Làm gì để vượt qua thời dịch bệnh?: Nhà khởi nghiệp trẻ 'dịch chuyển'
Trong khó khăn của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà khởi nghiệp trẻ đã có những điều chỉnh nhanh chóng để thay đổi theo nhu cầu của khách hàng, có thể kinh doanh mà vẫn an toàn trong bối cảnh này.
Giao thẳng rau củ từ vườn tới bàn ăn
Trong bối cảnh Chính phủ hạn chế người dân ra đường, chính quyền TP.HCM cũng khuyến khích người dân nên tăng cường mua sắm trực tuyến, thì nhiều nhà khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh rau củ, thực phẩm tăng tốc để đáp ứng thị trường.
Trước đây, kinh doanh tại cửa hàng chiếm 40% tổng sản lượng, còn giao về tận nhà là 60%, tuy nhiên từ đầu mùa dịch Covid-19 tới nay, nhà khởi nghiệp trẻ Đinh Thị Thu Hằng (36 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sáng lập trang trại Vườn rau nhà mình, đã chuyển 100% sang kinh doanh online. “Mỗi ngày chúng tôi đăng tải thông tin trên fanpage những loại rau củ quả mà vườn đang có, khách hàng chọn lựa và chúng tôi sẽ giao trong buổi sáng để hàng luôn tươi ngon”, chị Thu Hằng cho biết.
Có 3 trang trại tại huyện Củ Chi (TP.HCM), Tà Nung (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum) chuyên các loại rau củ quả nhiệt đới, chị Thu Hằng cho hay trong thời gian này, mỗi ngày chị cung cấp ra thị trường 200 kg rau củ quả các loại.
“Trước đây, khách hàng của tôi có nhiều nhà hàng, quán ăn tại chung cư tôi sống. Nhưng bây giờ khách hàng hộ gia đình tăng hơn rất nhiều. Hàng quán đóng cửa, mọi người làm việc ở nhà và nấu nướng nhiều hơn. Mọi người cũng ý thức việc tăng cường ăn rau củ và trái cây nhiều hơn để nâng cao sức đề kháng”, chị Thu Hằng cho hay.
Cùng “dịch chuyển” trong mùa dịch, tận dụng tài nguyên tại các nông trại, chị Thu Hằng sản xuất thêm các nông sản có tinh dầu thiên nhiên như: hương thảo, bạc hà, chiết xuất dầu dừa… tốt cho sức khỏe. Sản phẩm này, có thể bán thêm, hoặc tùy số lượng khách hàng đặt mà có thể đính kèm như quà tặng cho mọi người.
Dù là nhà cung cấp nông sản trực tuyến từ trước đến nay, tuy nhiên anh Phạm Ngọc Anh Tùng (31 tuổi), nhà sáng lập FoodMap (khu Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM) đã có những điều chỉnh linh hoạt hơn, trước tình hình khó khăn vì Covid-19. Một trong số đó là tung ra sản phẩm mới: thùng rau củ tươi, đủ ăn trong một tuần, giao tận nhà mỗi thứ tư hằng tuần. “Thùng rau phải đảm bảo độ tươi sạch cũng như cho khách hàng cảm giác thú vị mỗi lần nhận được. Chúng tôi thu hoạch chủ yếu từ Đà Lạt, vận chuyển trong đêm về TP.HCM để sáng thứ tư giao cho khách”, anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng “dịch chuyển” cơ cấu sản phẩm về phía nhu yếu phẩm như: gạo hữu cơ, rau củ quả sạch, trái cây, mì dinh dưỡng hay đường, mật ong, nước mắm... Nhà khởi nghiệp trẻ lý giải: “Khi Covid-19 xảy ra, nhu cầu cơ bản của con người là điều ưu tiên nhất. Về tổng thể nhu cầu có thể giảm nhưng tỷ lệ khách hàng dịch chuyển mua hàng online lại tăng đột biến, nên đây cũng là một chuyển biến rất mạnh về hành vi khách hàng. Điều này có thể vẫn sẽ duy trì ổn định ở mức cao khi hết dịch”.
Mở rộng sản phẩm
Chị Huỳnh Thị Kim Hoàng (30 tuổi), trú ấp Cầu Xây, xã Long Trạch, H.Cần Đước, Long An, khởi nghiệp với các sản phẩm dầu gội thảo dược từ cỏ mần trầu (từng được giải sáng tạo trẻ quốc gia) cũng đang thay đổi sản phẩm kinh doanh trong dịch Covid-19. Từ đầu dịch tới nay, chị sản xuất thêm sản phẩm rửa tay khô sát khuẩn và nước rửa tay sát khuẩn, đã có kiểm định y tế đạt chuẩn. “Nước rửa tay chiết xuất từ quả bồ hòn, lá bàng. Lá bàng chứa chất diệt khuẩn tamin và cân bằng độ pH. Bồ hòn chứa saponin diệt khuẩn tốt. Tôi đã làm được 1.000 chai và đang sản xuất thêm vì nhu cầu bà con còn tăng”, chị Hoàng cho hay.
Covid-19 gây nhiều thử thách cho những nhà khởi nghiệp trẻ, tuy nhiên cũng là cơ hội để mỗi doanh nghiệp chứng minh năng lực. Như nhà khởi nghiệp Phạm Ngọc Anh Tùng nói, thử thách từ khâu tổ chức lại. Làm sao để một số nhân viên có thể làm việc ở nhà, đảm bảo nhân viên an toàn trước tiên đó cũng là trách nhiệm cộng đồng. “Mỗi nhân viên của chúng tôi đang phải hoạt động cao độ, thậm chí còn hơn trong mùa dịch, đa dạng hóa nguồn cung, sản phẩm và kênh bán cũng như liên kết chéo với những đơn vị khác để làm sao việc phục vụ khách hàng tại nhà được tốt hơn, nhanh hơn, an tâm hơn. Tuy nhiên với nhà khởi nghiệp, tôi xem đây là thử thách, cơ hội để nâng cao sức đề kháng của công ty”, anh Tùng nói.
Thúy Hằng
Xem thêm