Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chi triệu USD cho "số hóa"
Khi dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông qua giải pháp số hóa càng trở nên quan trọng, cấp thiết.
Khi dịch COVID-19 bùng phát và vẫn chưa kết thúc, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để cung cấp lương thực thực phẩm, tăng cường xuất khẩu trở nên quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, chỉ cần 1 người nhiễm bệnh, cả hệ thống sản xuất sẽ buộc cách ly, ảnh hưởng đến sản lượng.
Chính vì thế, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), biện pháp duy nhất để phòng ngừa rủi ro là đưa công nghệ vào trong công ty, trong quản lý nội bộ. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng khẳng định "đây là lúc các doanh nghiệp nông nghiệp số hóa".
Mô hình mà VIDA đề xướng là sự kết hợp giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp kinh doanh... lại với nhau, để tăng cường tiêu thụ và sử dụng tiện ích lẫn nhau.
Không ít doanh nghiệp đã sớm ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, từ 12 năm trước, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết, thay vì mua hàng qua trung gian, Công ty đã đầu tư công nghệ, xây dựng phần mềm quản lý sản xuất trên điện thoại. Nhờ vậy, doanh nghiệp luôn sản xuất tăng 130% .
Tương tự, nhờ cải tổ lại hệ thống phần mềm, quản trị, số hóa sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc từng trang trải, Tập đoàn Nafoods đã có thể sớm áp dụng những biện pháp đối phó với COVID-19 và vẫn tăng trưởng kinh doanh trong quý I/2020 là 40%.
Mới đây hơn, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết chính thức với Citek Technology để triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp ERP SAP S/4HANA. Đây là sản phẩm ERP tiên tiến nhất, do Tập đoàn SAP AG (Đức) phát triển. Riêng Citek cũng từng là đối tác đồng hành trong tư vấn chuẩn hóa, chuyển đổi và áp dụng hệ thống quản trị SAP cho Hòa Phát, Minh Phú, Eurowindow, Cadivi, Tôn Nam Kim, Dược BIO, Thủy sản Hải Nam, Nhựa Rạng Đông...
Trong hợp tác lần này ở Lộc Trời, Citek giữ vai trò tư vấn và hỗ trợ triển khai EPR SAP cho Lộc Trời, với thời gian giai đoạn 1 tổng cộng 12 tháng . Dự án sẽ đưa vào vận hành chính thức từ 1.1.2021. Giá trị hợp đồng là hơn 3 triệu USD. Phía Lộc Trời cũng sẽ huy động thêm nhiều nguồn lực nên tổng chi phí cho dự án này ước trên 4 triệu USD.
Trước mắt, phạm vi thực hiện ERP ở Lộc Trời sẽ tập trung cho các hoạt động trong chuỗi cung ứng (S&OP), mua hàng, bán hàng, quản lý kho, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, kế toán tài chính, kế toán quản trị tại Tập đoàn và ngành vật tư nông nghiệp. Sang giai đoạn 2, Lộc Trời sẽ áp dụng ERP trong các mảng quản lý bảo trì, quản trị ngân sách, báo cáo quản trị thông minh và hợp nhất báo cáo tài chính trong toàn Tập đoàn và các công ty liên doanh, liên kết.
Có thể thấy, số hóa nông nghiệp gắn liền với những hiện đại hóa ở tất cả các khâu. Vì thế, để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, doanh nghiệp phải thật quyết tâm, đạt quy mô và có nguồn lực tài chính dồi dào. Ngoài ra, với khoảng 2/3 chuyển đổi số trên thế giới không được thành công như ý nên chỉ những doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Thadi, Lộc Trời... mới đủ tiềm lực thử nghiệm và không ngại đầu tư từng bước cho chuyển đổi số nông nghiệp.
Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi xảy ra ở các đơn vị này, nhất là về cơ cấu nhân sự và mục tiêu chiến lược. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết, tất cả các chuẩn bị về công nghệ kỹ thuật là để đưa Lộc Trời tiến đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỉ USD vào năm 2024. Đây cũng là cách để Lộc Trời nâng cao đời sống cán bộ nhân viên, đem lại lợi ích cho tất cả những ai theo dõi, ủng hộ Lộc Trời, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế và tăng vị thế của Lộc Trời trong thị trường dịch vụ nông nghiệp Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm CEO của Minh Phú, từng mong muốn chuyển đổi số sẽ giúp Minh Phú nói riêng và ngành nuôi tôm ở Việt Nam nói chung giải quyết được 3 rủi ro đến từ dịch bệnh, thời tiết, con người. Theo ông Quang, các thiết bị đo thông minh sẽ đo các thông số của môi trường, phân tích hình ảnh của tôm để ra các quyết định kịp thời đúng đắn. Chuyển đổi số ở công đoạn này còn giúp kết nối với công đoạn sau, công đoạn chế biến, để làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Rõ ràng, dù có những khó khăn, thử thách nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp là bước cần thiết để doanh nghiệp bứt phá, quản lý tốt hoạt động, đảm bảo chất lượng, gia tăng sự hài lòng nơi khách hàng, dự báo tương lai.
Ngọc Thủy
Xem thêm