Nhiều startup Việt “bay cao” nhờ “bệ phóng” AWS

   

AWS (Amazon Web Services) là một “ông lớn” dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, đã mang tới thành công cho rất nhiều startup tại Việt Nam.

AWS_for_Startups@2x.png

Đại dịch COVID-19 đang tác động sâu rộng tới nền kinh tế toàn cầu, khiến câu chuyện chuyển đổi số đã “nóng” nay càng “nóng” hơn. Đặc biệt với các công ty khởi nghiệp (startup), họ phải biết “chọn mặt gửi vàng” để quá trình chuyển đổi số không phát sinh rủi ro ngoài mong muốn. Amazon Web Services (AWS) là một “ông lớn” dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đang có nhiều chương trình hỗ trợ cho startup tại Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Gaurav Arora - Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Nhật Bản của AWS.

Chào ông,

Đầu tiên, ông nhận định gì về những khó khăn, thách thức của các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn COVID-19?

Tác động của COVID-19 lên các doanh nghiệp châu Á là không nhỏ. Đây là thời kỳ đặc biệt khó khăn đối với các công ty khởi nghiệp, nhất là những công ty còn đang trong quá trình xây dựng cơ sở khách hàng và và tạo ra dòng tiền. Có thể năm nay là một năm hoàn toàn khác với kế hoạch của các công ty này.

Chúng tôi nhận thấy các công ty ở mọi quy mô, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, đều bày tỏ mong muốn chuyển đổi nhanh hơn sang đám mây để tận dụng tính linh hoạt và mềm dẻo mà điện toán đám mây mang lại. Ví dụ: Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp giải trí và nhà hàng đang tranh đua áp dụng các công cụ kỹ thuật số để duy trì kết nối với khách hàng khi chưa thể mở cửa, ngành giáo dục và y tế cũng đón nhận các giải pháp kỹ thuật số theo những phương thức chưa từng có tiền lệ.

Các công ty khởi nghiệp hợp tác với chúng tôi cho biết họ đang đánh giá lại các kế hoạch và dự báo của mình để có thể thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, để biến trạng thái đó thành cơ hội cho mình. Đồng thời, họ đang thực hiện các bước cần thiết để đánh giá lại chi phí.

Gaurav Arora - Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Nhật Bản của AWS.

Gaurav Arora - Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Nhật Bản của AWS.

AWS với vai trò là một “ông lớn” công nghệ toàn cầu, đã có những chính sách gì hỗ trợ startup trong giai đoạn đầy khó khăn vừa qua, thưa ông?

AWS luôn cam kết mang lại thành công cho các công ty khởi nghiệp. Chúng tôi hỗ trợ khách hàng của mình ở tất cả các giai đoạn phát triển từ lúc ban đầu cho đến khi trưởng thành. Chẳng hạn, chương trình AWS Activate của chúng tôi giúp các công ty mới khởi nghiệp nhanh chóng bắt đầu việc xây dựng công ty và hỗ trợ các công ty này trong suốt vòng đời.

Tại Việt nam, nhiều công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu đang khai thác những nguồn lực do AWS Activate cung cấp. Như Jobsgo, một trong những nền tảng tuyển dụng non trẻ nhất tại Việt Nam, mới chỉ được thành lập 3 năm nhưng đã thu hút được hơn một triệu người tìm việc làm và 27.000 nhà tuyển dụng, và tại thời điểm này đang có tới 2,5 triệu hồ sơ tìm việc trên nền tảng của mình.

Nhờ tham gia vào chương trình Activate của chúng tôi ngay từ ban đầu, Jobsgo đã tiếp cận được với tín dụng AWS để tối ưu hóa chi phí điện toán đám mây và đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn. Jobsgo tạo ra sự khác biệt nhờ các tính năng như trải nghiệm di động (mobile first), đề xuất khuyến nghị việc làm được cá nhân hóa nhờ công nghệ học máy và tính năng lựa chọn ứng viên phù hợp.…

Đối với khách hàng là những công ty khởi nghiệp trưởng thành hơn, chúng tôi nỗ lực tạo lập kết nối giữa các công ty khởi nghiệp với khách hàng tiềm năng và các nhà đầu tư. Chúng tôi có các chuyên gia kỹ thuật giỏi, những người có khả năng tư vấn sản phẩm và giải pháp cho các công ty khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo và đẩy nhanh quá trình cung cấp sản phẩm.

