Hỗ trợ, tạo sức bật để phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam

   

Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Cục Phát triển thị trường và V-Startup tổ chức hội thảo “Giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam”.

SHARK-TANK-3.jpg

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN Việt Nam”, và dự án “Hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong trường đại học khối ngành kinh tế”.

Trong những năm qua, thị trường KH&CN Việt Nam đã gia tăng cả về quy mô và tốc độ phát triển. Các loại hình hàng hóa trên thị trường KH&CN ngày càng đa dạng và phong phú. Theo đó, các hình thức giao dịch cũng đa dạng hơn, bao gồm các hình thức như: giao dịch mua, bản quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, giao dịch chuyển giao công nghệ là các thiết bị, máy móc, công nghệ thuần túy giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, giá trị và lượng hàng hóa KH&CN được giao dịch ở nước ta hiện nay chưa nhiều. Thị trường KH&CN Việt Nam vẫn ở trình độ thấp, các yếu tố cấu thành thị trường chưa phát triển đồng bộ; năng lực của nhiều chủ thể trên thị trường còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để cải thiện năng lực của các chủ thể tham gia thị trường KH&CN là cực kỳ cần thiết. Đặc biệt, vai trò kết nối của các trung gian KH&CN sẽ giúp thúc đẩy thị trường này phát triển nhanh hơn, xa hơn và ở phạm vi rộng lớn hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi thảo luận về các giải pháp để phát triển thị trường trung gian trong thời gian tới như: Chương trình phát triển thị trường KH&CN Việt Nam đến năm 2030: Quan điểm và phương hướng phát triển; thực trạng, đề xuất tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động và năng lực của tổ chức trung gian ở thị trường KH&CN Việt Nam; chính sách phát triển tổ chức trung gian ở thị trường KH&CN Việt Nam; thực trạng của thị trường KH&CN Việt Nam và kiến nghị của các tổ chức trung gian; khởi nghiệp ở tuổi 65 bằng nội lực từ các sáng chế và giải pháp hữu ích; thúc đẩy mối liên kết giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Tổ chức trung gian - Doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường KH&CN.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, sự hình thành và phát triển các tổ chức trung gian đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường KH&CN. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển của các tổ chức trung gian trên thị trường này ở mỗi quốc gia lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, giữa các quốc gia chưa có sự đồng nhất về mô hình, tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Tùy thuộc vào chiến lược phát triển và điều kiện về kinh tế, cũng như trình độ KH&CN và sự phát triển của thị trường, mỗi quốc gia sẽ xây dựng mô hình và đưa ra các chính sách phát triển tổ chức KH&CN với những điểm khác biệt nhất định.

Đối với Việt Nam, PGS.TS Bùi Đức Thọ cũng cho rằng, để phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN, cần nghiên cứu cơ sở lý luận, tổng kết kinh nghiệm về chính sách, giải pháp của các nước trong khu vực và trên thế giới; cũng như đánh giá năng lực hiện tại của các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN ở Việt Nam; từ đó đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian này một cách hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Đức Nghiệm trình bày tham luận “Chương trình phát triển thị trường KH&CN Việt Nam đến 2030: Quan điểm và phương hướng phát triển”

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Đức Nghiệm chia sẻ, trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN; thúc đẩy phát triển nhu cầu hàng hóa KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường KH&CN; tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN.

Trong khi đó, theo TS Tạ Bá Hưng - Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075), các chính sách phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN chưa tạo ra động lực thúc đẩy các bên liên quan tham gia phát triển thị trường. Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN hơn nữa, TS Tạ Bá Hưng bày tỏ mong muốn các tổ chức trung gian không chỉ là do nhà nước tạo ra, mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều tổ chức khác và cần phải có các chính sách phù hợp hỗ trợ thúc đẩy phát triển tổ chức trung gian.

PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Cần thiết phải thực thi hiệu quả, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy các tổ chức trung gian phát triển, qua đó hình thành mạng lưới các tổ chức đủ năng lực kết nối các chủ thể trên thị trường KH&CN; đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng công nghệ, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức trung gian, trụ cột là các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực khai thác thông tin công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước và nước ngoài, thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

Phú Văn