WHISE 2020: Hệ thống giám sát thủy sản chiến thắng cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2020”
Sáng 25/11, tại Trung tâm Hội nghị 272 (số 272, Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, TPHCM) Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đã tổ chức sự kiện “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2020”.
“Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2020” là sự kiện thường niên do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp tổ chức. Sự kiện nhằm tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo, các dự án mang tính đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sau hơn 5 tháng diễn ra, sự kiện đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hơn 20.000 lượt quan tâm, theo dõi và 70 dự án đăng ký tham gia. Trải qua vòng sơ tuyển tại cơ sở, 25 dự án đã được chọn để bước tiếp vào vòng bán kết, tại đây các dự án sẽ phải phải trình bày tính khả thi của ý tưởng cũng như đánh giá lợi ích kinh tế mà dự án mang lại.
Kết quả, có 10 dự án xuất sắc nhất sẽ tham gia tranh tài tại vòng cuối. Trong vòng này, các dự án sẽ phải trình bày kế hoạch kinh doanh của mình đồng thời trả lời các câu hỏi cũng như phản biện của các thành viên Hội đồng giám khảo.
Xuất sắc vượt qua 9 dự án còn tại, AquaVision đã chinh phục được giải Nhất của cuộc thi năm nay.
“Tiêu chí của cuộc thi rất sát thực tế. Sau cuộc thi mình còn cần chỉnh sửa rất nhiều để dự án hoàn thiện hơn nữa, dựa trên những góp ý từ ban giám khảo của cuộc thi. Nếu không cải tiến thì sẽ không thể cạnh tranh được trên thị trường. Đi một mình sẽ khó đi xa, nên mình cũng mong muốn sẽ có thêm những nguồn lực hỗ trợ. Mong muốn mở rộng dự án phát triển ở các thị trường lớn hơn là có và mình sẽ dùng hành động để hiện thực hóa mong muốn đó”, anh Dương Hữu Hoàng, tác giả dự án chia sẻ.
Để có thể chiến thắng, các dự án phải đảm bảo được 5 tiêu chí mà Ban giám khảo đưa ra. Đó là các tiêu chí: về mức độ hoàn thiện sản phẩm; tính mới, tính sáng tạo; thị trường; tính khả thi của dự án khi áp dụng vào thực tiễn và cuối cùng là mức độ hoàn thiện của kế hoạch kinh doanh và khả năng trình bày của các nhóm dự án.
Giải Nhì chung cuộc được trao cho dự án “Triển khai rộng rãi và thương mại hóa thiết bị quan trắc môi trường nước trong thuỷ sản”. Trong khi đó Dự án “Hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dế mèn thông qua việc phát triển công nghệ tái cấu trúc thịt dế” và Dự án “Trồng, chế biến các sản phẩm từ nấm linh chi và dược liệu” đồng nhận giải Ba.
Ngoài ra Ban tổ chức cũng trao thêm 3 giải khuyến khích cho các dự án: Dự án “Sản xuất chế phẩm bảo quản tự nhiên hiệu quả cao cho các sản phẩm thực phẩm (thịt, cá, nước uống) từ dịch chiết lá hương thảo; Dự án “BENEO – sản phẩm nước uống hỗ trợ chống lão hóa và làm đẹp da từ exopolysaccharide, collagen và Pycnogenol” và dự án “Nghiên cứu tạo chế phẩm từ dòng nấm kí sinh côn trùng Isaria Javanica Bb-T4 và ứng dụng trong phòng trừ sinh học côn trùng gây hại”.
Các dự án tham gia vòng chung kết gồm có:
- Dự án “Hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dế mèn thông qua việc phát triển công nghệ tái cấu trúc thịt dế”
- Dự án “Chiết xuất dầu bơ bằng phương pháp CO2 siêu tới hạn (DIIMIDE FOOD)
- Dự án “Sản xuất chế phẩm bảo quản tự nhiên hiệu quả cao cho các sản phẩm thực phẩm (thịt, cá, nước uống) từ dịch chiết lá hương thảo”
- Dự án “Trồng, chế biến các sản phẩm từ Nấm Linh Chi và dược liệu”
- Dự án “Kit trồng nấm rơm tại nhà & công nghệ meo lỏng từ bào tử nấm”
- Dự án “CORDYBEAUTY”.
- Dự án “Triển khai rộng rãi và thương mại hóa thiết bị quan trắc môi trường nước trong thủy sản”
- Dự án “Aquavision – Hệ thống giám sát, điều khiển và cảnh báo môi trường nước hoạt động online 24/7 ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản”
- Dự án “Bộ sản phẩm dược mỹ phẩm thảo mộc chăm sóc da dễ bị tổn thương (mụn, vảy nến, chàm,…)”
- Dự án “Nghiên cứu tạo chế phẩm từ dòng nấm kí sinh côn trùng Isaria Javanica Bb-T4 và ứng dụng trong phòng trừ sinh học côn trùng gây hại”