Giáo dục STEM hướng đến thế giới công nghệ 4.0
Giáo dục STEM giúp học sinh hình thành, phát triển kỹ năng 4C, như Creativity (Kỹ năng sáng tạo), Critical Thinking (Tư duy phản biện), Collaboration (Kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm), Communication (Kỹ năng giao tiếp) cho học sinh thông qua trải nghiệm sáng tạo STEM.
Giáo dục STEM là cách tiếp cận trong dạy và học trong đó tích hợp nội dung và kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Giáo dục STEM vận dụng học thông qua thực hành, hướng học sinh liên hệ với các hiện tượng, vấn đề, nhu cầu của cuộc sống, thế giới và kết hợp với rèn luyện và vận dụng các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như tìm thông tin, lập luận lôgíc, hợp tác, điều tra, suy nghĩ thấu đáo, sáng tạo, giải quyết vấn đề. Mục tiêu của giáo dục STEM là chuẩn bị tốt hơn cho học sinh cho tương lai của chính các em trong thế kỷ 21 và chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội quốc gia.
Đứng trước xu hướng đó, công ty GaraSTEM đã tiên phong trong việc sản xuất các công cụ học tập công nghệ, kỹ thuật Made in Vietnam cho giáo dục STEM chất lượng và giá cả phù hợp cho đại đa số các gia đình. GaraSTEM cung cấp các chương trình giáo dục theo chuẩn giáo dục Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, GaraSTEM đã và đang phân phối cho các trường học ở TP.HCM, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội với hơn 60 trường tiểu học và trung học cơ sở sử dụng sản phẩm. Công ty đã có doanh thu và lợi nhuận từ sản phẩm startup của mình, đồng thời tái đầu tư để mở rộng quy mô và nghiên cứu phát triển sản phẩm theo hướng công nghệ cao, kết hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và internet kết nối vạn vật (IoT) để cho ra những sản phẩm cao cấp hơn nữa trong tương lai.
Năm 2019, GaraSTEM lọt vào top 10 Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM năm 2019.
Ngày 27/10 vừa qua, GaraSTEM đã có buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm startup với chủ đề "Bộ sản phẩm và chương trình học G-Robot trong giáo dục STEM Robotics" tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM)
Đây là một trong những hoạt động triển khai Chương trình Kết nối sản phẩm startup với thị trường, do CESTI thực hiện từ tháng 10/2020.
Báo cáo tại buổi hội thảo, ông Trương Võ Hữu Thiên - nhà sáng lập viên, Giám đốc điều hành GaraSTEM cho biết Chương trình G-Robot được thiết kế linh hoạt theo mô hình Câu lạc bộ ngoại khóa STEM Robotics trong trường phổ thông. Mỗi tuần, học sinh được đào tạo trong 2 buổi, mỗi buổi kéo dài 45 phút, với những nội dung trải nghiệm sáng tạo vô cùng lý thú về khoa học ứng dụng và lập trình robot, đồng thời rèn luyện các kỹ năng như giải quyết vấn đề, thực hiện đồ án nghiên cứu, làm việc nhóm và thuyết trình.
Chương trình G-Robot là công cụ hỗ trợ để các trường phổ thông sử dụng làm bài tập thực hành cho học sinh, có thể ứng dụng ngay vào các môn Toán hoặc Vật lý, mà học sinh đã tiếp thu kiến thức cơ bản về khoa học, công nghệ ở những tiết học chính khóa.
Chương trình được phát triển dựa trên nền tảng mà GaraSTEM đã làm chủ công nghệ, có thể dễ dàng chỉnh sửa hoặc sáng tạo theo nhu cầu giáo dục STEM thực tiễn của từng trường, từng khối lớp, từng lứa tuổi. Chương trình bao gồm 64 nội dung học dành cho cho học sinh 8-15 tuổi, sử dụng kèm bộ dụng cụ học tập G-Robot Creator (giá bán 1,85 triệu đồng).
Theo ông Trương Võ Hữu Thiên, bộ dụng cụ học tập G-Robot Creator được nghiên cứu sản xuất trong nước với hệ thống phần mềm hoàn thiện, có thể lắp ráp nhiều mẫu và giá cả rẻ hơn từ 3-10 lần so với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại.
Đây là bộ sản phẩm lắp ráp và trải nghiệm lập trình robot với tính linh hoạt cao, được sử dụng trong suốt năm học, có thể tái sử dụng nhiều năm. Sản phẩm được thiết kế theo hướng thúc đẩy sáng chế, định hướng học sinh tạo ra nhiều phát minh gần gũi với cuộc sống. Mỗi bộ có thể đáp ứng nhu cầu học tập của 2-3 học sinh.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh rằng, “Muốn giáo dục STEM trong nhà trường hiệu quả, cần có sự hỗ trợ tích cực của giáo viên để đảm bảo bài giảng và chương trình được truyền tải trọn vẹn đến học sinh, đồng thời cần thêm hệ thống đánh giá quá trình học và hệ thống ghi nhận mong muốn của học sinh, để từ đó đáp ứng nhu cầu học hỏi và đẩy mạnh phong trào học tập STEM.”
Bộ Giáo dục quy định 3 hình thức tổ chức dạy học STEM
Thứ nhất, nhà trường dạy học các môn khoa học theo bài học STEM - đây là hình thức tổ chức giáo dục STEM chủ yếu trong nhà trường trung học.
Thứ hai, nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM thông qua hình thức câu lạc bộ hoặc các trải nghiệm thực tế; theo sở thích, năng khiếu và lựa chọn của học sinh một cách tự nguyện.
Thứ ba, giáo dục STEM được tổ chức theo hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật. Hoạt động này dành cho những học sinh có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học, kỹ thuật để giải quyết những vấn đề thực tiễn.