Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Kinh tế số, để có 30 tỷ USD vào năm 2025?

See this content in the original post

Mặc dù kinh tế số ở Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu nhưng một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế do môi trường pháp luật chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn nhiều tồn tại, đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thỏa đáng... 

Nhiều lĩnh vực chuyển mình

Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và đang làm thay đổi hoàn toàn nhiều ngành kinh tế; từ ngành sản xuất chế tạo và nông nghiệp đến thương mại, thanh toán, vận tải, tài chính và giáo dục. Việt Nam hiện đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.

Cũng từ sự phát triển có "tính bùng nổ" của Internet, kinh tế chia sẻ xuất hiện như làn gió mới trong phương thức kinh doanh. Đơn cử, sự thành công của Grab dẫn đến làng sóng "ăn theo" là các hãng vận tải công nghệ đang mọc lên như nấm như Go-Việt, Be, Fast-Go, Aber, Vato, Mai Linh Bike, MLV, Go-ixe, Xelo, MyGo... và 6 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi. Hay như dịch vụ kết nối thuê nhà có Airbnb; thiết kế các tour du lịch có Triip.me; đặt phòng khách sạn có các trang Booking, Mytour, Agoda, Traveloka. Tương tự, rất nhiều ứng dụng công nghệ kết nối cung - cầu xuất hiện trong các ngành bán lẻ, y tế, giáo dục, tín dụng ngân hàng, dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng, dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng...

Thương mại điện tử là một trong những phân khúc tăng trưởng "ngoạn mục" trong nền kinh tế số của Việt Nam, tăng 35%/năm; được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng bắt đầu được thử nghiệm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hoạt động trong thực tế như trong hệ thống giao thông thông minh; xe tự hành cấp độ 3; chẩn đoán và điều trị đột quỵ; chẩn đoán nội soi; chẩn đoán phát hiện lao phổi; xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng; ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt... Trong lĩnh vực Big Data, đã có một số cơ sở dữ liệu được hình thành như: trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam của FPT Telecom, Hòa Lạc Data Center của Viettel IDC.

Năm 2018, ngành y tế Việt Nam đặt ra các mục tiêu trong phát triển hệ thống y tế thông minh trong phòng bệnh thông minh, khám và điều trị thông minh và quản lý y tế bằng công nghệ thông minh và trong tháng 9/2020 đã thiết lập hệ thống 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa. 

Cũng nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, chất lượng dịch vụ được cải thiện nhờ sử dụng "mô hình du lịch thông minh" với thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến chiếm trung bình 30-40% tổng doanh số bán hàng với các doanh nghiệp Việt Nam như gotadi.com, ivivu.com, chudu24.com và vntrip.vn. 

Hiện cả nước có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Về xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số có nhiều chuyển biến tích cực. 

Vẫn còn nhiều nút thắt

Tuy nhiên, những thành tựu đã đạt được chỉ là những bước đi ban đầu và kinh tế  số ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại. Cụ thể, hạ tầng viễn thông là mặt mạnh của Việt Nam nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tốc độ truyền tải Internet còn chậm. Việc ứng dụng các công nghệ số trong các ngành công nghiệp hiện tại là khá thấp. Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp đang ứng dụng các công nghệ mới như dây chuyền sản xuất tự động, hệ thống sản xuất linh động (FMS), sản xuất tích hợp sử dụng máy tính (CMI). Mức độ quan tâm lớn tới những lĩnh vực công nghệ tự động hóa chỉ 29% số doanh nghiệp được khảo sát và chỉ khoảng 7% đánh giá cao vai trò của công nghệ mô phỏng và 6% thấy được tầm quan trọng của dữ liệu lớn.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) còn thiếu vốn, thông tin, kỹ năng về sử dụng công nghệ và dịch vụ số mới trong cách mạng công nghiệp 4.0. Chỉ có khoảng 18% doanh nghiệp (DN) có ý định đầu tư vào số hóa do lo sợ rủi ro. Khoảng trên 30% lãnh đạo của họ có hiểu biết và nhận thức đầy đủ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và cũng dễ bị tổn thương khi bị tấn công mạng. Kết quả triển khai Chính phủ điện tử còn chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức, thiếu các cơ sở dữ liệu quốc gia, chưa được kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử. Nhiều lĩnh vực chuyển đổi số chỉ mới ở bước thử nghiệm ban đầu chưa phổ biến như: xây dựng thành phố thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên nhân được nhận định là do môi trường pháp lý của Việt Nam còn nhiều bất cập, thiếu động bộ giữa các văn bản pháp luật và còn có khoảng cách giữa quy định pháp luật với việc thực thi trong thực tế. Các quy định thường không theo kịp với tốc độ số hóa nhanh chóng của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, cơ quan quản lý đã lúng túng trong việc xác định đúng bản chất ngành nghề, cấp giấy phép kinh doanh và quản lý doanh thu để thu thuế cho loại hình kinh tế chia sẻ do hoạt động này còn mới mẻ chưa có quy định trong pháp luật mà điển hình là sự tranh cãi lớn giữa "taxi truyền thống và taxi công nghệ". 

Về nguồn nhân lực, Việt Nam vẫn còn thiếu nhóm nhân lực tinh hoa có năng lực trình độ cao để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Theo dự báo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 500.000 nhà khoa học về dữ liệu, và khoảng một triệu nhân lực trong CNTT&TT. Chất lượng nguồn nhân lực kém là do có sự khập khiễng giữa chương trình giảng dạy và yêu cầu kỹ năng công việc trên thực tế, thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và khả năng sáng tạo còn kém.

Cần giải pháp phù hợp

Nhà nước sớm ban hành chiến lược và quy hoạch quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số với mục tiêu tích cực và các giải pháp phù hợp nhằm đuổi kịp các nền kinh tế số phát triển cao trên thế giới, cải cách và hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế số, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Có quy định và cơ chế phù hợp để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số như: xây dựng luật văn bản điện tử, chữ ký số, cấp giấy phép từ cơ quan quản lý... Đặc biệt, cần chấp nhận các mô hình kinh doanh mới và các công nghệ mới bằng cách tiếp cận mới trong quản lý mà nhiều nước áp dụng, gọi là cách tiếp cận Sandbox: cho cái mới tự phát triển, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng sau đó mới hình thành pháp luật, quy định để quản lý. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp số hoạt động có hiệu quả.

Trong khuyến khích đầu tư cho kinh tế số cần xem trọng khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Phát huy tinh thần doanh nhân có thể đối mặt và vượt qua được các khó khăn và thách thức mà làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến. 

Nhà nước cần tạo không gian thử nghiệm đi đôi với hỗ trợ DN để phát triển nền kinh tế số với tư duy quản lý thông thoáng nhằm "cởi trói" cho các doanh nghiệp. 

Ngoài những giải pháp chính nêu trên, Việt Nam cần tận dụng môi trường hội nhập quốc tế, khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm số, nhất là sản phẩm và dịch vụ CNTT&TT mà Việt Nam có thế mạnh như Viettel, FPT đã làm được. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách để bảo đảm không ai bị tụt hậu lại phía sau, như hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, chuyển đổi số.

TS.Hồ Quế Hậu - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

See this content in the original post