Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh

See this content in the original post

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh. Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ - về vấn đề này.

Thưa ông, sở hữu trí tuệ (SHTT) thực sự đóng vai trò động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để phát triển tài sản giá trị quốc gia về cả số lượng và giá trị, xin ông cho biết về vấn đề này?

- Trong thời đại  khoa học và công nghệ (KHCN) phát triển như vũ bão hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận SHTT là sản phẩm, đồng thời là một trong các công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển của các nền KHCN và kinh tế thị trường. Bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ KHCN, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội.

Ở đây, các đối tượng sáng tạo kỹ thuật là nhân tố quyết định trình độ công nghệ do đó quyết định trình độ phát triển và cạnh tranh của cả một nền kinh tế. Tương tự, các đối tượng sáng tạo kỹ thuật, các dấu hiệu thương mại (nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng sản phẩm...) cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng vị trí cạnh tranh và muốn bảo hộ và cải thiện lợi thế trên thị trường. Mọi doanh nghiệp bắt buộc phải chăm lo đến các sản phẩm vốn là đại diện cho lợi thế đó.

Chính vì vậy, vai trò quan trọng của hệ thống bảo hộ SHTT chính là thiết lập một cơ chế cân bằng lợi ích giữa người nắm giữ quyền SHTT và xã hội, trong đó bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến quyền SHTT của chủ thể cũng bị ngăn chặn và xử lý. Vì vậy, bất kỳ một nền kinh tế thị trường nào mà không có hệ thống SHTT thì hầu như đều bị rơi vào tình trạng cạnh tranh hỗn loạn, thiếu lành mạnh và không có năng lực công nghệ nội sinh.

Hơn nữa, với cơ chế xác lập, quản lý quyền SHTT theo trình tự do pháp luật quy định tạo ra hệ thống các dữ liệu kỹ thuật, kinh tế, pháp lý đầy đủ, phản ánh tình hình đổi mới của công nghệ, cập nhật các thông tin về tình hình kinh doanh... các kho dữ liệu đó vô cùng bổ ích cho các giới nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh.

Năm 2020, Ngày SHTT thế giới hướng tới việc đổi mới sáng tạo vì tương lai xanh. Vậy, các chính sách, giải pháp mà Cục đã và đang thực hiện để hỗ trợ các nhà sáng chế cùng những nỗ lực cục trong việc góp phần tạo ra một “tương lai xanh”, góp phần thúc đẩy “nền kinh tế xanh” là gì?

- Để phát huy hơn nữa vai trò của SHTT đối với phát triển kinh tế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với kỳ vọng Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phổ biến và hơn thế nữa có thể thương mại hóa sản phẩm sáng tạo, qua đó, làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững, tạo dựng một “tương lai xanh” cho các thế hệ sau.

Nhiều biện pháp đã được cục triển khai nhằm góp phần khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng các thành quả sáng tạo trong KHCN vào mọi mặt của đời sống và sản xuất như: Thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền SHCN; xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về SHCN nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành quả KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, pháp luật về SHTT, tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ... góp phần không nhỏ vào thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

Một số chương trình, dự án hỗ trợ được triển khai rất có hiệu quả thời gian qua như: Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hiện đang được các địa phương triển khai mạnh mẽ, bên cạnh việc tham gia Chương trình cấp quốc gia thì tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương (thông qua đài truyền hình, lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu...). Chương trình đã bảo hộ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT, trong đó có nhiều đơn vị, doanh nghiệp lớn điển hình như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, tập đoàn DABACO... Chương trình cũng đã hỗ trợ bảo hộ, áp dụng thực tiễn sáng chế cho 51 giải pháp kỹ thuật.

Dự án mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC và IP-HUB) để kết nối và thúc đẩy hoạt động SHTT và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Dự án đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về tra cứu thông tin sáng chế và viết bản mô tả sáng chế cho các thành viên mạng lưới....

Trong thời gian gần đây, trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các sáng chế ngày càng tập trung vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn liên quan đến công nghệ môi trường như: Tái chế, làm sạch nước, xử lý khí thải độc hại thanh lọc không khí, bảo toàn năng lượng, hoặc công nghệ xanh theo hướng bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái... 

Tuy nhiên, để Việt Nam có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích hơn cũng như tăng cường bảo hộ quyền SHTT để phục vụ vụ cho phát triển bền vững, cần có sự chung tay chung sức của tất cả các chủ thể, nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT trong đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội.

Theo ông, vấn đề hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ CMCN 4.0 đang là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống SHTT?

- Thống kê cho thấy, năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến internet kết nối vạn vật (IoT) đã được nộp tại Cơ quan Sáng chế Châu Âu, với mức tăng trưởng 54% chỉ trong 3 năm (2014-2016). Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống SHTT là phải được vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để được như vậy cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ SHTT cho các đối tượng SHTT mới được tạo ra từ CMCN 4.0. Muốn vậy, cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT, đặc biệt trên môi trường internet. Cần quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực của cơ quan SHTT trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới; thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở quy mô khu vực và toàn cầu, bởi nhiều vấn đề SHTT đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Bên cạnh đó, việc thực thi quyền SHTT trong môi trường số sẽ trở nên khó khăn hơn, vì vậy các chính sách cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa không ngăn cản sự phát triển của khoa học và công nghệ, vừa đảm bảo được an ninh, bảo mật và đảm bảo quyền SHTT được bảo hộ thỏa đáng.

Đặc biệt, cần có sự kết nối giữa SHTT và các ngành công nghiệp, bởi hệ thống SHTT đã và đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp. Để bắt kịp với xu thế CMCN 4.0, các cơ quan SHTT cần có kế hoạch hành động sử dụng AI cho từng đối tượng từ sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu.

Thông qua các kênh truyền thông đại chúng, thông điệp “Đổi mới sáng tạo vì tương lai xanh” của Ngày SHTT năm nay vẫn sẽ lan tỏa khắp cả nước, tới tất cả các nhóm chủ thể trong xã hội để cùng phát huy trí tuệ, chung sức vượt qua những khó khăn thử thách hướng tới một tương lai xanh, một xã hội phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Đặng Tiến (thực hiện)

Nguồn

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post