Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhật ký innovation: Những cuộc mắng nhiếc của Mentor

See this content in the original post

Nếu có ai đó bị Bung mắng nhiếc nhiều nhất, nhiều bằng tổng các số lần Bung lên cơn vì các doanh nghiệp khởi nghiệp mà mình tham gia làm mentor, làm nhà đầu tư, và cả… làm người hầu, thì Dương Ngọc Ảnh – chủ công ty phở sắn Caromi chính là nhân vật đó.

Chuyện kể rằng, 4 năm trước, khi Bung còn làm giám đốc ở Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng DNES, có doanh nghiệp làm gia công phần mềm cho thị trường Đức tới thuê co-working space. Xong tự dưng một ngày, ông giám đốc công ty này, dẫn theo vợ, tới trình bày câu chuyện của mình. Bung… nghe ổng nói giọng Quảng Nam đặc sệt miền quê, lại có chút lo lắng nên nói nhanh quá, chẳng hiểu gì. Bung bèn kêu: Thôi về viết cái email trình bày đi, đang bận sấp mặt.

Dương Ngọc Ảnh về, viết một cái thư, đọc xong, muốn rớt nước mắt: “Cuộc sống đói khổ, thiếu ăn sau chiến tranh đã khiến người dân vùng đất Quế Sơn, Quảng Nam sáng tạo ra một món ăn độc đáo: phở làm từ củ sắn (khoai mì). Cách đây khoảng 22 năm, cha tôi - ông Dương Ngọc Xinh - gây dựng lại nghề phở sắn. Lúc đó tôi mới 12 tuổi, hằng ngày dậy từ 4 giờ sáng phụ ba mẹ kéo phở rồi sau đó đến trường. Trong thời gian đầu, đó là một nghề rất vất vả. Vỉ phơi bằng tre phải được đánh dầu hằng tuần để khỏi bị dính làm phở gãy, hư. Thời gian sử dụng ngắn, nhanh hư hỏng và tốn thời gian lâu để tạo ra 1 cái vỉ mới. Chắt lọc nước ngâm bột sắn thường xuyên dễ bị hư da tay chân. Đánh bột bằng tay liên tục hơn 40 phút để cho khỏi cháy và bột nhuyễn, muốn rụng tay. Khó công là vậy, nhưng giá bán rất thấp. Sau khi trừ đi chi phí, nếu gia đình có hai người (và có hai con phụ giúp), sản xuất mỗi ngày 60kg Phở Sắn thì số tiền còn lại là: 213,000 đồng. Số tiền này rất thấp, lấy công làm lời, so với một người nếu đi làm công nhân không phải lo lắng nhiều cũng có thu nhập tương đương hoặc cao hơn…”.

Trong ảnh là chú Xinh, người đàn ông trong bức thư, là ba của Ảnh. Bức ảnh này chụp ở huyện Quế Sơn, nơi đang làm ra sản phẩm phở sắn bằng máy móc tự động hoá, chuẩn bị cho ra đời hai sản phẩm mới: bánh tráng sắn và “mỳ spaghetty Việt”. Tất cả là thành quả của mấy năm trời hai vợ chồng đóng cửa công ty, đóng luôn cái trung tâm ngoại ngữ, lụi cụi làm ngày làm đêm. Và họ gọi chú Xinh là… giám đốc công nghệ (CTO) của công ty.

Chú Xinh hay cười, và nói những chuyện giản đơn như chính món ăn từng đoạt giải vô địch cuộc thi món ngon Chiếc Thìa Vàng nhiều năm trước: “Cây sắn nó sống trên núi, chỉ có ăn đất, uống sương và thở bằng ánh nắng mặt trời thôi…”. Và hôm đó, ông CTO này, vẫn làm việc hơn 10 tiếng một ngày, nhưng cách ông vẫn làm việc và sống 22 năm nay với cây sắn… Chú không biết gì về chuyện khởi nghiệp, chuyện gọi vốn, chuyện ra toàn cầu này nọ. Chú biết là mình cần làm tốt hơn nữa, siêng hơn nữa, thì với những cái nền đang tốt lên như bây giờ, chắc sẽ tốt lắm. Chú cười, hiền queo…

Bung ngồi trong cái xưởng làm phở sắn, nắng chang chang bên ngoài, mấy nồi sắn sôi sùng sục, thợ đang thu vỉ phơi sắn về, cười nói rôm rả lắm. Nhung trong bụng Bung thì… nóng hơn. Đã hai năm trôi qua, mà mỗi ngày sản lượng chỉ có 300 ký mỗi ngày, tức là… không bỏ dính kẽ răng của thị trường. Bung bắt Ảnh ngồi tính bài toán tài chính, một cách giản đơn nhất: làm sao trả lương cho Bung một triệu đồng mỗi tháng. Như vậy nhân lên là phải lời được 20 triệu mỗi tháng, nghĩa là 240 triệu mỗi năm, nghĩa là phải bán bao nhiêu tấn phở sắn hay bánh tráng sắn hay Spaghetty Việt gì gì đó. Hông thôi sao cứ bắt Bung ngồi “sửa bài” hoài, và lần nào Bung ra Đà Nẵng là y như rằng có người sẽ bị… “ăn mắng”.

Ảnh ngồi, ngọ nguậy tay chân, thề thốt nhiều thứ liên quan tới mấy cái máy tự động mà anh chàng đang làm với mấy thầy bên đại học Bách Khoa. Bung lại càng… nổi điên, sao không lo đi lập hợp tác xã, đi kêu gọi bà con cùng chung vô mà làm để còn lo thị trường cả nước, rồi thị trường Thái Lan, thị trường Mỹ đang đòi hàng “gluten free” liên tục, ở đó rị mọ cái máy làm gì…

Ảnh lại ngồi ngọ nguậy, tiếp tục thề thốt hứa hẹn. Bung tự dưng thấy mình hung dữ có phần quá mức, vì hai vợ chồng, à không, cả gia đình luôn chớ, đã và đang tiếp tục làm hơn nhiều so với sức lực của mình. Bung tự thấy mình… hầu nó chưa đủ, nên thôi lụi cụi làm tiếp. Dẫu sao, Bung luôn tin rằng, chân có cứng thì đá mới mềm. Tiếp tục tựa lưng vô nhau, cày tiếp, mà cày… thông minh và hiệu quả hơn, thế nào cũng thắng.

Vậy đó, xong đọc Facebook của Kim Ánh, vợ chàng Ánh, thấy buồn hiu: “Gia đình tôi đang vui vầy, hạnh phúc. Chồng tôi còn kể với tôi về bao dự định sẽ thực hiện. Cho đến khi cô ấy xuất hiện... Ăn chồng tôi cũng nhắc đến cô ấy, ngủ cũng nhắc đến cô ấy, bất chấp tôi đang sờ sờ trước mặt. Mỗi lần có tin gì của cô ấy, chồng tôi lại nén tiếng thở dài. Thiệt tôi giận cô quá, cô Vy! Nói chớ chẳng lẽ mình kêu gọi giải cứu phở sắn chứ phở ngập kho rồi. Ai ở xa xa đặt Tiki, Lazada, ghé Vinmart Hà Nội, Sài Gòn, gần gần alo tớ ship, hoặc mua ở bất kỳ chợ nào ở Tam Kỳ, Nam Phước, Đà Nẵng. Cuối tuần này có bánh tráng sắn, bảo đảm ngon hơn chủ của nó…”.

Có ai có giải pháp thị trường nào cho phở sắn Việt Nam không, giúp giùm với nhen.


BUNG TRẦN

See this content in the original post

Xem thêm

See this gallery in the original post