Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2020: Người tạo đột phá cho pin nhiên liệu

See this content in the original post

PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân là nữ Phó Giáo sư (PGS) trẻ nhất của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM khi nhận học hàm PGS lúc 36 tuổi và hiện nay là nhà khoa học, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại. Lọt vào top 23/100 danh sách nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2020; Nhà khoa học Nữ xuất sắc nhất Việt nam 2019 do L’Oréal - UNESCO trao tặng... là những thành tích nổi bật của chị. Mới đây, chị cũng được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường vừa được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua.

36 tuổi trở thành PGS

Ra trường năm 2003, với kết quả học tập tốt, Hồ Thị Thanh Vân được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Hóa Vô cơ, thuộc Khoa Kỹ thuật Hóa học của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Tốt nghiệp thạc sĩ năm 2006 đến tháng 9.2008, Thanh Vân nhận được học bổng tiến sĩ (TS) toàn phần của Đại học Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Đài Loan và lập được thành tích xuất sắc khi đã công bố 1 bằng sáng chế Mỹ, 1 bằng sáng chế Đài Loan (Trung Quốc) về lĩnh vực năng lượng mới, và 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín với tổng hệ số ảnh hưởng IF=60 và trở thành một trong số ít nghiên cứu sinh nhận được bằng TS trước thời hạn (chưa đến 3 năm).

Sau khi lấy bằng TS, Thanh Vân được mời ở lại làm việc sau TS 2 năm ở nước ngoài. Trong thời gian này, chị đã thành công với các dự án lớn về pin năng lượng mặt trời. Được tiếp tục mời ở lại làm việc sau TS thêm 2 năm nữa nhưng Thanh Vân đã chọn con đường quay trở về Việt Nam với mong muốn có thể đóng góp một phần nào đó những kiến thức đã học vào đào tạo thế hệ trẻ và cho sự phát triển của nước nhà. Bởi chị biết rõ các vấn đề về bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững đang là vấn đề cấp thiết hiện nay, đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng đã và đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu thì các giải pháp chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường là một vấn đề đang được quan tâm và thúc đẩy.

Trở về Việt Nam từ tháng 9.2013 và được mời sang công tác với vị trí Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đến nay, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín và chủ trì, tham gia với hơn 10 dự án, đề tài khoa học công nghệ trong và ngoài nước. TS. Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận PGS năm 2016 khi mới 36 tuổi.

Đột phá cho pin nhiên liệu

Trở lại giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực pin nhiên liệu, dù là lĩnh vực đã từng nghiên cứu trước đó ở nước ngoài, nhưng PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân cũng gặp không ít trở ngại vì đây là một hướng nghiện cứu khá mới ở Việt Nam.

“Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu là tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo, trong đó pin nhiên liệu là 1 trong những dạng năng lượng tái tạo. Pin nhiên liệu này là một thiết bị điện hóa nhỏ gọn, chỉ cần cung cấp ôxy và hydro đầu vào, tạo ra được năng lượng là điện và nước sạch, khi hoạt động không phát thải khí nhà kính, đó là giải pháp năng lượng và được dự đoán là một trong những nguồn năng lượng trong tương lai để điều hành cho các thành phố lớn cũng như các phương tiện sử dụng điện.

Hướng nghiên cứu của tôi là phát triển nên một vật liệu mới, làm giảm giá thành và tăng hiệu suất của pin nhiên liệu. Pin nhiên liệu cũng là một trong những dạng năng lượng tái tạo, nên giá thành tương đối cao, chúng ta đang cố gắng để làm thế nào sản xuất được pin nhiên liệu này với giá thành thấp để triển khai ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần” - PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân cho hay.

