Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Những rủi ro pháp lý khi khởi nghiệp và lời khuyên dành cho Startup

See this content in the original post

Khi thực hiện dự án kinh doanh, các startup thường chỉ tập trung vào một số yếu tố như: thị trường, doanh số, sản phẩm, cạnh tranh,... mà ít khi dành sự quan tâm đủ nhiều cho các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, để có những bước đi vững chắc, hạn chế rủi ro, sẵn sàng cho khả năng huy động vốn đầu tư thì hiểu biết về pháp luật đối với startup là điều cần thiết.

Các văn bản pháp lý được ban hành như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp cho phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ 2015 cho đến nay. Các chính sách mới mở cửa, tạo thuận lợi của Chính Phủ cho việc thành lập doanh nghiệp, vận hành, hoạt động, và đầu tư được ra đời, tạo ra động lực và một hành lang pháp lý vững chắc cho các startup thực hiện ý tưởng kinh doanh.

Tuy nhiên, mọi sự bắt đầu đều có những khó khăn nhất định. Thực tế cho thấy, các startup thường ít coi trọng các nội dung về mặt pháp lý khi kinh doanh, mặc dù các văn bản pháp luật Việt Nam về vấn đề này nhiều và phức tạp. Do đó, các startup phải đối mặt với khá nhiều rủi ro về mặt pháp lý khi khởi nghiệp.

Trong bài viết này, ThinkZone đưa ra và phân tích những rủi ro pháp lý thường gặp khi khởi nghiệp của các doanh nghiệp hiện nay.

1. Rủi ro khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp là việc làm cơ bản và quan trọng khi các startup ra đời, bởi loại hình doanh nghiệp sẽ quyết định đến các yếu tố cốt lõi như cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, chế độ chịu trách nhiệm về vốn và nghĩa vụ tài sản khác, cũng như phân chia lợi ích trong doanh nghiệp.

Theo Luật doanh nghiệp 2014, các loại hình doanh nghiệp mà một startup có thể được thành lập bao gồm:

  • Công ty TNHH một thành viên;

  • Công ty TNHH 2 - 50 thành viên;

  • Công ty cổ phần;

  • Công ty hợp danh;

  • Doanh nghiệp tư nhân;

  • Thêm 2 loại hình đặc biệt nữa là hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Việc lựa chọn đúng loại hình doanh nghiệp trong kinh doanh sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, không phải lúc nào các startup cũng lựa chọn đúng loại hình doanh nghiệp.

Thực tế, những startup thường hay chọn mô hình công ty cổ phần vì họ cho rằng dễ huy động vốn đầu tư khi có cơ hội. Nhưng thực tế, với các startup, mô hình này có nhiều hạn chế so với công ty trách nhiệm hữu hạn. Với hình thức cổ phần, sau 3 năm thành lập, các cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần nhưng tại thời điểm đó, công ty chưa thật sự ổn định về kinh doanh và tổ chức mà thay đổi “người đầu tàu” thì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn với mô hình trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp sẽ ổn định và có thể thay đổi loại hình kinh doanh phù hợp khi công ty đã phát triển.

Bên cạnh đó, các startup thường gặp rắc rối về mặt pháp lý khi thành lập doanh nghiệp bởi các vấn đề sau:

Thứ nhất, việc đứng tên thành lập doanh nghiệp khá dễ dàng do các quy định mới của Luật Doanh Nghiệp 2014, do đó các trường hợp đứng tên đại diện pháp lý cho một doanh nghiệp nào đó khá phổ biến, việc này có thể mang tới rủi ro khi chủ doanh nghiệp lợi dụng doanh nghiệp để thực hiện các việc làm phạm pháp, lừa đảo, buôn lậu, trốn thuế... sẽ làm liên lụy tới người đứng tên đại diện pháp lý mặc dù người này không tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh.

Thứ hai, rủi ro về việc góp vốn khi thành lập doanh nghiệp. Hiện tại Nhà nước chỉ kiểm soát vốn của doanh nghiệp trên dữ liệu kê khai; chưa có cơ chế giám sát, do đó, thường xuyên có tranh chấp nội bộ doanh nghiệp; ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ của người góp vốn và đối tác kinh doanh của công ty. Thực tế góp vốn không đúng hình thức pháp luật quy định cũng ảnh hưởng tới công ty.

Để hạn chế những rủi ro, các startup cần nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và đưa ra kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong từng giai đoạn thành lập và sau khi thành lập. Bên cạnh đó, cần có thỏa thuận pháp lý rõ ràng giữa các cổ đông về vốn góp và tỷ lệ vốn góp trong các loại hình doanh nghiệp đã lựa chọn.

2. Rủi ro liên quan đến hợp đồng giao dịch

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện một giao dịch cụ thể trong cuộc sống nói chung và trong kinh doanh thương mại nói riêng.

Do nhiều lý do, việc soạn thảo hợp đồng đôi lúc vẫn còn một số thiếu sót, chưa chặt chẽ về mặt pháp lý hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó có thể dẫn tới các rủi ro khiến cho hợp đồng vô hiệu hoặc gây khó khăn trong việc thực thi hợp đồng. Đặc biệt, nhiều startup thường có tâm lý chủ quan, sử dụng các mẫu hợp đồng có sẵn mà quên rà soát để bổ sung, sửa đổi các nội dung cho phù hợp với mình, dẫn đến nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

Có 2 rủi ro cơ bản thường gặp phải trong quá trình soạn thảo hợp đồng, đó là: rủi ro về hiệu lực của hợp đồng và rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng.

