Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhiều startup mắc bệnh 'mơ mộng' tư duy không thực tế, định giá mình quá cao

See this content in the original post

Nhiều startup rất mơ mộng, có ý tưởng tốt nhưng đôi khi không thực tế. Khi doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tiếp cận thì định giá không tưởng, dẫn đến việc các nhà đầu tư không thể rót vốn.

Chia sẻ trong chương trình Phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, sáng 26/9, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Những năm gần đây, với sự quan tâm và hỗ trợ của nhà nước, hệ sinh thái khởi nghiệp đã được hình thành ở nhiều trường đại học, địa phương, các khu công nghệ cao nhưng hiệu quả hoạt động còn yếu.

Ở giai đoạn hiện tại, Việt Nam phải hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phạm vi quốc gia theo chiều hướng sâu hơn với sự kết nối các nguồn lực.

“Ngay cả những mô hình vườn ươm học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng đã phải thay đổi, từ những vườn ươm kín thành những vườn ươm mở, với việc thu hút càng nhiều doanh nhân, tập đoàn bên ngoài tham gia càng tốt”, ông Quất nhấn mạnh.

Ông Quất cũng cho biết, ngay trong nhiều tập đoàn lớn hiện nay như Vingroup, Viettel, CMC, FPT, Apec… đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp riêng, tạo ra được lợi thế cạnh tranh và tự hình thành chuỗi giá trị với các hệ sinh thái kinh doanh. Những hệ thống cũng là môi trường rất tốt cho giới trẻ khởi nghiệp.

“Nếu chúng ta vận dụng được những học thuyết kinh tế mới, cập nhật với thời cuộc thì hệ sinh thái sẽ phát triển nhanh hơn và đi đúng hướng, hội nhập với khu vực. Đây cũng là điểm mới trong Đề án 844 mở rộng, với việc hình thành mạng lưới các trung tâm liên kết giữa các tập đoàn, các trường đại học và các vườn ươm”, ông Quất cho hay.

GS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xã hội và khởi nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sự gắn kết các nguồn lực rất quan trọng để giúp phân bổ nguồn lực tối ưu hơn, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả hơn.

Từ cách đây hơn 5 năm, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã hình thành mạng lưới cựu học viên và sinh viên toàn quốc, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn xã hội lớn gồm nhóm giảng viên từ doanh nghiệp, cố vấn nhóm khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư tiềm năng cho các nhóm khởi nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Lục Thanh Tùng, Giám đốc chiến lược Tập đoàn Apec bày tỏ tập đoàn này cũng rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp sáng tạo vì đây là động lực phát triển quan trọng của doanh nghiệp.

Trong đó sự hỗ trợ từ nhà nước và nhà trường rất cần thiết để tạo môi trường, động lực hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này chỉ ở giai đoạn đầu, để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhằm tạo bệ phóng.

“Nhà nước làm ra con đường, nhà trường dạy bạn lái xe và doanh nghiệp mới là người chỉ ra startup đi như thế nào, đi đến đâu. Vì vậy ngay từ ngày đầu startup thai nghén ý tưởng khởi nghiệp, doanh nghiệp đã phải cùng đồng hành cùng họ”, ông Tùng nói.

Vị giám đốc chiến lược Tập đoàn Apec cũng cho biết, việc kết hợp giữa doanh nghiệp và startup là sự cộng sinh, trao đổi để cùng phát triển. Nhiều startup rất mơ mộng, có nhiều ý tưởng nhưng đôi khi không thực tế. Chính vì vậy, startup không nên coi mình là "quả táo ngon", khi doanh nghiệp, các quỹ đầu tư tiếp cận thì định giá không tưởng, dẫn đến việc các nhà đầu tư không thể rót vốn.

HT

See this content in the original post