Cũng theo PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, đây là một hướng nghiên cứu khá mới ở Việt Nam, vì thế khi bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Với may mắn được đào tạo ở nước ngoài, được nghiên cứu nhiều về pin nhiên liệu từ năm 2008, đồng thời đã công bố được một số sáng chế cùng những công trình khoa học trên tạp chí quốc tế về lĩnh vực pin nhiên liệu này. Sau khi về Việt Nam từ năm 2013 phát triển nghiên cứu này, đến nay PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân đã có một số thành tựu, một số sản phẩm và công trình đã được ghi nhận.

Cụ thể, năm 2019, với pin nhiên liệu này, PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được lựa chọn là 1 trong 44 công trình có đóng góp lớn cho sự phát triển TPHCM với giải thưởng sáng tạo khoa học của UBND TPHCM, cũng trong năm này, chị được vinh danh là 1 trong 3 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam - giải thưởng do L’Oréal - UNESCO trao tặng dành cho công trình nghiên cứu về vật liệu nano mới ứng dụng pin nhiên liệu dạng năng lượng tái tạo. Đến năm 2020, chị xếp thứ 23/100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.

Trái ngọt sau những khó khăn

Hiện nay, PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân đã xây dựng được những nhóm nghiên cứu mạnh và tạo môi trường làm việc nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp với mục tiêu để đào tạo các bạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trở thành các nhà khoa học trẻ có thể đóng góp thúc đẩy nghiên cứu khoa học phát triển. Chị luôn tạo điều kiện cho các thành viên nhóm nghiên cứu tham gia các hội thảo, diễn đàn quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận quốc tế. Kinh phí nhóm nghiên cứu hoạt động được lấy từ các dự án, đề tài của nhóm nghiên cứu. PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân đang là trưởng nhóm nghiên cứu Công nghệ nano và năng lượng tái tạo của Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TPHCM.

Trong năm 2017-2019, PGS. TS Vân đã hướng dẫn học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu Trường đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế và cụ thể như hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh nhận giải thưởng chương trình Kurita-Nước và tài nguyên dành cho các nước Đông Nam Á 2018 do Nhật Bản tài trợ năm 2018, 1 giải Ba Giải thưởng hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2018-2019, Giải khuyến khích hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc năm 2018-2019; hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh đạt kết quả nghiệm thu xuất sắc 2 đề tài Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh năm 2017 và năm 2019, hướng dẫn NCS nhận học bổng như Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VINIF) thuộc “Chương trình học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước” (năm 2019, 2020).

Học bổng của Đại học Quốc gia TPHCM thuộc “Chương trình hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu sinh, học viên có kết quả học tập tốt, có công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng” (năm 2019); Học bổng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tham gia “Crash course and attend the Asia clean energy Forum at ADB Headquarters in Manila, Philippines; hướng dẫn 2 sinh viên đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lần thứ 20 năm 2018 và năm 2019, hướng dẫn 1 học sinh đoạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2017-2018, hướng dẫn 2 sinh viên Đại học tốt nghiệp thủ khoa năm 2017- 2018....

"Trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, rất nhiều người (dù có đam mê khoa học) vẫn phải bỏ dở vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Vì thế, người làm khoa học phải hy sinh rất nhiều. Mỗi lần gặp khó khăn, tôi lại tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa vì nếu bỏ cuộc thì Việt Nam sẽ không thể phát triển các hướng nghiên cứu mới, khó hội nhập, bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ của quốc tế cũng như không thể đào tạo, truyền đạt kết quả cho các thế hệ trẻ trong nước tiếp cận, học hỏi.

Với suy nghĩ đó, tôi đã quyết tâm vượt qua mọi thách thức để có thể thực hiện được những trăn trở tâm huyết của mình cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tôi có niềm tin rằng, nếu đam mê, nhiệt huyết và cố gắng tìm tòi, trau dồi, nỗ lực và không ngừng học hỏi thì mọi cánh cửa khoa học đều mở ra và là nền tảng cho mọi thành công để từ đó có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, xã hội" - PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân chia sẻ.

Nguyễn Hà - Phương Anh

See this content in the original post