Người giàu nhất hành tinh sẽ làm gì nếu khởi nghiệp thất bại?
Cách đây 26 năm, Jeff Bezos, khi đó 30 tuổi đã quyết định từ bỏ công việc ở một quỹ đầu tư với mức lương không tồi để bắt đầu khởi nghiệp.
Từ New York, Jeff Bezos chuyển tới Seattle, làm việc toàn thời gian trong gara nhà mình để xây dựng một doanh nghiệp mà sau này cả tỷ người trên thế giới đều biết đến – Amazon.
Dù hỗ trợ con trai về tài chính nhưng sự "phiêu lưu" của ý tưởng khởi nghiệp khiến bố mẹ Bezos rất lo lắng. Tỷ phú 56 tuổi kể lại, mẹ ông đã khuyên ông đừng bỏ việc và hỏi xem liệu ông có nên coi Amazon là việc làm thêm trong ngày nghỉ hay không?
Amazon ra mắt công chúng vào năm 1997 và hôm nay, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới có giá trị vốn hóa vào khoảng 1,5 nghìn tỷ USD.
"Những gì xảy ra với Amazon trong 25 năm qua năm ngoài sự mong đợi của tôi. Tôi hy vọng xây dựng một công ty nhưng nó hoàn toàn không giống như công ty bạn đang thấy ngày nay", ông Bezos nói trong cuộc phỏng vấn tại Ấn Độ vào đầu năm nay.
Canh bạc cách đây gần 30 năm đã đền đáp cho Bezos một cách xứng đáng. Tuy nhiên, có câu hỏi được đặt ra là nếu Amazon không thành công thì người giàu nhất hành tinh sẽ làm gì?
"Tôi sẽ là một lập trình viên phần mềm hạnh phúc ở đâu đó", Bezos tiết lộ.
Tất nhiên, về độ hạnh phúc thì không ai biết chắc nhưng sự giàu có thì chắc chắn, một lập trình viên thua kém ông Bezos hiện nay cực kỳ nhiều. Theo công ty thống kê Glassdoor, ngày nay, mức lương trung bình cho một lập trình viên phần mềm vào khoảng 92.000 USD/năm, trong khi giá trị tài sản ông Bezos vào khoảng 177 tỷ USD, theo tạp chí Forbes.
"Tất cả chúng ta đều có niềm đam mê và bạn không phải lúc nào cũng chọn chúng", ông chủ Amazon nói tại lễ trao giải Pathfinder Awards năm 2016. Theo tờ Wired, niềm đam mê của Bezos luôn là chiếc máy tính. Ông tốt nghiệp Đại học Princeton năm 1986 với bằng kỹ sư điện và khoa học máy tính.
Thông tin trên tờ Wired cho hay, sau khi tốt nghiệp, Bezos đã từ chối lời mời làm việc từ một số công ty công nghệ trong đó có Intel, Bell Labs và Anderson Consulting. Ông quyết định gia nhập công ty khởi nghiệp viễn thông có tên Fitel. Sau hai năm, Bezos rời Fitel chuyển sang làm công việc phát triển phần mềm tại Bankers Trust. Công ty này sau đó bị Deutsche Bank mua lại.
Từ đó, Bezos quyết định rời ngân hàng và muốn tìm việc trong lĩnh vực công nghệ như mong muốn ban đầu, thay vì dịch vụ tài chính. Nhưng vào năm 1990, ông lại đầu quân cho quỹ đầu tư D. E. Shaw sau khi hợp tác với người sáng lập David Shaw, cũng là một chuyên gia về khoa học máy tính.
Ở đó, Bezos được giao phụ trách nghiên cứu các cơ hội kinh doanh tiềm năng trong trên một môi trường hoàn toàn mới Internet. Từ đây, Bezos nảy ra ý tưởng bán sách trên Internet.
"Khi tôi nói với sếp của mình về điều này, ông ấy kiên nhẫn lắng nghe và nói," đó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng nó dành cho một số người chưa có việc làm", Bezos kể lại.
"Nhưng tôi biết nếu tôi cố gắng, thậm chí là thất bại, tôi sẽ không bao giờ hối hận", ông chủ của Amazon nhấn mạnh.
Không chỉ biến Amazon thành đế chế, Jeff Bezos đã trở thành người giàu nhất hành tinh. Từ đầu năm đến nay, trong khi thế giới vật lộn với dịch bệnh thì theo thống kê, cổ phiếu của Amazon đã tăng hơn 90% trong năm nay. Giá trị cổ phiếu tăng vọt đã nâng khối tài sản của ông Bezos lên con số gần 200 tỷ USD