Câu chuyện về Jobsgo khá thú vị và truyền cảm hứng cho startup. Song ngoài Jobsgo, ông còn có “case study” nào khác muốn chia sẻ với mọi người?

COVID-19 đã làm tăng tốc trên diện rộng quá trình chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề và thúc đẩy người tiêu dùng chấp nhận các dịch vụ số, điều này tạo ra cơ hội cho các công ty khởi nghiệp có khả năng linh hoạt. Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Một ví dụ điển hình là KidsOnline, một nền tảng quản lý trực tuyến cho các trường mầm non đang được các giáo viên mầm non, các bậc cha mẹ và trẻ em tiếp cận nhanh chóng. KidsOnline đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, hiện đang có mặt tại 40 tỉnh thành, sản phẩm được triển khai tại hơn 1.200 trường mầm non, có 150.000 bậc phụ huynh và 20.000 giáo viên mầm non sử dụng với hơn 50.000 lượt truy nhập mỗi ngày.

Trong thời gian COVID-19, nhiều trường mầm non truyền thống đã cảm nhận được tác động của việc phải đóng cửa do các quy định giãn cách xã hội. Để giúp giảm nhẹ những khó khăn thách thức này và duy trì việc học tập của trẻ nhỏ, KidsOnline đã liên tục đổi mới sáng tạo trên nền tảng AWS Cloud để cung cấp trải nghiệm giáo dục kỹ thuật số để thu hút các em nhỏ mặc dù hoàn cảnh có nhiều thay đổi.

Còn trong lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử thì sao, thưa ông?

Các công ty khởi nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực đang sử dụng công nghệ để chuyển đổi ngành nghề của mình và để giải quyết những vấn đề quan trọng đối với cộng đồng. Chúng tôi nhận thấy việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hiện đang diễn ra đặc biệt mạnh mẽ trong các ngành công nghệ tài chính (fintech) và thương mại điện tử.

Trước hết, xin được nhắc đến lĩnh vực dịch vụ tài chính đang phát triển bùng nổ, đây là hiện tượng khá đặc thù tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đa số các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã lựa chọn khởi nghiệp trên nền AWS, bao gồm công ty cung cấp dịch vụ thanh toán, ngân hàng VPBank (YOLO), Movi và Openway Group.

Tương tự, chúng tôi cũng nhận thấy các nhà cung cấp thương mại điện tử như công ty hỗ trợ thương mại điện tử VGS Shop, đang phát triển nhanh để đảm bảo khách hàng của công ty được tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện tới các sản phẩm mà họ mong muốn và cần thiết, ngay cả họ phải ở nhà nhiều hơn.

Ông có gì muốn tư vấn thêm cho các công ty khởi nghiệp để họ có thể vượt qua không chỉ COVID-19 mà còn cả những khó khăn khác nếu có trong tương lai?

Khi hành vi xã hội thay đổi nhanh chóng, việc ở gần khách hàng, lắng nghe nhu cầu của khách hàng và nhanh chóng thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng là vô cùng quan trọng. Điều đó là kim chỉ nam của Amazon - bây giờ và mãi mãi. Chúng tôi bắt đầu bằng câu hỏi về việc làm thế nào để có thể làm hài lòng và hỗ trợ khách hàng, sau đó tư duy ngược lại để đi những bước đầu tiên nhằm hiện thực hóa điều đó.

Các công ty khởi nghiệp nên tập trung duy trì tính linh hoạt và khả năng thử nghiệm - những năng lực then chốt để doanh nghiệp có thể tồn tại lúc này. Rất may mắn là khuynh hướng tự nhiên của hầu hết các công ty khởi nghiệp mà chúng tôi đang hợp tác là tập trung vào một vấn đề và tìm ra những cách mới để giải quyết vấn đề đó.

Khi phải đối mặt với thách thức, các công ty khởi nghiệp cần có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường, thử nghiệm các ý tưởng mới và ứng biến để tìm ra các dòng doanh thu mới, ngay cả khi thế giới xung quanh đang thay đổi.

Tôi cho rằng bằng cách luôn đổi mới, luôn thử nghiệm những ý tưởng mới và lấy khách hàng làm trung tâm, các công ty khởi nghiệp có thể tự tin bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!