Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

TP.HCM bước đầu gặt hái thành quả từ hoạt động đào tạo nhân lực Quản trị tài sản trí tuệ

See this content in the original post

Nhờ chủ động quản trị tài sản trí tuệ, doanh nghiệp mở rộng khả năng kết nối thương mại, chuyển giao công nghệ và gia tăng năng lực cạnh tranh.

Từ năm 2005, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM được UBND TP.HCM đồng ý cho thực hiện Chương trình đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ tại Thành phố. Theo đó, một số khóa đào tạo 6 tháng của Đại học Kinh tế TP.HCM và Đại học Luật TP.HCM đã bổ sung nội dung Quản trị tài sản trí tuệ vào chương trình giảng dạy nhằm giúp học viên tiếp cận vấn đề sở hữu trí tuệ bằng góc tiếp cận quản trị kinh doanh hoặc góc tiếp cận pháp lý. Chương trình đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ còn là nội dung được đưa vào những báo cáo quan trọng của TP.HCM như “Báo cáo 6 Chương trình đột phá giai đoạn 2011-2015” (Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX), “Quy hoạch Phát triển Nhân lực TP.HCM 2011-2020” (Quyết định 1335/QĐ-UB ngày 15/3/2012 của UBND TP.HCM).

Song song đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng mở lớp đào tạo các cấp độ Chuyên viên tài sản trí tuệ, Trưởng bộ phận tài sản trí tuệ, Giám đốc tài sản trí tuệ gồm 15 mô-đun cho các đối tượng có nhu cầu, đến từ doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo – nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước và hội – đoàn. Tính đến hết tháng 12/2019, Chương trình đã cấp 68 Giấy chứng nhận cấp độ Giám đốc tài sản trí tuệ, 113 Giấy chứng nhận cấp độ Trưởng bộ phận tài sản trí tuệ, 223 Giấy chứng nhận cấp độ Chuyên viên tài sản trí tuệ cho các học viên hoàn thành.

TS. Nguyễn Hồng Quang, nghiên cứu viên Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức

Từ năm 2017, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Cục Công tác phía Nam) được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, Trung tâm đã lập kế hoạch và triển khai nhiều lớp đào tạo, tập huấn về quản trị tài sản trí tuệ đủ các cấp độ (cơ bản, chuyên sâu) cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trường Đại học, vườn ươm doanh nghiệp… tại TP.HCM và các tỉnh thành khác (Sóc Trăng, Bến Tre, Cần Thơ, Vũng Tàu, Lâm Đồng…). Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai dịch vụ hỗ trợ thực hiện quản trị tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp dễ dàng xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức và khai thác tài sản trí tuệ, chuyển nhượng tài sản trí tuệ.

Nhờ vậy, trong những năm qua, chủ doanh nghiệp ở khu vực TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam dần hiểu và nắm bắt được tầm quan trọng và lợi ích mà hoạt động quản trị tài sản trí tuệ mang lại, chẳng hạn như thúc đẩy chuyển giao công nghệ các đối tượng đã được bảo hộ (theo định hướng nghiên cứu khoa học, đổi mới kỹ thuật… của doanh nghiệp), từ đó tạo ra dòng tiền đáng kể từ hoạt động cho thuê, chuyển nhượng tài sản trí tuệ. Mặt khác, doanh nghiệp có khả năng tự bảo vệ trước đối thủ cạnh tranh (tránh sao chép hoặc sử dụng sự cải tiến), đồng thời kiểm soát và nắm giữ các tài sản trí tuệ quan trọng, hỗ trợ gia tăng năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Tại chương trình hướng dẫn kỹ thuật viết sáng chế và quản trị sáng chế vừa diễn ra hồi cuối tháng 9/2020 do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức, có đến phân nửa học viên tham gia là startup hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ. Họ đang quan tâm đến việc mở rộng phát triển thị trường bằng các sản phẩm khác nhau như muối é (Huỳnh Trung Ngư – Phú Yên), mứt cam xoàn sấy dẻo (HTX Phương An – Sóc Trăng), khô khóm (Nguyễn Thanh Toàn – Sóc Trăng), nhưng đều có chung nhận thức về việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nên đã đăng ký tham gia chương trình.

Chương trình hướng dẫn kỹ thuật viết sáng chế và quản trị sáng chế vừa diễn ra hồi cuối tháng 9/2020 do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức, có đến phân nửa học viên tham gia là startup hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ

Bằng việc vận dụng Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp bắt đầu tiến hành đăng ký các loại quyền sở hữu trí tuệ phổ biến như: quyền tác giả cho các tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật; quyền sở hữu công nghiệp cho các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…; quyền đối với giống cây trồng cho vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Hiện nay, 7 loại văn bằng bảo hộ thường được cấp là: bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, bằng bảo hộ giống cây trồng, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Đồng thời, 3 cơ quan chính trong hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng được “gõ cửa” nhiều hơn là Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới (Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thông qua những hoạt động đào tạo và hỗ trợ thực hiện quản trị tài sản trí tuệ do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ tổ chức, các doanh nghiệp đã bắt đầu có đủ nhận thức để khai thác tài sản trí tuệ, hạn chế các rủi ro trong sản xuất - kinh doanh. Không chỉ vậy, các đơn vị còn đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và startup chuyển giao công nghệ, tổ chức giới thiệu và thương mại hóa sản phẩm bằng các hoạt động truyền thông - kết nối, góp phần thúc đẩy kinh tế trong khu vực tăng trưởng và phát triển bền vững.

Hoàng Kim

See this content in the original post