TPHCM dẫn đầu về đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp
TP.HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp với 117943 đơn (chiếm 39,4%), đứng thứ hai là Hà Nội với 92110 đơn (chiếm 30,8%).
Qua số liệu thống kê về tình hình nộp đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp trong những năm gần đây của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, có thể thấy rằng tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của đa số các tỉnh/thành phố trong cả nước còn khá chậm, đặc biệt là đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận và công bố 299442 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu có chủ đơn là chủ thể Việt Nam; trong đó chủ yếu là đơn nhãn hiệu với 278144 đơn (chiếm 92,9%), 14084 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (chiếm 4,7%), 4705 đơn đăng ký sáng chế (chiếm 1,57%) và giải pháp hữu ích là 2509 đơn (chiếm 0,83%).
Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp với 117943 đơn (chiếm 39,4%), đứng thứ hai là Hà Nội với 92110 đơn (chiếm 30,8%). Trong danh sách 10 tỉnh/thành phố có lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp nhiều nhất, ngoài thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có sự xuất hiện của hầu hết các tỉnh/thành phố kinh tế năng động của Việt Nam như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…
Theo Cục SHTT, tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của đa số các tỉnh, thành trong cả nước còn khá chậm, đặc biệt là đối với sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chủ yếu tập trung ở TPHCM và Hà Nội, vì đây là hai trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị lớn nhất cả nước, tập trung rất nhiều doanh nghiệp lớn, trường đại học và viện nghiên cứu.
PV