hệ thống phóng laser khi được kiện toàn đầy đủ có thể được sử dụng kèm với các máy quay video ghi nhận chuyển động tích hợp riêng biệt, được sử dụng để theo dõi mục tiêu và ngắm bắn các vũ khí mà không cần pháo kích bằng đạn.

Như vậy việc ứng dụng vũ khí năng lượng định hướng (DEW) đã góp phần bổ trợ cho các phương tiện tấn công nhằm tạo ưu thế trên chiến trường.

(Còn tiếp...)

Anh Duy

See this content in the original post