Thứ nhất, rủi ro về hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005, hợp đồng có thể bị vô hiệu liên quan đến hai yếu tố đó là vô hiệu về hình thức và vô hiệu về nội dung.

Về hình thức, hợp đồng có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế trong các giao dịch cũng như đảm bảo tính pháp lý trong các giao dịch có giá trị lớn và thời gian thực hiện kéo dài, pháp luật quy định điều kiện về hình thức của hợp đồng để hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Cụ thể, trong một số trường hợp, hợp đồng phải được lập thành văn bản; hoặc sau khi lập thành văn bản phải được công chứng, chứng thực; hoặc một số hợp đồng bắt buộc phải đăng ký trước khi thực hiện. Nếu không tuân thủ điều kiện về hình thức thì hợp đồng có thể bị vô hiệu, khi đó toàn bộ hợp đồng không có giá trị pháp lý và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, đồng thời có khả năng phải bồi thường thiệt hại liên quan.

Về nội dung, trong trường hợp nội dung của hợp đồng vi phạm quy định của pháp luật thì hợp đồng đó cũng sẽ bị tuyên là vô hiệu. Một số vi phạm nội dung cơ bản của hợp đồng có thể kể đến như: Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật; Hợp đồng vô hiệu do chủ thể ký kết hợp đồng không có thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền...

Thứ hai, rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, rõ ràng. Việc các startup sử dụng hợp đồng mẫu hay việc tự soạn thảo hợp đồng mà không nắm rõ các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả là quyền và nghĩa vụ của các bên không được quy định rõ trong hợp đồng, nhiều trường hợp làm giảm tính khả thi của hợp đồng khi thực hiện trên thực tế, thậm chí dẫn đến tranh chấp sau này. Một số điều khoản cần lưu ý khi soạn thảo và rà soát hợp đồng đó là:

  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

  • Chế tài áp dụng trong trường hợp các bên vi phạm hợp đồng;

  • Quy định về trường hợp bất khả kháng;

  • Quy định bảo mật thông tin;

  • Điều khoản tiên quyết trong các trường hợp thay đổi quy định của pháp luật;

  • Điều khoản giải quyết tranh chấp;

  • Điều khoản về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

  • Điều khoản về chống cạnh tranh.

3. Rủi ro liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ

Startup thường mang tính đổi mới, sáng tạo. Các startup thành công hiện nay đa phần trong lĩnh vực công nghệ hoặc có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do đó tài sản trí tuệ càng trở nên quan trọng hơn, ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư định giá startup tại thời điểm rót vốn.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Việc không chú trọng vào vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có khả năng đặt doanh nghiệp vào những rủi ro cũng như bất lợi nghiêm trọng.

Rủi ro thứ nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt là việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ như, trong quá trình đặt tên cho doanh nghiệp hoặc sử dụng nhãn hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ, nếu startup không có kiến thức về sở hữu trí tuệ thì có thể sẽ chọn tên đơn vị khác đã được bảo hộ. Sử dụng tên gọi như vậy sẽ khiến cho các startup xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, mất thời gian, chi phí để tạo dựng uy tín cho các đối thủ và không đạt được kết quả khi kinh doanh, thậm chí các startup còn có thể bị dính vào kiện tụng.
Rủi ro thứ hai các startup có khả năng gặp phải là bị các doanh nghiệp khác xâm phạm tài sản trí tuệ.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ pháp lý giúp doanh nghiệp bảo vệ tài sản của mình. Do đó, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tìm hiểu, sử dụng hiệu quả công cụ này để bảo vệ thương hiệu mà startup đã gây dựng, tránh để tình trạng bị xâm phạm và các startup không đủ cơ sở pháp lý để tự bảo vệ mình.

Trong quá trình khởi nghiệp các startup gặp rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Để khắc phục những vướng mắc về pháp lý khi khởi nghiệp, các startup phải nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của luật sư trong quá trình hoạch định kế hoạch kinh doanh khởi nghiệp của mình. Luật sư là những người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp qua mỗi giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, liên quan đến các yếu tố rủi ro, các startup cần chú trọng đến một số giải pháp:

  • Thứ nhất, soạn thảo và ký kết thỏa thuận hợp tác (thỏa thuận thành viên/cổ đông), các văn bản cam kết hay thỏa thuận khác giữa các thành viên sáng lập, nhằm định hướng và đưa ra kế hoạch hợp tác cụ thể, cũng như đảm bảo quyền lợi và công sức đóng góp của các thành viên theo nguyên tắc công bằng và các bên đều có lợi.

  • Thứ hai, tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư chuyên nghiệp về việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các ý tưởng của mình theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  • Thứ ba, nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan đến lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong từng giai đoạn sau thành lập; các vấn đề pháp lý sau thành lập như các hình thức huy động vốn và chào bán chứng khoán ra công chúng (IPO), thuê mua tài sản, thuế...


    PV

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post