Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhật ký innovation: Mới như… cha con nhà Bitis

See this content in the original post

Sáng cuối tuần, nói chuyện với cô gái Vưu Lệ Quyên, tổng giám đốc Bitis – người đang quản lý 8.600 nhân viên. Cô nói về chuyện thời dịch bệnh, điều cần nhất của một người lãnh đạo là lòng trắc ẩn, biết thương mình, thương người và san sẻ để cùng nhau đi qua khó khăn.

Cô lại nói về định nghĩa “công ty hạnh phúc” mà Bitis đang theo đuổi, cũng như chuyện công ty giày này đang xây dựng chuẩn GNH – tổng hạnh phúc quốc dân theo mô hình của Bhutan ở quy mô doanh nghiệp. “Đo lường mức độ hạnh phúc của mỗi thành viên, của tổ chức, không chỉ làm mạnh hơn văn hoá doanh nghiệp mà còn tạo ra sự tăng trưởng về tài chính nữa”.

Nói tùm lum chuyện trên trời dưới dất, xoay qua nói chuyện về… cha của Quyên, ông Vưu Khải Thành, nhà sáng lập công ty này.

Và thấy nên kể lại một câu chuyện cũ, một nhật ký cũ đã ghi về ông…

---

Ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch CLB Doanh nghiệp Đổi mới Sáng tạo, bảo: Bitis chính là “đại ca cổ thụ” trong làng doanh nghiệp tư nhân TP.HCM. Thế nhưng, trò chuyện với ông Vưu Khải Thành, người “nâng niu bàn chân Việt” suốt từ năm 1997, mới thấy sự đổi mới sáng tạo là không ngừng nghỉ…

1.    Trong căn phòng khánh tiết rất đẹp nằm ở trung tâm cụm nhà máy Bitis rộng hơn 7 hecta ở quận 6 TP.HCM, ông Vưu Khải Thành, chủ tịch công ty Bình Tiên, Bitis treo một bảng khắc bằng đồng những câu cách ngôn phấn đấu ở vị trí dễ thấy nhất: “Giải phóng tư tưởng; Thực sự cầu thị; Tích cực tìm tòi; Mạnh dạn sáng tạo; Kiên trì phấn đấu; Không ngại gian nan; Học tập nước ngoài; Không ngừng vươn lên…”. Ông bảo, đó là điều mà bất kỳ ai trong số gần 9.000 con người đang sống ở Bitis cũng luôn phải nhớ. Đơn giản, vì đó là nguồn năng lượng sống, trưởng thành và phát triển suốt 32 năm nay của công ty này.

2.    Ông chủ tịch Thành ngồi chậm rãi uống trà, kể một câu chuyện lạ hơn tất cả những gì người ta từng nghĩ về một doanh nghiệp gốc Hoa thành công từ rất sớm của mình: ở Bitis không có chuyện gia đình trị. Từ những ngày đầu, tôi đã cố gắng đi mời những người giỏi về hỗ trợ mình cùng dựng nghiệp, những cái tên đó kể ra thì nhiều lắm. Ông bảo, làm doanh nghiệp thì phải công tư phân minh. Cái “công” – tức là 9.000 con người, phải lớn hơn chút tình riêng của cá nhân mình chứ. Bởi vậy, một anh công nhân mới vào mà siêng năng, chịu khó và biết sáng tạo thì cuối năm sẽ đuợc thưởng đi du lịch, còn có người làm mấy chục năm mà ù lì hoài thì coi chừng…

3.    Ở Bitis, mỗi tháng sẽ có chương trình tuyên dương và trao tăng bằng khen cho những người có sáng tạo, có công sức đóng góp nổi bật. Những khoảng thưởng “nóng” tiền triệu, chục triệu, thậm chí trăm triệu sẵn sàng được chi ra để khuyến khích mọi người suy nghĩ nhiều hơn, cải tiến nhiều hơn cho mọi thứ ở Bitis. Từ những chi tiết nhỏ nhất trong số gần 400 chi tiết của một đôi giày, cho tới những chuyện “động trời” như quyết định làm TVC với công ty nước ngoài từ năm 1997 khi mà chưa ai biết khái niệm quảng cáo, thương hiệu… đều là những điều mà ông quan tâm nhất. Ông kể, vừa rồi có một chị công nhân 19 năm làm công việc dán keo, bỗng một ngày khẽ khàng lên đề xuất: thôi mình đừng dùng cái máy dán keo, lấy cái bình này, dán như vầy, như vầy... thì sẽ hiệu quả hơn. Ông Thành ồ lên, đúng đúng, vậy tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm máy, tiết kiệm điện, quá giỏi… Và với chị công nhân này, niềm vui được thưởng bằng tiền mặt có lẽ không lớn bằng lời khen, và được cụ thể hóa bằng cái bằng khen mà ông Thành đích thân trao cho.

4.    Có một hôm, ông Thành phát biểu trước đông đảo công nhân: “Đừng sợ ông tổng giám đốc. Đừng nhìn mặt ông tổng giám đốc mà làm việc, vì ông tổng không rành công chuyện cụ thể mình đang làm bằng mình đâu. Hãy nói cho ông tổng nghe cách làm tốt hơn!”. Chuyện này, nói thì dễ, nhưng làm thì khó lắm, nhất là với một công ty đông đúc và đủ mọi mặt hàng, đủ mọi thị trường như Bitis. Nhưng ông Thành làm được, bằng cách từ từ thay đổi nhận thức của mọi người. “Chịu khó thiết lập một hệ thống quản lý cho nó khoa học, logic, chừa chỗ để người ta sáng tạo, vươn lên, thì mình sẽ khỏe hơn”. Cái hệ thống mà ông nói, chính là sự sòng phẳng trong hành xử của ông: công thì thưởng, lỗi thì phạt, còn tội thì trừng trị. Ông thích xài chữ “sòng phẳng”, vì nó giống con người ông. Và còn một từ nữa để nói về sự khuyến khích sáng tạo, là từ “trọng thưởng” cho những cải tiến mang tính đột phá.

5.    Ngoài 60 rồi, ông Thành nhìn hiền hòa, phúc hậu, khác với hình ảnh một doanh nhân kiên định, cuơng quyết thưở nào. Nhưng ánh mắt tinh anh thỉnh thoảng lại lóe sáng của ông thì không lẫn vào đâu được khi nói về TPP, về chuyện ông đang đi làm việc với đối tác trong khối 13 quốc gia của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Duơng này để còn kịp chuyến tàu hội nhập thì thấy ông vẫn trẻ măng. 32 năm, Bitis quả thật vẫn đang là một chàng thanh niên sung sức truớc thị trường mới… 

BUNG TRẦN

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post