Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: TPHCM chạm đến những tiền đề ứng dụng AI
Đến nay, Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn TPHCM năm 2020 đã có những kết quả ban đầu. Kết quả hội thi sẽ được công bố tại Ngày hội AI TPHCM sắp tới (dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến 4-10). Trước thềm ngày hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, đã có cuộc trò chuyện với PV Báo SGGP quanh hội thi gắn kết với chương trình AI của TPHCM.
* PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, Hội thi giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM năm 2020 đã có những kết quả bước đầu, nhận xét của đồng chí như thế nào?
* Đồng chí DƯƠNG ANH ĐỨC: Năm 2017, Chủ tịch UBND TPHCM ký quyết định phê duyệt Đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, hướng tới việc xây dựng TPHCM phát triển bền vững, với người dân là trung tâm. Ngày 3-7-2020, Chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của thành phố với mục tiêu trọng tâm là tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ…; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tăng tính cạnh tranh trong khu vực.
Hội thi AI bắt đầu từ năm 2020, sẽ được tổ chức hàng năm, là một trong các hoạt động của chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI của thành phố. Chương trình này là giải pháp nền tảng để thực hiện Đề án đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số của thành phố. Với bài toán đặt ra là sử dụng dữ liệu thực tế của thành phố, ứng dụng AI để giải quyết các vấn đề của thành phố. Đến thời điểm này, kết quả ban đầu cho thấy hội thi đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều trường đại học và doanh nghiệp trên cả nước.
Phần thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI-Solution) có 39 sản phẩm, giải pháp; phần thi thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) có 217 đội với 534 thí sinh. Qua đây cho thấy những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận về số lượng lẫn chất lượng. Ở phần AI-Challenge chủ đề AI với giao thông thông minh, 217 đội không chỉ đến từ các trường đại học ở khu vực phía Nam, Đại học Quốc gia TPHCM mà còn có các thí sinh quốc tế đến từ trường Đại học Yonsei (Hàn Quốc), NTU và SMU (Singapore), các em học sinh THPT từ Trường Phổ thông Năng khiếu, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các doanh nghiệp như VNG, VNPT-IT, FPT Information System, AIOZ, VinAI. Đây là điều đáng mừng, thể hiện uy tín của hội thi lần đầu tiên được tổ chức.
Với phần thi AI-Solution, ban tổ chức đã chọn 8 sản phẩm, giải pháp vào chung kết. Các sản phẩm, giải pháp này có tính ứng dụng rõ ràng, hàm lượng AI cụ thể, đây là điều ban tổ chức mong muốn để hiểu hơn về những ứng dụng AI trong đời sống. Tôi cho rằng đây là thời điểm mà mọi người đều mong muốn nghe kết quả hội thi, nhưng hãy dành kết quả ấy cho sự kiện quan trọng sắp tới là Ngày hội AI TPHCM 2020.
* Đồng chí có thể khái quát Chương trình AI của TPHCM?
* Thành phố xây dựng Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI với 3 mục tiêu chính: Một là, xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Hai là, thúc đẩy ngành công nghiệp AI nói riêng và công nghệ thông tin nói chung trở thành ngành kinh tế chủ lực trong tăng trưởng GRDP của thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững. Ba là, hướng tới TPHCM trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu và triển khai, chuyển giao ứng dụng AI; có trình độ phát triển AI nằm trong nhóm các thành phố dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
Để thực hiện 3 mục tiêu trên, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt là thành lập Trung tâm nghiên cứu AI TPHCM với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển tích hợp trong các lĩnh vực liên quan đến AI, gồm mạng, phần mềm, nội dung, thúc đẩy một cơ sở hạ tầng CNTT học thuật tiên tiến cho nghiên cứu và giáo dục. Hội thi AI TPHCM 2020 là một trong những giải pháp thực hiện Chương trình AI của thành phố. Sắp đến, thành phố sẽ ra mắt Hội đồng tư vấn AI, là những chuyên gia về AI giàu kiến thức khoa học, thực tiễn và cùng thành phố hoạch định chiến lược, thực hiện các chương trình ngắn hạn và dài hạn để đạt các mục tiêu trong Chương trình AI tại TPHCM.
* Đồng chí nhận định thế nào về triển vọng Chương trình AI tại TPHCM?
* TPHCM đã ký kết với Bộ TT-TT chương trình hợp tác về đẩy nhanh ứng dụng CNTT một cách toàn diện. Trong đó có nội dung phát triển các thiết bị phục vụ kết nối vạn vật, chuẩn bị điều kiện ứng dụng mạng di động 5G, triển khai các nội dung đô thị thông minh, nghiên cứu và ứng dụng AI.
Như lời đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Nếu làm đô thị thông minh hoặc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà không có nghiên cứu, ứng dụng AI thì không làm được. Nghĩa là không có AI thì không có cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Qua đây, thành phố khẳng định, TPHCM có điều kiện cùng cả nước hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI. Thành phố có nguồn lực kinh tế, có thị trường tại chỗ, là tiền đề quan trọng để thành phố hình thành chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI.
BÁ TÂN thực hiện